Tin mới

Cái chết của thủ lĩnh tối cao đẩy IS xuống vực thẳm khốn cùng

Thứ tư, 12/07/2017, 18:03 (GMT+7)

Cái chết của thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi khiến nhóm khủng bố khét tiếng một thời Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện giờ chẳng khác nào rắn mất đầu. Trong bối cảnh đại bại ở Iraq và bị dồn ép liên tục ở Syria, những phiến quân Hồi giáo lạc lõng này sẽ đi về đâu.

Cái chết của thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi khiến nhóm khủng bố khét tiếng một thời Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện giờ chẳng khác nào rắn mất đầu. Trong bối cảnh đại bại ở Iraq và bị dồn ép liên tục ở Syria, những phiến quân Hồi giáo lạc lõng này sẽ đi về đâu.

Hôm 11/3, một nguồn tin tại Iraq nói với kênh truyền hình Al Sumaria rằng, nhóm phiến quân IS đã phát đi một thông báo thừa nhận cái chết của thủ lĩnh tối cao al-Baghdadi và tuyên bố một "đế chế mới" sẽ sớm được thành lập. Nhóm khủng bố không cung cấp bất cứ thông tin chi tiết nào về cái chết của thủ lĩnh.

Trước đó, hôm 16/6, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng al-Baghdadi có thể đã thiệt mạng trong một trận không kích của quân đội Nga ở ngoại ô phía nam thành phố Raqqa hồi cuối tháng 5. Vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Nga nói cần phải xác minh thông tin này.

Thủ lĩnh IS từng nhiều lần được cho là đã thiệt mạng. Thông tin về cái chết của y từng được đề cập đến hồi tháng 6 và tháng 12/2016, tháng 4/2015 và tháng 11/2014. Tháng 4/2015, hắn được cho là đã thiệt mạng sau khi bị thương. Tháng 10/2016 lại có báo cáo cho rằng al-Baghdadi đã bị trúng độc. Tháng 1/2017, truyền thông lại nói rằng al-Baghdadi bị thương rất nặng sau một trận không kích.

Cái chết của thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi khiến nhóm khủng bố IS hiện giờ chẳng khác nào rắn mất đầu. Ảnh: Reuters

Cuối tháng 6/2017, một đại diện của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran nói rằng cái chết của kẻ đứng đầu IS đã được khẳng định qua nhiều kênh thông tin, và nhấn mạnh rằng al-Baghdadi chắc chắn đã thiệt mạng.

Irina Fedorova, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói rằng, có 99% khả năng rằng al-Baghdadi thực sự đã chết. Chuyên gia này cho rằng cái chết của tên thủ lĩnh sẽ làm suy yếu đáng kể nhóm khủng bố này.

"al-Baghdadi là thủ lĩnh tinh thần của IS. Hắn từng khẳng định rằng hắn chính là hậu duệ của nhà tiên tri Mohammed. Hắn có quyền tối cao đối với những người chiến đấu trong hàng ngũ IS và những người ủng hộ hệ tư tưởng đó. Điều này lý giải tại sao IS sẽ rất khó khăn để chọn ra một thủ lĩnh mới", Fedorova nói với Sputnik.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, sự thật về cái chết của thủ lĩnh và những thất bại quân sự gần đây đã mở đường cho sự chia rẽ trong nội bộ IS.

"Cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo có thể dẫn đến sự chia rẽ trong IS. Trong tuyên bố của mình, nhóm khủng bố đã kêu gọi ngăn chặn sự chia rẽ trong hàng ngũ và tăng cường đoàn kết. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt trong giới lãnh đạo IS", Fedorova nói.

Ayad al-Jumaili, cựu sỹ quan quân đội Iraq dưới thời Saddam Hussein, được cho là người sẽ trở thành thủ lĩnh IS sau cái chết của al-Baghdadi.

Bà cũng nhấn mạnh rằng kịch bản như vậy có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực, đặc biệt đối với cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực.

"Nếu IS bị chia rẽ thì sẽ dẫn đến kết quả là sẽ tạo ra nhiều nhóm cực đoan nhỏ hơn, và mỗi nhóm lại có những thủ lĩnh riêng. Điều này có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực chống khủng bố ở Syria và Iraq".

Alexander Mikhailov, thành viên của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, thì nhận định rằng, cái chết của al-Baghdadi sẽ làm giảm dòng tiền mà IS nhận được.

"Cái chết của lãnh đạo sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài trợ của IS. Có thể vấn đề là ai sẽ trả cho IS. Thông thường, tài trợ thường được sắp xếp cho một thủ lĩnh nhất định", Mikhailov nói với Sputnik.

Theo ông, cái chết của al-Baghdadi là hệ quả tất yếu của một cuộc săn lùng lâu dài đối với thủ lĩnh IS.

"Sớm hay muộn thì ông ta cũng sẽ bị giết. Đồng thời, cũng không thể loại bỏ giả thiết rằng al-Baghdadi đã bị giết trong cuộc đấu tranh giành quyền lực nội bộ của IS", Mikhailov gợi ý.

Ông nói thêm rằng cái chết của một thủ lĩnh khủng bố thường dẫn đến việc phân phối lại quyền lực trong nhóm, nhưng những kẻ khủng bố IS có thể sẽ tiếp tục các hoạt động của chúng

"Chúng tôi biết rằng không có một trung tâm duy nhất nào trong IS, mà sẽ có vài trung tâm như vậy. Mặc dù chịu một cú đả kích lớn, IS vẫn có thể hoạt động", Mikhailov chỉ ra.

Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng IS cũng nhận ra rằng chúng đã bị "dồn vào bước đường cùng" và có thể mở rộng lãnh thổ sang một khu vực khác, chẳng hạn như Afghanistan.

Lê Huyền (Sputnik)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news