Tin mới

Cảnh sát biển VN kể lại phút giáp mặt với tàu hải cảnh TQ

Chủ nhật, 18/05/2014, 08:56 (GMT+7)

Sau khi tàu CSB-4033 bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm thủng cùng với tàu CSB 4012, thuộc Vùng 2 Cảnh sát biển Việt Nam được đưa về cảng Tiên Sa (Thọ Quang, Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để sửa chữa, trung úy Phạm Khả Đăng, phó tàu CSB-4033 đã được đơn vị cho về phép để thăm bố mẹ bị ốm nặng tại quê nhà.

Sau khi tàu CSB-4033 bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm thủng cùng với tàu CSB 4012, thuộc Vùng 2 Cảnh sát biển Việt Nam được đưa về cảng Tiên Sa (Thọ Quang, Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để sửa chữa, trung úy Phạm Khả Đăng, phó tàu CSB-4033 đã được đơn vị cho về phép để thăm bố mẹ bị ốm nặng tại quê nhà.

Không chịu khuất phục   

Biết được tin anh nghỉ phép trở về nhà thăm bố bị tai biến mạch máu não nằm một chỗ, mẹ ung thư giai đoạn cuối, phóng viên đã tìm đến nhà Trung úy Phạm Khả Đăng (SN 1987, trú tại xóm Bắc Dinh, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ngôi nhà anh gần bãi biển xung quanh cát trắng và nằm khuất sau những rặng phi lao hun hút. Tìm về nhà anh giữa trưa hè miền Trung gió Lào và nắng rát như đổ lửa khi anh đang chuẩn bị hành trang để xin trở lại đơn vị sớm.  

Trung úy Phạm Khả Đăng kể lại: Ngày 3/5, tổng cộng có 9 tàu, trong đó có tàu CSB-4033 do anh làm phó tàu đang làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ tàu Bình Minh 02 khảo sát thăm dò dầu khí cách đất liền gần nhất khoảng 95 hải lý và cách đảo Lý Sơn khoảng 130 hải lý thuộc khu vực Tây Nam đảo Hoàng Sa. Trong lúc đang tuần tra thì một tàu lạ không rõ số hiệu (có chữ Trung Quốc, khoảng 200 tấn, dài gần 40 m) chạy với tốc độ nhanh lao thẳng vào vùng biển Việt Nam nơi có các tàu tuần tra đang làm nhiệm vụ. Lúc này trời mưa to, tầm nhìn xa rất hạn chế.

 

Cảnh sát biển VN kể lại phút giáp mặt với tàu hải cảnh TQ

Trung úy Phạm Khả Đăng (phải), phó tàu CSB-4033 hôm về phép thăm nhà.


Tàu CSB-4033 ở vòng ngoài và đã liên lạc qua kênh quốc tế yêu cầu tàu trên quay hướng khác nhưng không được phía tàu lạ trả lời và vẫn tiếp tục chạy với tốc độ khoảng 21 hải lý/giờ. Không được phía tàu lạ trả lời, chỉ huy trên tàu đã xác định phải cho áp sát kịp để ép đầu, không cho tàu lạ tiến vào khu vực tàu ta làm nhiệm vụ. Khoảng 40 phút giằng co, không thực hiện được mục đích, tàu lạ đã ra tín hiệu xin rút lui và chuyển hướng di chuyển.

“Không chỉ lần này, trước đó tàu CSB-4033 đã từng va chạm với tàu Trung Quốc. Vì vậy, mỗi lần va chạm với tàu lạ, các chiến sỹ trên tàu không một ai nao núng, tất cả đều rất bình tĩnh và không chịu khuất phục, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trước những hành động ngoan cố của chiếc tàu lạ”, anh Đăng kể lại.

Sau cuộc đụng độ với tàu lạ, tàu CSB-4033 bị hỏng mạn phải, mũi tàu cũng bị thủng một lỗ lớn. Đến khoảng 19h cùng ngày, tàu được chỉ huy cho phép về lại đảo Lý Sơn để sửa chữa. Trên đường đi, do lỗ thủng cách mặt biển khoảng 1,5m nên mỗi khi sóng đánh tàu chòng chành, nước bị tràn vào khoang mũi. Các chiến sĩ trên tàu đã phải dùng chăn bông để bịt lỗ thủng. Về tới đảo Lý Sơn sau gần một ngày, do không có thợ hàn nên các chiến sĩ đã phải mua 3 tạ xi măng trám lỗ thủng mũi tàu. Sau đó, tàu CSB-4033 nạp nhiên liệu và được đưa về Đà Nẵng để sửa chữa.

Đến chiều 13/5, tàu tiếp tục ra khơi để sớm có mặt tại khu vực vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 để làm nhiệm vụ chấp pháp, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vội vàng trở lại biển  

Sau khi học xong cấp 3, Phạm Khả Đăng thi đậu vào trường Học viện Hải Quân (Nha Trang) với điểm số cao. Quá trình học, anh chọn ngành Cảnh sát biển để theo học. Sau khi ra trường, anh được phân công về làm cán bộ tàu 4033, Hải đội 201, Vùng cảnh sát biển 2 đóng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Trên tàu CSB-4033 có 22 thuyền viên, chỉ huy là thuyền trưởng Lê Trung Thành cùng ba thuyền phó, trong đó có anh được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật, cứu hộ cứu nạn trên biển.  

