Tin mới

Cách phân biệt phân bón thật-giả

Thứ sáu, 21/08/2015, 15:10 (GMT+7)

Trước thực trạng trên xuất hiện ngày càng nhiều phân bón giả tại các địa phương, người tiêu dùng cần biết cách phân biệt phân bón thật,giả qua những cách sau đây

Trước thực trạng trên xuất hiện ngày càng nhiều phân bón giả tại các địa phương, người tiêu dùng cần biết cách phân biệt phân bón thật,giả qua những cách sau đây.

Nông dân hoang mang với nạn phân rởm

Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Nhưng theo phản ánh của bạn đọc, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Thanh An, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) cho biết, gia đình ông mua phân NPK để bón cho cây lúa, nhưng bón xong thì thấy cây lúa không phát triển.
Khi đem loại phân bón đã bón cho loại cây trồng khác, thì thấy phân bón đó không hòa tan được và bị vón cục.

Tin tức trên báo VOV, lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, sự hám lợi của các đại lý, phân bón kém chất lượng đã len lỏi vào từng thôn làng ở Gia Lai, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất và gây bức xúc cho bà con nông dân.

Như thường lệ, vào cuối mùa mưa, anh Nguyễn Văn Bẩy ở thôn Phù Tiên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai lại đến đại lý vật tư nông nghiệp lớn nhất xã mua phân bón cho hơn 2 héc-ta cà phê và hơn 200 trụ tiêu của mình.

Đại lý giới thiệu cho anh Bẩy loại phân Urê- Silic của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngưu về dùng thử. Anh đã dùng một phần trong số này rắc quanh gốc cà phê, nhưng đến nay đã hơn 3 tháng, qua nhiều lần tưới nước và xới gốc, những hạt đen của phân vẫn trơ như sỏi đá. Thử hoà phân này trong nước thấy chỉ tan được một nửa. Nửa còn lại kết tủa thành từng mảng keo dính, như đất sét.

Anh Nguyễn Văn Bẩy nói: “Bình thường, nếu rắc thẳng phân vào cây, tôi sẽ khó phát hiện. Nhưng vì hôm đó trời nắng, tôi phải hòa phân vào nước để tưới tiêu. Sau khi ngâm 10 đến 15 phút, tôi thấy cô đọng dưới đáy phi loại chất dẻo này. Cứ 2,5 kg sẽ có 1kg chất dẻo”.Còn tại huyện Krông Năng (Đác Lắc), nhiều gia đình không thể thu hoạch cà-phê vì cà-phê bị héo lá do bón phải phân bón kém chất lượng. Vậy là, sau thời gian trồng trọt, chăm bón, mất bao công sức vất vả, tốn tiền của đầu tư về cây giống, phân bón, sức lao động... cuối cùng người nông dân đành mất mùa, trắng tay chỉ vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Thông tin trên báo Dân dân, việc phân bón nhập lậu, kém chất lượng đang hoành hành trên thị trường không chỉ gây tác hại cho cây trồng, tốn bao mồ hôi, công sức của nông dân, mà còn làm rối loạn thị trường, thiệt hại nghiêm trọng đến thương hiệu các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón khác. Theo lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (QLTT), Bộ Công thương, năm 2013, qua kiểm tra 4.689 vụ, lực lượng QLTT đã phát hiện tới 1.483 vụ vi phạm (tăng 31% so với năm 2012), xử phạt hành chính 14,5 tỷ đồng, tịch thu 813.881 kg, 11.830 gói và 1.165 chai phân bón các loại.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2014 lực lượng QLTT đã phát hiện xử lý 131 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1,32 tỷ đồng, thu giữ 110.442 kg, 10.107 gói phân bón. Các vụ vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón quá hạn sử dụng, không thuộc danh mục được phép kinh doanh hoặc nhập lậu, tập trung nhiều các tỉnh như An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Định, Đồng Nai... chiếm tới 80% số vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước.

Không chỉ kinh doanh, vận chuyển phân bón giả, thời gian qua, trên thị trường còn xuất hiện loại phân bón là hàng thật với chất lượng thấp, như: Phân bón công nghệ cao, phân bón NPK168... khiến người nông dân hiểu nhầm. Theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn, những loại phân bón này có hàm lượng dinh dưỡng thấp, chỉ bằng 1/10 loại phân bón khác, trong khi giá bán vẫn xấp xỉ, hoặc thấp hơn từ 200 đến 2.000 đồng/kg với giá bán phân bón có thương hiệu. Chưa kể, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại phân bón với tên gọi khác như phân bón trung lượng, vi lượng... khiến các cơ quan quản lý cũng không thể xử lý.

Cách phân biệt phân bón thật-giả

Phân Ka-li clo-rua (KCl) chứa 60% K2O

Màu sắc đặc trưng: đỏ hồng, hồng nhạt, đỏ tím và màu trắng. Đây là loại phân chứa Ka-li phổ biến nhất, và cũng là loại phân bị lợi dụng làm giả, làm nhái nhiều nhất, gây tổn thất nặng nề nhất cho người nông dân do chênh lệch giá giữa hàng thật-hàng giả rất lớn, lại dễ làm giả.

