Tin mới

Câu chuyện thú vị về hai thành phố lớn nhất Việt Nam trên báo Tây

Thứ sáu, 24/10/2014, 14:08 (GMT+7)

Sự khác biệt văn hóa và sáng tạo nghệ thuật giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được nhà báo Elisabeth Rosen của tờ The Diplomat phản ánh một cách sâu sắc và thú vị thông qua những câu chuyện đầy màu sắc của người trong cuộc.

 

Sự khác biệt văn hóa và sáng tạo nghệ thuật giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được nhà báo Elisabeth Rosen của tờ The Diplomat phản ánh một cách sâu sắc và thú vị thông qua những câu chuyện đầy màu sắc của người trong cuộc.

Sinh sống và làm việc ở Hà Nội, nhà báo Elisabeth Rosen, đã viết nên một câu chuyện về hai thành phố lớn nhất Việt Nam bằng những ý kiến khách quan nhất, chân thực nhất của các nhà sáng tạo trẻ ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các vị khách ngoại quốc.

Dưới đây là toàn bộ bài viết của tác giả trên The Diplomat:

Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai biểu tượng cho “cuộc chiến” giữa văn hóa truyền thống và hiện đại hóa ở Việt Nam.

Lần đầu tiên tới thăm thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thuận Uyên đã muốn tới sống ở đây. Đối với một người làm quản lý nghệ thuật được đào tạo tại Anh, toàn bộ gia đình, bố mẹ, ông bà, tổ tiên đều lớn lên ở Hà Nội nhưng thành phố phía Nam này khiến cô cảm thấy dễ sống hơn.

“Tất cả mọi thứ đều được cấu trúc tốt và không quá hỗn loạn. Tôi cũng không phải lo lắng về vấn đề tài chính. Nhưng khi khung cảnh nghệ thuật ở Hà Nội đã ngấm quá sâu vào con người tôi thì tôi quyết định ở lại với gia đình”, Uyên nói.

Câu chuyện của hai thành phố lớn nhất Việt Nam trên báo Tây

Một hình ảnh nghệ thuật trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Flickr

Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của Việt Nam từ những năm 1800 khi thực dân Pháp xây dựng các bến cảng ở đây, biến nơi này thành trung tâm thông thương của toàn bộ khu vực. Trong những năm gần đây, với GDP tăng nhanh và môi trường đầu tư thân thiện, thành phố Hồ Chí Minh trở thành câu chuyện thành công của Việt Nam. Một bài báo mới đây trên Bloomberg đã đánh giá thành phố Hồ Chí Minh đã vượt trội Hà Nội về mức độ tăng trưởng kinh tế.

Ngược lại, người dân Hà Nội thường cho rằng, với truyền thống hàng nghìn năm tuổi của thủ đô, nơi đây có một tinh thần độc nhất vô nhị, giúp nuôi dưỡng tính sáng tạo mãnh liệt hơn.

Dan Dockery, đồng sở hữu quán bar CAMA và nhà hàng Highway 4, cho rằng: “Tôi cảm thấy Hà Nội thủ công hơn. Bạn có thể duy trì một mô hình kinh doanh bằng cách phát triển một sản phẩm của địa phương theo cách của riêng mình thay vì gắn cho nó một thương hiệu công nghiệp. Bạn có thể cho nhìn nhận việc thiếu các thương hiệu phương Tây ở đây theo cách bảo thủ hay lạc hậu nhưng cũng có thể nghĩ theo hướng tích cực hơn. Chúng tôi có loại cà phê hảo hạng, vậy tại sao chúng tôi lại cần thêm các nhãn hiệu cà phê kém chất lượng khác từ nước ngoài với giá gấp ba?”.

Đối với người ngoài cuộc, khoảng cách giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể phản ánh sự đối lập giữa chủ nghĩa xã hội và tư bản khi thành phố phía Nam có vẻ phát triển hơn về mặt kinh tế do cơ chế cởi mở hơn. Nhưng trên thực tế, câu chuyện về hai thành phố của Việt Nam, cũng giống như sự khác biệt giữa Bắc Kinh và Thượng Hải hay Kyoto và Tokyo, liên quan nhiều đến lịch sử và văn hóa hơn là vấn đề lý tưởng.

Người Hà Nội không tranh luận về thành công kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Điều họ quan tâm là việc thành công đó là cần thiết hay chỉ là mong muốn, hoặc giả như cách thức để đạt tới thành công như vậy có khiến thủ đô của họ quyến rũ hơn hay không. Bùi Minh Nguyệt, một người làm nghệ thuật có gia đình sống tại Hà Nội đã nhiều thế hệ, cho rằng: “Sài Gòn có vẻ gì đó giống với Bangkok. Đó không phải là một Việt Nam thực thụ”.

Câu chuyện của hai thành phố lớn nhất Việt Nam trên báo Tây

Thành phố Hồ Chí Minh luôn sôi động và cởi mở. Ảnh: The Guardian

Người Hà Nội “thực thụ” như Nguyệt nói luôn tự hào về lịch sử văn hóa lâu dài của thủ đô. Hà Nội được biết đến là một “thủ đô văn hóa” của Việt Nam từ thế kỷ 11. Ngày nay, cộng đồng sáng tạo của thành phố ngày càng phát triển, đặc biệt khi đề cập đến nghệ thuật. Giải thích lý do vì sao cô quyết định ở lại Hà Nội, Uyên nói: “Năng lượng sáng tạo ở đây dồi dào hơn”.