Cảnh sát biển VN kể lại phút giáp mặt với tàu hải cảnh TQ

Cưới nhau chưa tròn 4 tháng nhưng người vợ trẻ rất đồng tình để chồng lên đường sớm hoàn thành nhiệm vụ.   

“Mặc dầu đã được học nhiều ở trường nhưng khi phân công về làm nhiệm vụ trên tàu CSB-4033, tôi cảm thấy rất phấn chấn có chút lo lắng nhưng cũng đầy háo hức. Bây giờ, sau 3 năm bám biển làm nhiệm vụ, tôi cảm thấy thật tự hào khi được góp chút sức nhỏ bé để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Giữa biển khơi muôn trùng sóng gió với bao khó khăn và hiểm nguy luôn rình rập nhưng điều đó không làm nản lòng, chùn bước những người làm nhiệm vụ như chúng tôi, anh Đăng tự hào cho biết.  

Trước đó, vào ngày 23/3, khi tàu CSB-4033 ra khơi làm nhiệm vụ, anh nhận được tin mẹ (bà Nguyễn Thị Tịnh, 52 tuổi) bị ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện Hà Nội trả về nhà cho gia đình chăm sóc. Bố anh, ông Phạm Khả Thảo, thương binh 3/4 nhiều năm phục  vụ trong quân đội bị tai biến xuất huyết não nằm một chỗ hơn một năm nay khiến anh rất lo lắng. Nhà có 4 anh em, em trai thứ 2 đang theo học trường Học viện Hải quân hiện đang du học ở Nga, em gái thứ 3 đang học trường Đại học Hà Tĩnh, em trai út cũng đang học trường Học viện Hậu cần nhưng tất cả 4 anh em đều xa nhà nên việc chăm sóc bố mẹ bệnh tật đau yếu dựa vào cô con dâu (vợ anh Đăng).  

Cảnh sát biển VN kể lại phút giáp mặt với tàu hải cảnh TQ

Bố mẹ đang đau yếu, bệnh tật anh cậy vào người vợ chăm sóc để yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.

Hôm tàu CSB-4033 xảy ra vụ đụng độ và bị hư hỏng, anh được phép nghỉ phép về thăm nhà, thăm bố mẹ đau yếu. Tuy nhiên, vừa về nhà được ít hôm, chăm sóc báo hiếu với bố mẹ đang đau yếu anh lại nóng lòng xin cắt phép trở lại cùng đồng đội.

“Theo dõi báo chí, biết tin tàu CSB-4033 sau khi sửa chữa xong đã ra khơi làm nhiệm vụ mình rấy nóng lòng. Thấy đồng đội ngày đêm vất vả, bây giờ thiếu đi mình lại anh em lại càng khó khăn hơn khiến mình ăn ngủ cũng không ngon. Những lúc thế này, anh em cần có mình, mình không thể ích kỷ mà quên đi nhiệm Tổ quốc đã giao cho mình được. Dẫu có hy sinh, tôi cũng không chùn bước trước nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó”, trung úy Đăng quyết tâm nói.

Người vợ trẻ, chị Nguyễn Thị Mận (SN 1989) sau khi cưới chưa một lần được gặp lại chồng nhưng khi biết anh Đăng hạ quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ khi còn 10 ngày phép, chị cũng rất đồng tình. “Chúng em vừa cưới nhau từ tháng 1/2014, kể từ đó đến nay, anh ấy lên đường công tác và đây là lần đầu tiên vợ chồng được gặp nhau. Khi biết anh Đăng xin vào đơn vị sớm trong lúc bố mẹ đang đau yếu, em cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, trong lúc như thế này đồng đội cần anh ấy ở bên. Vì nhiệm vụ, chúng em chưa nghĩ tới chuyện sinh con mà tất cả tập trung tinh thần để anh ấy sớm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó”, chị Mận tâm sự.

Lần trở lại Biển Đông này, anh Đăng chia sẻ: Tôi cùng anh em sẽ quyết tâm bám sát thực địa, tuyên truyền yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển đặc quyền của Việt Nam. Đồng thời, anh em trên tàu cũng quán triệt trong lúc làm nhiệm vụ phải thực thi đúng pháp luật, luôn bình tĩnh và kiềm chế tránh mắc mưu tàu Trung Quốc.  

Trước đó, vào sáng 3/5, tại vị trí cách giàn khoan trái phép Hải Dương-981 khoảng 10 hải lý (18,5km), tàu CSB-4033 của Việt Nam bị tàu Hải cảnh số hiệu 44044 của Trung Quốc, chủ động đâm thẳng vào mạn phải. Hậu quả làm cho tàu CSB-4033 bị bể mạn phải với chiều dài 3m, rộng 1m, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác.

Chiều 13/5, sau khi sửa chữa xong, tàu CSB-4033 cùng với tàu CSB-2012 đã có mặt tại khu vực vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 để thực hiện nhiệm vụ chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news