Tin mới

Giáo sư Trần Văn Khê qua ký ức "trò yêu"

Thứ năm, 25/06/2015, 00:25 (GMT+7)

"Với tôi, giáo sư Trần Văn Khê là một người thầy, người cha, một vị tiên nhạc ấm áp, lạc quan. Ở bên ông, chúng tôi dường như quên hết mọi lo toan, bộn bề của cuộc sống..." - Ca nương Phạm Thị Huệ nói.

"Với tôi, giáo sư Trần Văn Khê là một người thầy, người cha, một ông tiên ấm áp, lạc quan. Ở bên ông, chúng tôi dường như quên hết mọi lo toan, bộn bề của cuộc sống..." - Ca nương Phạm Thị Huệ nói.

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời sáng 24/6

Ngày 24/6, Giáo sư Trần Văn Khê, người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc qua đời ở tuổi 94, để lại muôn vàn tiếc nuối cho người thân, bạn bè, hậu sinh. Trong số các học trò của ông, ca nương Phạm Thị Huệ là một trong những người được ông rất mực yêu quý lúc sinh thời.

Sau phút đau xót vô hạn về sự ra đi của người thầy rất mực tôn kính, ca nương Phạm Thị Huệ đã nhận lời chia sẻ với Tinmoi.vn/Người đưa tin về cố giáo sư Trần Văn Khê. Những chia sẻ đầy chân thực, xúc động giúp khán giả Việt Nam hiểu rõ hơn về Giáo sư- Tiến sĩ- Viện sĩ - “Cây đại thụ” của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.

“Tôi là học trò gặp Thầy sau các anh chị Bùi Trọng Hiền, Hải Phượng… Tôi cũng là một người may mắn khi có cùng mối quan tâm với thầy là ca trù. Thầy là người đầu tiên quay trở về từ Pháp từ những năm 1976, thu âm giọng hát của NSND Quách Thị Hồ qua băng cát-sét. Và chính nhờ nghe băng cát-sét từ năm 1992 đó mà tình yêu với ca trù trong tôi lớn dần.

Ca nương Phạm Thị Huệ

- Sinh năm 1973

- Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long (Biểu diễn tối thứ, 3, 5, 6, 7, Chủ nhật hàng tuần tại 28 Hàng Buồm, Hà Nội).

- Là học trò của Cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Giáo sư Trần Văn Khê, Phạm Thị Huệ hiện là 1 trong số ít ca nương xuấ sắc tại Việt Nam về bộ môn ca trù.

Nói về về tình yêu âm nhạc dân tộc, Thầy luôn dặn tôi là ngày hôm nay phải tiến bộ hơn ngày hôm qua. Và những gì mà mình học được thì phải truyền lại cho thế hệ sau. Có như vậy thì âm nhạc truyền thống mới được lưu truyền mãi mãi.Khi tôi làm luận văn thạc sĩ về Đàn Tỳ bà, có quá nhiều vấn đề khúc mắc khiến đôi khi tôi muốn từ bỏ. Nhưng Thầy đã động viên tôi rất nhiều. Thầy cũng đưa ra cho tôi nhiều tư liệu và những chính kiến để tôi có thêm động lực. Bất cứ chỗ nào khúc mắc tôi hỏi, Thầy đều giải đáp một cách thuyết phục.

Ca nương Phạm Thị Huệ - một trong những học trò cưng của Giáo sư Trần Văn Khê

Giáo sư Trần Văn Khê tới dự lễ ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long năm 2010. Ảnh: NVCC

Với tôi, kỷ niệm đặc biệt nhất là vào thời điểm 2010, khi ấy Thầy rất bận, sức khỏe cũng đã yếu nhưng Thầy vẫn thu xếp để đến dự lễ ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long  của chúng tôi. Thời điểm ấy, Giáo phường ra đời là một dịp vô cùng quan trọng. Nó đánh dấu ca trù được khôi phục sau 60 năm chìm vào quên lãng.

Hôm đó Thầy xúc động nhiều lắm. Thầy bảo, năm 1976, Thầy tưởng ca trù đã biến mất sau khi nghệ nhân Quách Thị Hồ ra đi. Nhưng không ngờ rằng ở tuổi gần 90, Thầy vẫn chứng kiến một Giáo phường ra đời như thế! Tình yêu, sự xúc động của Thầy khiến chúng tôi có thêm nhiều động lực, nhiều cố gắng hơn mỗi ngày trong việc phát triển ca trù tại Việt Nam.

