Tin mới

Bùng nổ học hộ, thi hộ và... ốm hộ

Thứ sáu, 03/01/2014, 14:39 (GMT+7)

Không phải là hiện tượng quá mới, nhưng “học hộ, thi hộ” đã trở nên công khai và phổ biến trong giới sinh viên, kéo theo các dịch vụ “ăn theo” như làm giả thẻ sinh viên, giấy khám bệnh... để phục vụ sinh viên trốn học.

Không phải là hiện tượng quá mới, nhưng “học hộ, thi hộ” đã trở nên công khai và phổ biến trong giới sinh viên, kéo theo các dịch vụ “ăn theo” như làm giả thẻ sinh viên, giấy khám bệnh... để phục vụ sinh viên trốn học.

 

 Theo nội quy các trường đại học, nếu phát hiện gian lận trong thi cử, sinh viên sẽ bị đình chỉ học. Thực tế, biện pháp xử lý vẫn quá hời hợt và không thể quản lý được.

Học, thi và ốm “hộ”

Hầu hết các sinh viên (SV) lên mạng tìm kiếm người để học hộ, thi hộ (HHTH) đều viện ra lý do, nào là môn đó khó “nuốt”, đi làm thêm, không có thời gian học, nhất là với những SV hệ tại chức thì việc thuê HHTH là khá phổ biến. Điển hình như trường hợp D.M - sinh viên hệ tại chức, chuyên ngành kế toán ĐH Kinh tế TPHCM - thuê người HHTH cả 2 môn: Kế toán tài chính, kế toán quản trị.

D.M chia sẻ: Công việc tại công ty vào ban ngày quá bận, tối về mệt, lại phải lo cho gia đình nên không có thời gian và tâm trí cho việc học. Muốn công việc tiến xa, công ty lại yêu cầu phải có cái bằng ĐH chuyên ngành kế toán, nên D.M tìm đến dịch vụ này”. Việc HHTH khá phổ biến ở hệ tại chức. Giá thành thuê học hộ khá “bèo”, chỉ 50.000 đồng/buổi, vì người học hộ không phải chép bài, chỉ cần có mặt để điểm danh. Thi hộ giữa kỳ và cuối kỳ giá là 200.000 đồng.

Chỉ cần gõ cụm từ “học hộ, thi hộ” trên Google, người truy cập dễ dàng nhận thấy hơn 70 triệu kết quả tìm kiếm, trong đó có không ít mẫu quảng cáo rầm rộ về “dịch vụ HHTH chuyên nghiệp” trên các trang web raovat..., rongbay..., kenhsinhvien... và cả mạng xã hội Facebook, với ngồn ngộn thông tin giới thiệu công khai và hoành tráng, công khai cả số điện thoại. Người HHTH giới thiệu khá chi tiết và sở trường của mình để khách hàng lựa chọn. Hầu hết người HHTH là SV, trong giới SV chuyên nhờ HHTH đều không lạ lẫm với những “chuyên gia” đi thi. Thậm chí có hẳn cả trang Web “luanvanviet.net” chuyên viết luận văn thuê. Giá giá mỗi bài tiểu luận từ 500 đến một triệu đồng tùy theo số trang và độ công phu. Còn người nhờ HHTH cũng công khai nhờ ngày thi, môn thi. Hai bên thỏa thuận giá cả  trên cơ sở kết quả điểm môn thi.

Bùng nổ học hộ, thi hộ và... ốm hộ

Quảng cáo học hộ, thi hộ trên mạng. 

Theo các SV, học hộ và thi giữa kỳ thì không phải lo bị kiểm tra thẻ SV. Thi cuối kỳ mới cần thẻ. Thẻ SV của nhiều trường  là thẻ nhựa nên làm giả rất dễ. Các SV truyền nhau kinh nghiệm: Khi đi thi, nếu có thẻ SV giả thì coi như trót lọt. Đôi khi chỉ cần làm mờ hình trên thẻ  là được.

Chẳng giám thị nào không cho SV vào phòng thi vì lý do ảnh bị mờ”. Nắm bắt được nhu cầu này của SV, hàng loạt các trang web đăng công khai thông tin nhận làm thẻ giả, đảm bảo không bị phát hiện.Thậm chí, còn có cả những dịch vụ làm giả giấy khám bệnh, giấy nghỉ ốm cho những SV bị nghỉ học quá nhiều, vượt quá số ngày cho phép

Quản lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”

Khi kiểm tra chứng chỉ ngoại ngữ do SV nộp để xét tốt nghiệp, Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông-Lâm TPHCM phát hiện 10 trường hợp thi hộ và nghi ngờ 1 trường hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả. Theo lãnh đạo trường, hiện tượng học và thi hộ thường xảy ra với những SV chuẩn bị tốt nghiệp, thường có thi đầu ra môn ngoại ngữ.

Hầu như năm nào trường cũng “tóm” được vài ba trường hợp thi hộ. ĐH Luật TPHCM gần đây cũng phát hiện ra 3 trường hợp SV năm cuối sử dụng phiếu điểm TOEIC giả để xét tốt nghiệp. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, trong 2 năm học vừa qua, trường phát hiện, xử lý 4 trường hợp SV thi hộ.

Quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Bộ GDĐT ban hành ngày 15.8.2007, tại khoản 2, điều 29 quy định rõ: "Sinh viên đi thi hộ hoặc nhờ người khác thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai".

Thế nhưng trong thực tế, mỗi trường lại áp dụng một kiểu và nhiều nơi vẫn xử lý theo hình thức “giơ cao đánh khẽ”. Tại ĐH dân lập Văn Lang, SV khi bị phát hiện có hành vi thi hộ sẽ bị đình chỉ học tập một năm, tuy nhiên không phải đình chỉ ngay sau khi nhận quyết định kỷ luật mà áp dụng khi đã hoàn thành toàn bộ chương trình học. Nhiều cơ sở giáo dục hiện nay chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo, nhắc nhở đối với SV lần đầu vi phạm.

Trong trường hợp những người này tái phạm, tổ giáo vụ khoa mới chuyển hồ sơ xuống phòng đào tạo để hội đồng kỷ luật nhà trường xem xét và đưa ra các hình thức kỷ luật cao hơn.

Dự thảo nghị định về quản lý giáo dục do Bộ GDĐT vừa công bố quy định, mức xử phạt hành chính đối với hành vi thi hộ, chuyển tài liệu, thông tin, đồ dùng trái phép vào phòng thi hoặc làm bài, trợ giúp thí sinh làm bài phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập cho biết, nhà trường chỉ đóng vai trò giáo dục, truyền thụ tri thức, vấn đề xử phạt, thu tiền vi phạm không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm cho phép của nhà trường.

Ngoài ra, mức thu tiền phạt 5-10 triệu đồng vẫn bị cho là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm, nhiều ý kiến cho rằng, đối với sinh viên, kỷ luật bằng quy chế có ý nghĩa hơn là bằng tiền.

Theo Lao động

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news