Tin mới

Cải tiến Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền: Cứ tranh luận nhưng đừng chỉ trích, thóa mạ tác giả

Thứ tư, 27/12/2017, 14:17 (GMT+7)

Theo ý kiến của những chuyên gia ngành ngôn ngữ học, đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền chỉ là ý kiến cá nhân nên độc giả có thể tranh luận nhưng không nên chỉ trích hay thóa mạ tác giả.

Theo ý kiến của những chuyên gia ngành ngôn ngữ học, đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền chỉ là ý kiến cá nhân nên độc giả có thể tranh luận nhưng không nên chỉ trích hay thóa mạ tác giả.

Trong khi dư luận "dậy sóng" về phần 1 cải tiến phụ âm "Tiếq Việt" chưa lâu, PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu 40 năm và quyết định công bố phần 2 (trọn vẹn công trình) sớm hơn dự định.

Nếu trong lần công bố trước, PGS Bùi Hiền thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R=R; S = S, X; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n' để biểu đạt.

Lần công bố này chỉ có 6 chữ cái được thay đổi như sau: C (chờ) = ch, tr; K (cờ) = k, c, q; Q (thờ) = th; W(ngờ) = ng, ngh; X (khờ) = kh; Z (dờ) = d, gi, r.Trao đổi với PV Dân Trí,  TS. Bùi Hiền cho biết, trong phần thứ hai này, ông tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của Tiếng Việt (Hà Nội), từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc "một âm vị - một chữ cái".

Ảnh: Tri thức trực tuyến

Theo thông tin trên Dân Trí, có hai vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là: Số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong Tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng; nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết Tiếng Việt.

PGS.TS Bùi Hiền khẳng định, việc cải tiến chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm cho tiếng thủ đô Hà Nội, chứ không tác động vào hệ thống âm vị làm tiếng nói khác đi, dẫn đến ý nghĩa khác đi như một số lời đồn thổi trong thời gian vừa qua.

Bày tỏ quan điểm của mình về cải cách chữ của PGS.TS Bùi Hiền, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam nói với PV Trí thức trẻ, quan điểm của Hội sẽ không tiếp tục bàn về đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền.

Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam nhận định, việc cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt hay cải tiến tiếng Việt là vấn đề rất lớn nên không thể chỉ qua một vài đề xuất, ý kiến mà cần có những hội thảo khoa học để bàn bạc, đánh giá, nghiên cứu kỹ càng, đưa ra đề xuất.

PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ảnh: Lao Động

Ngoài ra Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng đề xuất của PGS Bùi Hiền có những ý tưởng đã cũ. Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó, mặc dù còn bộc lộ những bất hợp lý. Tuy nhiên, những bất hợp lý này cũng giống như những bất hợp lý của nhiều ngôn ngữ khác.

Cũng chia sẻ trên Trí thức trẻ, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho hay, cá nhân ông không ủng hộ đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền. Ông cũng cho rằng, dù tôn trọng quyền nghiên cứu khoa học, công trình của PGS Hiền nhưng ông không muốn nói, bàn luận thêm về đề xuất không có tính khả thi này.

Trước vấn đề cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền, trao đổi với Tri thức trực tuyến, PGS.TS Lưu Văn An - phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng đây công trình nghiên cứu khoa học, cần được công bố trên các tạp chí chuyên ngành và tạo diễn đàn trao đổi, tranh luận giữa các nhà khoa học.Chỉ trên cơ sở đó mới có sự thống nhất cao, được các cơ quan khoa học có thẩm quyền, uy tín có thể đề nghị lên các cơ quan Nhà nước về một vấn đề cụ thể.

PGS Lưu Văn An nhận định việc thay đổi chữ cái rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến xã hôi trên nhiều mặt, cả kinh tế, văn hoá, tâm lý, xã hội... Vì vậy, vấn đề này phải hết sức thận trọng, nghiên cứu, trao đổi kỹ lưỡng, nghiêm túc.

Chỉ khi nào nghiên cứu được đánh giá là hiệu quả và có lợi cho sự phát triển do Hội Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ và các cơ quan khoa học khác thẩm định thì mới nên kiến nghị lên cấp trên. Chỉ có những cơ quan Nhà nước này mới biết vấn đề nghiên cứu thay đổi tiếng Việt có nên thực hiện hay không?

Đối với trường hợp của PGS Bùi Hiền, đây chỉ là ý kiến cá nhân của nhà khoa học. Ai quan tâm thì cứ phát biểu tranh luận, mang ý kiến chuyên môn, không nên chỉ trích hay thóa mạ tác giả. Chúng ta cần trân trọng những thành quả nghiên cứu của nhà khoa học.

"Các nhà xuất bản, cơ quan báo chí, truyền thông cũng phải rà soát, kiểm tra kỹ văn bản và các bài viết trước khi phát hành. Các nhà ngôn ngữ cần chỉ ra những sai sót, hạn chế trong phát âm và viết để chấn chỉnh, đồng thời có sáng kiến bảo vệ và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt - niềm tự hào của văn minh Việt từ hàng nghìn năm nay", PGS Lưu Văn An chia sẻ.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news