Tin mới

Bức ảnh thật đầu tiên của hố đen vũ trụ lộ diện

Thứ năm, 11/04/2019, 11:22 (GMT+7)

Các nhà thiên văn học đã chụp được hình ảnh đầu tiên của một hố đen ở thiên hà xa xôi.

Theo BBC, hố đen này có đường kính 40 tỷ km, gấp 3 triệu lần Trái đất và được các nhà khoa học mô tả là "một quái vật".

Bức ảnh thật đầu tiên của hố đen. Ảnh: EHT

Hố đen này cách Trái đất 55 triệu năm ánh sáng và được chụp lại nhờ Event Horizon Telescope (EHT), một mạng lưới gồm 8 kính viễn vọng trên khắp thế giới. Thông tin chi tiết được công bố hôm 10/4 trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.

Giáo sư Heino Falcke của ĐH Radboud, Hà Lan cho biết hố đen này được tìm thấy tại thiên hà M87. "Những gì chúng ta thấy lớn hơn kích thước toàn bộ Hệ Mặt trời. Nó có khối lượng lớn gấp 6,5 tỷ lần so với Mặt trời. Chúng tôi nghĩ đây là một trong những hố đen nặng nhất hiện tồn tại. Nó thực sự là một con quái vật, nhà vô địch hạng nặng của các hố đen trong Vũ trụ".

Bức ảnh cho thấy một "vòng lửa" sáng chói bao quanh một lỗ đen tròn hoàn hảo. Quầng sáng này hình thành do khí quá nóng rơi vào lỗ. Ánh sáng ấy còn sáng hơn toàn bộ hàng tỷ ngôi sao trong thiên hà cộng lại. Đó là lý do mà chúng ta có thể nhìn thấy nó ở khoảng cách xa như vậy.

Viền tròn tối tại trung tâm là điểm mà khí đi vào hố đen, nó có lực hút lớn tới mức ánh sáng không thể thoát ra.

Hình ảnh này trùng khớp với những gì mà các đạo diễn Hollywood đã tưởng tượng cho lên phim, cả về mặt thực tiễn lẫn lý thuyết, tiến sĩ Ziri Younsi, một thành viên của EHT nói.

Theo ông Younsi: "Mặc dù là những vật thể tương đối đơn giản nhưng các hố đen đặt ra một số câu hỏi phức tạp về bản chất của không gian và thời gian và tận cùng sự tồn tại của chúng ta". Với bức ảnh này, các nhà khoa học sẽ có cơ sở để giải đáp những câu hỏi trên.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news