Tin mới

Buộc thôi học hơn 400 sinh viên, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM giải thích

Thứ sáu, 12/10/2018, 11:06 (GMT+7)

Liên quan đến vụ việc Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM buộc thôi học hơn 400 sinh viên, Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng cho biết đây là hình thức xóa tên các trường hợp đã nghỉ học từ lâu. 

Liên quan đến vụ việc Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM buộc thôi học hơn 400 sinh viên, Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng cho biết đây là hình thức xóa tên các trường hợp đã nghỉ học từ lâu. 

Báo Tiền Phong đưa tin, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM vừa buộc thôi học 438 sinh viên, đồng thời cảnh cáo gần 571 trường hợp do không nộp bản chính bằng tốt nghiệp THPT để đối chiều hồ sơ.

Ông Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. (Ảnh: Zing)

Ngày 12/10, Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, trong danh sách bị đuổi học chỉ có 10 sinh viên không nộp bằng, số còn lại đã nghỉ, đi du học hoặc theo học trường khác. Do đó, việc kỷ luật đuổi học vì không nộp bản gốc bằng tốt nghiệp THPT chỉ là hình thức để trường xóa tên trong danh sách sinh viên. Ngoài ra, có nhiều trường hợp trường đã thông báo nhiều lần nhưng sinh viên không chấp hành, nên buộc phải làm như vậy.

“Thực tế, không trường nào muốn đuổi hàng trăm sinh viên, nhất là đối với các trường tự chủ, nguồn thu phụ thuộc nhiều vào học phí. Trung bình mỗi năm có khoảng 10% chỉ tiêu tuyển sinh nghỉ, bỏ học”, ông Dũng nói.

Ngoài trường Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, nhiều trường ở TP. HCM cũng kiểm tra bằng tốt nghiệp của sinh viên.

Ông Đồng Văn Hướng – Phó hiệu trưởng Đại học GTVT TP. HCM chia sẻ, việc làm của trường Sư phạm Kỹ thuật là hợp lý bởi việc kiểm tra từ đầu sẽ rà soát, sàng lọc sinh viên, tránh lãng phí thời gian, công sức của cả nhà trường và chính các em.

Trong số hơn 400 sinh việc bị buộc thôi học, hệ đào tạo Chất lượng cao chiếm lượng nhiều nhất với 228 em. (Ảnh: Thanh Niên)

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh (Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM) việc đối chiếu bằn mang tính chất kiểm tra để đảm bảo thông tin chứ không cần thiết lắm.

“Khi nhập học, sinh viên phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Bên cạnh đó, trường hợp trượt tốt nghiệp không nằm trong dữ liệu xét tuyển sinh, nên việc kiểm tra lại chỉ là hình thức. Khi xét tốt nghiệp đại học, sinh viên vẫn không xác minh được mình đã tốt nghiệp THPT thì không được tốt nghiệp đại học. Quá thời gian tốt nghiệp mới bị đuổi học”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. HCM) – ông Phạm Tấn Hạ nhận định, đuổi học sinh viên khi không nộp bằng THPT là cách làm riêng của trường Sư phạm Kỹ thuật. Mỗi trường có cách quản lý sinh viên khác nhau.

Tại Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, sinh viên chỉ nộp bằng THPT khi làm hồ sơ tốt nghiệp đại học. Người nào không nộp sẽ không được xét tốt nghiệp.

“Tinh thần chung của Bộ GD&ĐT quy định sinh viên phải nộp bằng tốt nghiệp THPT để kiểm tra theo quy chế tuyển sinh. Các trường tùy theo cách quản lý của mình có thể thu lúc này, lúc khác và có những hình thức kỷ luật khác nhau”, ông Hạ cho hay.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news