Tin mới

Cảnh báo thế “độc quyền rác” khi Đa Phước trả lại 2.000 tấn rác cho TP.HCM

Thứ sáu, 07/10/2016, 09:32 (GMT+7)

Các chuyên gia nhận định Đa Phước đang gây sức ép cho thành phố khi quyết định trả lại 2.000 tấn rác mỗi ngày. Ngoài ra đây cũng là lời cảnh báo về việc tạo thế độc quyền rác cho một doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhận định Đa Phước đang gây sức ép cho thành phố khi quyết định trả lại 2.000 tấn rác mỗi ngày. Ngoài ra đây cũng là lời cảnh báo về việc tạo thế độc quyền rác cho một doanh nghiệp.

Theo thông tin mới nhất trên VnExpress liên quan đến vụ việc bãi rác Đa Phước trả lại 2.000 tấn rác cho TP.HCM, một số chuyên gia đã nêu ra ý kiên và lo ngại trước quyết định này của phía công ty VWS-chủ đầu tư bãi rác Đa Phước.

Cụ thể, GS.TS Lê Huy Bá – nguyên Viện trưởng khoa học công nghệ và quản lý môi trường nhận định, đây là một hành vi “cố tình gây sức ép với chính quyền”, nhà đầu tư tử tế sẽ không làm như vậy khi thành phố lâm vào khó khăn về nơi xử lý rác.

Đa Phước đưa ra lý do cho việc ngừng tiếp nhận rác để nhằm giảm mùi hôi thối là không hoàn toàn thuyết phục, bởi vì bãi rác này còn tiếp nhận và chôn lấp được hơn 3.000 tấn rác mỗi ngày. Còn việc hạn chế mùi hôi có nhiều cách giải quyết như phun xịt hóa chất, phủ bạt che chắn,... chứ không nhất thiết phải ngừng nhận rác.

Các chuyên gia cảnh báo về việc Đa Phước đang nắm thế "độc quyền rác" và từ đó gây sức ép lên TP.HCM. Ảnh: VnExpress

Qua động thái này của Đa Phước, chuyên gia cũng bàn về việc độc quyền và an ninh rác, vấn đề đã tồn tại từ hàng chục năm trước. Tại các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Italya,... các doanh nghiệp thường lợi dụng vấn đề độc quyền để tạo sức ép và tác động đến chính trường, lấy đó làm đồn bẩy kinh tế, chính trị.

GS khuyên khi chọn nhà đầu tư không nên nghe họ quảng cáo quá nhiều về các công nghệ, TP cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, không nên để một nhà đầu tư nắm 100% việc chôn lấp rác thải thành phố.

Cùng đồng quan điểm trên, một chuyên gia khác cho rằng, TP.HCM đã sai lầm khi lựa chọn Đa Phước chỉ vì nghe lời ca ngợi những công nghệ hiện đại họ đang sở hữu. Và bây giờ Đa Phước đang bắt bí và ép thành phố.

Lúc này, phía TP.HCM cần lập một tổ công tác đặc biệt để xử lý vấn đề khủng hoảng rác, làm rõ trách nhiệm ai duyệt đưa 2.000 tấn rác về đây. Bên cạnh đó cũng cần điều tra về phía Đa Phước chỉ sử dụng công nghệ chôn lấp mà mức giá thành lại cao hơn nơi khác rất nhiều. Đặc biệt là điều bất thường khi ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND TP.HCM (hiện là Phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ) đồng ý cho đóng cửa bãi rác Hiệp Phước, dồn tất cả rác về Đa Phước, điều này đã tạo nên thế “độc quyền rác” cho Đa Phước.

Trước đó, thông tin mới nhất đăng tải trên VnExpress, Dân trí cho biết, công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) – chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đã gửi văn bản đến Thường trực Thành ủy TP.HCM, Thường trực HĐND TP, Thường trực UBND TP và Sở Tài nguyên – Môi trường TP đề nghị ngưng xử lý, trả lại 2.000 tấn rác tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Lý do mà phía công ty đưa ra là, việc này giúp VWS giảm áp lực từ dư luận và còn nhằm giảm khối lượng nước mưa pha lẫn nước rỉ rác đang tăng lên do trận mưa vừa qua. Dự kiến mọi việc sẽ đi vào hoạt động bình thường sau khi hoàn tất nhà máy xử lý nước thải mở rộng công suất 2.000 m3/ngày.

Hoài An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news