Tin mới

Buộc thôi học đối với học sinh phạm luật giao thông: Quy định đã có từ 30 năm

Chủ nhật, 13/03/2016, 17:24 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT khẳng định, quy định kỷ luật học sinh vi phạm đã có từ 30 năm và được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Bộ GD&ĐT khẳng định, quy định kỷ luật học sinh vi phạm đã có từ 30 năm và được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Tin tức trên báo Thanh niên, theo Bộ GD&ĐT, Thông tư số 08/TT của bộ ban hành từ năm 1988 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông đã nêu rõ các hình thức xử lý kỷ luật, trong đó có trường hợp đuổi học 1 tuần lễ.
Trong thời gian 1 tuần bị đuổi học, học sinh này phải kiểm điểm và suy nghĩ một cách sâu sắc về những khuyết điểm sai phạm của mình, nếu tỏ ra thành khẩn ăn năn, hối lỗi, có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ thì sau thời gian bị đuổi học, hiệu trưởng có thể xét và quyết định cho tiếp tục học. Thời gian học sinh bị đuổi học sẽ được coi là nghỉ học có phép nếu được học lại.

Nếu trong thời gian bị đuổi học 1 tuần lễ, học sinh mắc khuyết điểm sai phạm không tỏ ra thành khẩn hối lỗi và quyết tâm sửa chữa, thậm chí còn phạm thêm nhiều khuyết điểm sai phạm khác, thì Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ đề nghị hiệu trưởng quyết định đuổi học 1 năm.

Sở GD&ĐT Hà Nội và Bộ GD&ĐT đều khẳng định: "Với những gì mà quy định nêu, thì việc đình chỉ học một học sinh sẽ phải trải qua một quy trình rất chặt chẽ, không thể theo cảm tính hoặc “ngẫu hứng” của một cá nhân nào đó được. Hơn nữa, quy định này đã có từ 30 năm chứ không phải được đưa ra theo cảm hứng".

Buộc thôi học đối với học sinh phạm luật giao thông: Quy định đã có từ 30 năm

Quy định đuổi học HS vi phạm giao thông đã có từ 30 năm. Ảnh: Tổ quốc

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh: "Tạm đình chỉ không có nghĩa là đuổi học khỏi trường".

Trước đó, báo Người lao động đưa tin, vừa qua, Sở GD&ĐT TP Hà Nội ra quy định về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong ngành giáo dục, trong đó có việc học sinh, sinh viên (HS, SV) vi phạm giao thông nhiều lần sẽ bị buộc thôi học 1 tuần. Quy định này gây nhiều ý kiến trái chiều từ HS, SV, phụ huynh và chuyên gia.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, đối với HS, SV vi phạm luật an toàn giao thông lần 1 sẽ bị hạ 1 bậc hạnh kiểm trong tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2 sẽ bị hạ 1 bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình 3 ngày để tự kiểm điểm; thông báo tới địa phương cư trú. Nếu đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần, HS sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.

Chị Hoàng Yến (trú tại quận Thanh Xuân, có con đang học lớp 10 Trường THPT Nhân Chính) cho biết hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Sở GD&ĐT bởi đã là luật thì mọi người khi tham gia giao thông đều phải tuân thủ. Đội mũ bảo hiểm trước hết là để bảo vệ chính mình chứ không phải ai khác.

Về vấn đề này, trao đổi với Zing.vn, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản về việc xử lý học sinh vi phạm giao thông là không đúng thẩm quyền và không có tính pháp lý. Vị Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật cũng cho biết đang kiểm tra xem xét, báo cáo, đề xuất để "tuýt còi" văn bản trên. Đầu tuần sau, Cục này mới có kết luận cuối cùng.

Cũng liên quan vấn đề đang gây tranh cãi, luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, quyết định này khó đi vào thực tiễn. Ai là người đưa biên bản xử phạt học sinh, sinh viên khi vi phạm giao thông? Cảnh sát giao thông, người vi phạm hay phải thêm một cơ quan chức năng như “đội cờ đỏ” giám sát, theo dõi?

Trước những ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, việc xử lý kỷ luật bằng cách buộc thôi học 1 tuần là mức hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với những HS vi phạm giao thông nhiều lần.

Ông Thống cũng cho rằng hình phạt này không có nghĩa là đẩy HS ra ngoài vỉa hè chơi game mà là để gia đình nâng cao ý thức, quan tâm hơn tới giáo dục con em; giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, quản lý HS tốt hơn. Điều này giúp HS đó nhận thức là mình không được đứng ngoài vòng pháp luật, các em phải tuân thủ pháp luật.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang rà soát toàn bộ nội dung của quy định hiện hành, lắng nghe các ý kiến góp ý, để tiến hành xây dựng hướng dẫn mới về khen thưởng và kỷ luật học sinh, đáp ứng những yêu cầu mới hiện nay.

Bảo Khánh (tổng hợp)

Nguồn: Đời sống và Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news