Đôi với tôi, Thầy giống như một người thầy, một người cha. Và ở một góc độ khác, Thầy lại giống như một ông tiên ấm áp và lạc quan. Ở bên cạnh Thầy, chúng tôi có thể quên hết mọi lo toan, bộn bề của cuộc sống. Chúng tôi có thể đàn hát, trò chuyện cùng ông những câu chuyện bất tận về  âm nhạc, về tình người, lẽ sống. Cảm giác bình yên mà quý giá vô cùng. Thầy tạo cho tất cả những người tiếp xúc với mình một cảm giác an lành.

Ca nương Phạm Thị Huệ: "Tôi ước gì Thầy vẫn ở đây. Và ngày mai, ngày kia... Thầy vẫn lên lớp..."

Tôi ở Hà Nội, thầy thì ở Sài Gòn. Tôi thường học online với thầy bằng cách đặt lịch trước. Thỉnh thoảng đi công tác, tôi vẫn  ghé thăm và trò chuyện với thầy. Và ngược lại, lần nào ra Hà Nội hội thảo hay giảng dạy, thầy cũng đều đến Giáo phường Ca trù Thăng Long nghe hát, gặp gỡ và cho chúng tôi những lời khen, lời khuyên quý báu.

Tình yêu âm nhạc dân tộc của Thầy không chỉ truyền cho chúng tôi- những người theo học âm nhạc chuyên nghiệp, mà còn cho tất cả những người trẻ. Dù tuổi cao, sức yếu, Thầy vẫn đi tất cả các trường đại học để giới thiệu âm nhạc dân tộc tới các bạn trẻ. Hình ảnh mà các sinh viên đỡ xe lăn của Thầy trên những bậc thang giảng đường để vào lớp, nó in sâu vô cùng trong lòng tôi và các em. Tôi cứ tưởng như Thầy vẫn đang ở đây. Và ngày mai, ngày kia… Thầy vẫn lên lớp….

Sự ra đi của Thầy là điều vô cùng mất mát, không thể nào kể xiết. Không biết đến bao giờ chúng ta mới có một Thầy Trần Văn Khê như thế. Mặc dù tôi cũng biết sự sống - cái chết là quy luật. Ai rồi cũng phải ra đi thôi. Nhưng tôi vẫn cứ tham lam, vẫn muốn Thầy ở đây mãi với chúng ta. Giờ đây, tôi biết thầy đã đi xa, nhưng tôi tin, linh hồn của thầy vẫn sẽ dõi theo chúng ta, dõi theo sự phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam”.

Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại tỉnh Vĩnh Long, là con cả của một gia đình có 4 đời nhạc sĩ. Ông sang Pháp năm 1949, học tại trường Đại học Sorbonne ở Paris vào năm 1958. Năm 1949 Học tại Viện Khoa học Chính trị Paris. 1951 Tốt nghiệp Khoa học Chính trị, Khoa Giao dịch Quốc tế. Từ 1954 đến 1958 học Đại học Văn Khoa Paris, Viện Âm nhạc học. 1958 ông là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ Khoa Âm nhạc học Đề tài luận án: ”La Musique vietnamienne traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).

Giáo sư Trần Văn Khê từng được Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, năm 1975 Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada). Năm 1981 Giải thưởng lớn về Âm Nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế Âm nhạc. Năm 1991 Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier, Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng. Năm 1995 Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật). Năm 1999 Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada).

Sau hơn 50 năm ở nước ngoài, ông trở về Việt Nam và sống tại 32 Huỳnh Đình Hai (Quận Bình Thạnh, TP.HCM). Nơi này giống như một bảo tàng âm nhạc, lưu giữ nhiều sách và nhạc cụ truyền thống cùng nhiều kỷ vật của giáo sư Trần Văn Khê. Ở đây, từng diễn ra những buổi diễn âm nhạc và nói chuyện về âm nhạc truyền thống hết sức có ý nghĩa.

Xem Video Giáo sư Trần Văn Khê ngâm thơ cùng ca nương Phạm Thị Huệ:

[mecloud]sBVA1rDF9W[/mecloud]

Ngọc Ánh (Ghi)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news