Nông dân dễ bị mua phải phân Ka-li giả do trên thị trường có các loại phân NKS, KNS, NPK… được một số nhà sản xuất cố tình làm rất giống phân Clo-rua Ka-li về mặt hình thức, nhất là màu đỏ đặc trưng của Kali, nhưng thực chất chỉ có từ 10-30 % là Ô-xit Ka-li, còn lại là phân SA, muối ăn, phẩm màu, bột sét đỏ. Đây là loại phân phải nhập khẩu 100%, do đó khi mua hàng, người nông dân cần yêu cầu đại lý: Bán cho loại phân Ka-li thật, có hàm lượng K2O ≥ 60%, sau đó phải xem bao bì có đúng là hàng nhập khẩu hay không. Các loại phân do các cơ sở trong nước sản xuất, trên bao bì không ghi hàm lượng K2O chiếm 60% thì đều là hàng giả, hàng nhái.

Khi mua hàng nên mang theo một chiếc cốc thủy tinh nhỏ, trắng và trong suốt cùng một ít nước sạch trong cốc. Thả một nhúm chừng 3-5 gam sản phẩm vào trong cốc nước có dung tích 50-100 ml để làm thực nghiệm và quan sát kết quả như sau:

Cách thử: Cho 3-5 gam phân khô ráo vào cốc nước trong.

Phân Kali clorua thật:

- Cốc nước chưa có màu hồng đỏ
- Một phần chìm xuống nước, một phần vẫn nổi trên mặt cốc nước

- Sau khi khoắng mạnh, dung dịch chuyển sang màu hồng nhạt, không vẩn đục, có váng đỏ bám quanh thành cốc. Phân tan hết.

Phân Kali clorua kém chất lượng:

- Cốc nước lập tức có màu hồng đỏ

- Toàn bộ phân chìm xuống và tan rất nhanh.

- Sau khi khoắng mạnh, dung dịch có màu hồng đỏ, vẩn đục, không có váng đỏ bám quanh thành cốc. Có thể để lại cặn không tan hết.

Phân Ka-li sunfat (K2SO4) chứa 50% K2O:

- Màu trắng, ở dạng hạt nhỏ hoặc bột, cũng là loại phân phải nhập khẩu, số lượng dùng không phổ biến, dễ bị làm giả khi trộn lẫn với bột đá vôi hoặc bột vôi sống, bột đất sét trắng.

Cách phân biệt như sau:

Cách thử: Cho 7-10 gam phân vào cốc nước trong.

Phân Sun - phát Ka - li (SOS) thật: Tan hết trong nước, dung dịch có màu trong suốt.

Phân giả: Có thể không tan hết, để lại cặn lắng (bột đá) hoặc dung dịch vẩn đục do huyền phù của vôi hoặc sét trắng.

Phân U-rê:

Có hai loại phân U-rê chính là loại hạt trong và hạt đục, cả hai loại đều có công thức hóa học và hàm lượng ni-tơ như nhau, tối thiểu là 46%.

- Phân U-rê hạt trong: là loại phổ biến nhất, phân rất dễ tan, có màu trắng trong, dạng hạt tròn. Đây là loại phân rất khó làm giả, tuy nhiên đã xuất hiện loại kém chất lượng bằng cách trộn phân SA vào phân U-rê theo một tỷ lệ nhất định do phân SA rẻ hơn phân U-rê.

Đặc điểm để nhận biết là phân U-rê thật chỉ có dạng hạt tròn, còn nếu có lẫn phân SA thì các hạt phân SA có dạng tinh thể, nhiều góc cạnh. Hiện nay nước ta chỉ có 2 nhà máy sản xuất được U-rê hạt trong là Đạm Hà Bắc và Đạm Phú Mỹ, còn lại là U-rê nhập khẩu. Do đó, phân U-rê của các cơ sở sản xuất khác ở trong nước đều là hàng giả. Vì vậy, người nông dân nên chọn mua 2 loại U-rê Hà Bắc và Phú Mỹ, hoặc U-rê trên bao bì có ghi rõ ràng nguồn gốc nhập khẩu.

- Phân U-rê hạt đục: đây là loại phân rất tốt, phân có dạng hạt to, đường kính hạt 2- 4mm, cứng, màu trắng đục như sữa. Đây là loại phân phải nhập khẩu 100%, rất khó làm giả hoặc việc làm giả không đem lại lợi ích đáng kể. Bà con nông dân có thể an tâm khi mua và sử dụng loại phân này.

Đối với các loại phân hỗn hợp NPK nói chung rất khó phân biệt được thật - giả và xác định được mức chất lượng bằng cảm quan thông thường mà phải dựa trên kết quả phân tích của các trung tâm phân tích. Kinh nghiệm chung để mua được đúng chủng loại và chất lượng các loại phân NPK là chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, mua tại các đại lý bán hàng chính thức của các công ty đó.

Hoài An (tổng hợp)/ theo Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news