Tin mới

Bước đi mạo hiểm của Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Iraq

Thứ năm, 10/12/2015, 11:08 (GMT+7)

Mỹ đang có kế hoạch triển khai trực thăng tấn công Apache tới Iraq nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố tại đây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng, động thái này sẽ đẩy Washington dấn sâu hơn vào cuộc xung đột mà họ luôn cố gắng để tránh.

Mỹ đang có kế hoạch triển khai trực thăng tấn công Apache tới Iraq nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố tại đây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng, động thái này sẽ đẩy Washington dấn sâu hơn vào cuộc xung đột mà họ luôn cố gắng để tránh.

Theo Sputnik, nằm ở miền trung Iraq, cách 75 dặm về phía tây thủ đô Baghdad, thành phố Ramadi đã rơi vào tay khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) từ tháng 5/2015. Những người dân tại đây đã phải chịu đựng sự hà khắc của luật Sharia mà IS áp dụng, đồng thời bị cấm rời khỏi những khu vực đang bị dội bom quanh thành phố.

Những trận mưa bom cũng cản trở nỗ lực của chính phủ Iraq nhằm giành lại thành phố này. Mặc dù quân đội Iraq đã thành công trong việc giành lại khá nhiều diện tích Ramadi hôm 9/12, song vẫn còn nhiều khu vực thuộc kiểm soát của IS. Để hỗ trợ việc giải phóng thành phố này, nhiều khả năng Mỹ sẽ sớm triển khai trực thăng tấn công cho quân đội Iraq.

Mỹ đang có kế hoạch triển khai trực thăng tấn công Apache đến hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: Reuters

"Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ quân đội Iraq với những trang thiết bị bổ sung độc đáo nhằm giúp họ hoàn thành nhiệm vụ giành lại Ramadi, bao gồm cả trực thăng tấn công và các cố vấn đi cùng. Song việc triển khai này sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể cũng như yêu cầu từ Thủ tướng Abadi", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 9/12.

Một cố vấn quân sự Mỹ giấu tên nói với tờ New York Times rằng, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã đề nghị Mỹ hỗ trợ các trực thăng tấn công. Mặc dù vậy, ngay cả khi đề nghị này được chấp chận, việc triển khai sẽ chỉ được tiến hành khi quân đội Iraq đã sẵn sàng tạo ra cuộc tấn công mạnh mẽ, đột phá để giành lại Ramadi.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cũng nhấn mạnh rằng, Tổng thống Obama vẫn chưa phê duyệt kế hoạch triển khai trực thăng.

"Tổng thống vẫn chưa quyết định sử dụng trực thăng tấn công cho một chiến dịch tại Iraq ", ông Earnest cho biết trong cuộc họp báo hôm 9/12.

Mặc dù vậy, kế hoạch này sẽ tạo ra nguy cơ khiến Mỹ một lần nữa sa lầy tại Iraq, quốc gia mà Mỹ đã chính thức rút quân từ năm 2011.

IS hiện vẫn đang kiểm soát phần lớn thành phố Ramadi, miền trung Iraq. Ảnh: Internet 

Lầu Năm Góc cũng đã quyết định đưa 3.500 binh sĩ tới Iraq. Mặc dù những binh sĩ này trên danh nghĩa là thực hiện nhiệm vụ tham vấn, song một số báo cáo cho rằng lực lượng này có thể trực tiếp tham gia chiến đấu chống khủng bố bên cạnh quân đội Iraq.

"Chuyện nực cười ở đây là binh lính không đi bốt quân đội mà toàn đi giầy thể thao kiểu Mỹ", một chiến binh Peshmerga giấu tên nói với tờ The Guardian.

Lầu Năm Góc cũng đang nóng lòng sau khi Thượng sĩ Joshua Wheeler, trưởng nhóm lực lượng Delta thiệt mạng khi thực hiện chiến dịch giải cứu 70 con tin khỏi tay IS. Cái chết của Joshua Wheele buộc giới chức quân sự phải thừa nhận rằng, về căn bản, Mỹ vẫn đang tiến hành các chiến dịch ở Iraq.

"Chúng tôi vẫn đang tham gia vào cuộc chiến và Iraq vẫn là vùng chiến sự", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steve Warren phát biểu trước báo giới.

Việc tăng cường các cố vấn quân sự cùng trực thăng chiến đấu sẽ khiến các mối lo ngại thêm trầm trọng.

Các xe quân sự của quân đội Iraq bị lực lượng IS chiếm được.

Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến bào chữa rằng các trực thăng chiến đấu này sẽ góp phần thúc đẩy cuộc chiến nhanh đến hồi kết. Một báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế hôm 8/12 cho biết, một phần lớn vũ khí mà IS đang sử dụng có nguồn gốc từ Mỹ.

"Trong suốt cuộc xâm lược và những hệ lụy sau đó, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã giải tán quân đội Iraq, triển khai 400.000 quân nhân, khiến hàng chục nghìn người hoặc phải trở về nhà, hoặc phải bỏ trốn cùng vũ khí của họ", báo cáo cho biết.

Hồi tháng 6, chính phủ Iraq cũng thừa nhận họ đã để mất một kho dự trữ khổng lồ các loại xe Humvee mà Mỹ hỗ trợ vào tay nhóm khủng bố.

"Chỉ riêng ở Mosul, chúng tôi đã mất 2.300 xe bọc thép Humvee. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn đang tiếp tục mất nhiều xe khác vì cuộc chiến vẫn tiếp diễn", Thủ tướng Haider al-Abadi cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước.

Hiện nay, nhóm khủng bố IS không có lực lượng không quân. Nếu IS chiếm được một phi đội trực thăng Apaches của Mỹ, hậu quả sẽ khôn lường.

Lê Huyền (Sputnik)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news