Tin mới

Bộ Y tế vào cuộc vụ dầu cá Omega 3 Trung Quốc ăn thủng tấm xốp

Thứ năm, 07/01/2016, 08:32 (GMT+7)

Chi cục ATTP tỉnh Quảng Ngãi vừa báo cáo Bộ Y tế việc phát hiện sản phẩm dầu cá Omega 3 ăn mòn bề mặt xốp khi tiếp xúc chỉ trong 10 phút.

Trước vụ việc này, cuối giờ chiều nay (6/1), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đang vào cuộc xác minh thông tin. Theo báo cáo của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi, vào ngày 5/1, một người dân địa phương đã đến cơ quan này trình báo về việc 2 lọ dầu cá Omega-3 nghi độc hại và có những có dấu hiệu bất thường.

Sau đó, người dân này đã cùng các cán bộ Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Ngãi tiến hành một thử nghiệm, cho vài giọt dầu cá vừa nêu tiếp xúc với bề mặt của tấm xốp dày 5cm. Thật bất ngờ, chỉ trong vòng 10 phút, mặt xốp bị ăn mòn và xuyên thủng. Thử nghiệm với các loại dầu cá khác, Chi Cục An toàn thực phẩm Quảng Ngãi không thấy hiện tượng tương tự.

Nhận được thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Ngãi xác minh nguồn gốc, xuất xứ của loại sản phẩm dầu cá có dấu hiệu bất thường mà người dân cung cấp, đồng thời kiểm tra ngay nếu phát hiện cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Nếu là hàng xách tay hoặc mua từ tỉnh khác về thì báo cáo ngay để Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo các địa phương khác kiểm tra.

Sớm nhất là ngày mai, Cục An toàn thực phẩm sẽ nhận được mẫu dầu cá mà Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Ngãi gửi đến để kiểm nghiệm. Trước mắt, Cục An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra xem sản phẩm này có được cấp phép lưu hành không, nếu không được cấp phép sẽ xử lý theo quy định hàng giả. Nếu sản phẩm được cấp phép sẽ điều tra toàn bộ quá trình nhập khẩu, phân phối, kinh doanh.

Theo Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Ngãi, trên bao bì 2 hộp dầu cá nghi độc hại này có ghi: đây là thực phẩm chức năng viên dầu cá Omega - 3 được sản xuất tại Trung Quốc, do một công ty ở Hà Nội nhập khẩu và phân phối. Đây là doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu và phân phối thực phẩm chức năng Omega 3.

Tuy nhiên, số đăng ký trên 2 hộp dầu cá mà người dân Quảng Ngãi cung cấp cho cơ quan chức năng có số đăng ký không khớp với số đăng ký của công ty vừa nêu./.

 

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã yêu cầu Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ngãi xác minh thông tin dầu cá omega-3 Trung Quốc làm thủng xốp.

Chiều tối 6//1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết ngay sau khi nhận được thông tin thực phẩm chức năng xuất xứ từ Trung Quốc gây bào mòn xốp, ông đã gọi điện cho Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra thông tin, báo cáo chi tiết vụ việc.

Trước đó, ngày 5/1, một người tiêu dùng mang sản phẩm này đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm vì thấy hiện tượng lạ từ thực phẩm chức năng Omega-3 mình mua về sử dụng.

Sau khi làm thử nghiệm ngay tại Chi cục trước sự chứng kiến của người tiêu dùng và các cơ quan ban ngành, chỉ trong vòng 10 phút từ lúc đặt viên dầu cá lên mặt xốp thì mặt xốp bắt đầu bào mòn cho đến khi xuyên thủng.

“Chi cục ATVSTP cũng làm thử nghiệm tương tự với một loại thực phẩm chức năng khác thì không xảy ra hiện tượng này”, ông Oai nói.

Dựa trên bao bì sản phẩm này, Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi xác định sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, do công ty Cổ phần đầu tư và phát triển thương mại Ngôi sao Việt (đóng tại Hà Nội) nhập khẩu và phân phối.

Tuy nhiên, số đăng ký trên 2 hộp Omega - 3 mà người dân cung cấp không khớp với số đăng ký của công ty Ngôi Sao Việt.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết Cục đã yêu cầu Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi làm việc với người mua, xem mua ở đâu. Nếu cửa hàng ngay tại Quảng Ngãi phải đến kiểm tra ngay. Nếu là hàng xách tay, hàng trôi nổi hoặc mua ở nơi khác phải báo cáo về Cục ATTP để kiểm tra ngay nơi bán.

"Trong ngày mai, nếu nhận được mẫu từ Quảng Ngãi gửi ra, trước hết chúng tôi sẽ kiểm tra sản phẩm xem có được phép lưu hành không, nếu không được cấp phép sẽ xử lý theo quy định hàng giả. Nếu hàng được cấp phép, sẽ tìm hiểu ngọn ngành xem nguyên nhân từ đâu, vì về nguyên tắc, từng lô hàng đều phải đạt yêu cầu thực phẩm nhập khẩu mới được phép lưu hành thị trường", ông Phong thông tin.

Theo ông Phong, đây là thông tin dễ gây hoang mang dư luận, do đó khi phải kiểm tra thận trọng trước khi thông tin vì yêu cầu số một là để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, thứ hai thông tin phải đảm bảo chính xác, khách quan để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp chứ không thể đưa ra thông tin chung chung mà chưa có kiểm chứng.

"Theo đánh giá chủ quan của tôi, nếu đã là hàng giả sẽ giống thật 100%, chỉ khác là không có công dụng. Còn trường hợp hàng giả chưa dùng đã phát hiện ăn mòn xốp thế này thì khó có thể kịp bán. Nên cái này rất khó", ông Phong đánh giá.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news