Trong khi thành phố Hồ Chí Minh cũng phát triển các loại hình nghệ thuật nhưng các nghệ sĩ và các lĩnh vực biểu diễn dường như đối lập hoàn toàn với Hà Nội. “Người Sài Gòn có xu hướng lựa chọn về mặt ngoại hình và những loại hình nghệ thuật dễ tiếp thu. Còn nghệ thuật ở Hà Nội lại có phần sâu sắc hơn”, Thảo Nguyên, một nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.

Mathias Rossignol, chủ của Ham Hanh, một quá cà phê và không gian nghệ thuật ở Hà Nội, cho rằng: “Hầu hết người Hà Nội đều thừa nhận cuộc sống ở Sài Gòn thoải mái hơn với mức lương cao hơn và giá cả thấp hơn. Nhưng họ lựa chọn sống ở thủ đô vì tinh thần nơi đây. Có một nguồn năng lượng nổi lên từ sự lựa chọn giữa tinh thần và một cuộc sống vật chất thoải mái”.

Ham Hanh là một phần của dự án The Onion Cellar, dự án sưu tập văn hóa chuyên tổ chức các buổi chiếu phim, các buổi hòa nhạc và nhiều sự kiện khác. Người đồng sáng lập Onion Cellar, Hung Tran cho biết đối với “hầu hết người Việt Nam”, sự khác biệt giữa hai thành phố khá rõ ràng: “Sài Gòn thương mại hóa hơn còn Hà Nội thì sáng tạo hơn”.

Khoảng cách giữa những thành tựu sáng tạo của Hà Nội và thành công thương mại của thành phố Hồ Chí Minh đã lan tỏa mọi ngóc ngách của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hầu hết các cảnh trong các bộ phim được trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế đều quay tại Hà Nội như “Đập cánh giữa không trung”, đoạt giải tại đạo diễn xuất sắc tại LHP Venice tháng 9 vừa qua và “Bi, đừng sợ”, đoạt giải tại LHP Cannes và Stockholm năm 2010. Tuy nhiên, các rạp chiếu phim lại chủ yếu công chiếu những bộ phim hành động kiểu Hollywood hoặc các bộ phim hài lãng mạn sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh.

Gerry Herman, giám đốc của rạp chiếu phim tại Hà Nội, cho biết: “Tại phía Nam, họ muốn làm một bộ phim mà người Việt Nam sẽ trả tiền để xem. Tôi không nghĩ là một bộ phim nào ở miền Bắc có thể tạo ra lợi nhuận. Trên thực tế, hầy hết các phim làm ở Hà Nội đều không trình chiếu ngoài rạp”.

Điều mà lĩnh vực điện ảnh thực sự cần, theo ông Herman, là “sự kết hợp giữa khát vọng nghệ thuật của Hà Nội với sự nhạy cảm thương mại của thành phố Hồ Chí Minh, một thứ có thể nói là dành cho tất cả ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam”.

Câu chuyện của hai thành phố lớn nhất Việt Nam trên báo Tây

Những Gallerry nghệ thuật như thế này luôn là điểm đến đầy hứng thú với du khách nước ngoài. 

Hà Nội gần đây đã xuất hiện một lớp nhà sáng tạo biết kết hợp giữa truyền thống và thương mại, hư nhà thiết kế Vũ Thảo, người đã giành giải thưởng của Hội doanh nghiệp sáng tạo trẻ của Hội đồng Anh vào tháng trước. Các thiết kế của cô, mang thương hiệu Kilomet 109, lấy cảm hứng từ các loại vải màu sắc của các dân tộc thiểu số sống ở vùng nông thôn phía Bắc.

“Về mặt kinh tế, Sài Gòn hấp dẫn hơn. Mọi người ở đây rất dễ làm việc và rất cởi mở và cả chính quyền cũng vậy. Nhưng khi công việc kinh doanh của tôi phát triển ở tầm quốc tế, những thứ có thể giúp tôi là ở miền Bắc”, Thảo nói.

Rất nhiều nhà sáng tạo mới nổi của Hà Nội đã xuất hiện. Năm ngoái, một nhóm nhạc sĩ và DJ của Hà Nội đã tổ chức Quest, một lễ hội âm nhạc mà không có nhà tài trợ. Thay vì mời các nhóm nhạc quốc tế, liên hoan âm nhạc này chú trọng vào các tài năng địa phương, và vé đã bán sạch chỉ trong vài tuần lễ. Người đồng tổ chức , Luke Poulson, là giáo viên tiếng Anh kiêm DJ, đã đưa ra sự đối lập mạnh mẽ giữa các “buổi tối trải nghiệm” ở Hà Nội và những “bữa tiệc đêm trong các câu lạc bộ” ở thành phố Hồ Chí Minh.

“Sự thật là chúng tôi có thể tạo ra một lẽ hội âm nhạc nổi bật với toàn bộ người đến từ Hà Nội, điều đó cho thấy sự sáng tạo của thành phố này ra sao”, ông Poulson nói.

John Kis, người sở hữu quán cà phê Hanoi Social Club, khẳng định: “Lợi nhuận của sự sáng tạo và nghệ thuật không liên quan đến tiền bạc. Một thành phố mà không có các buổi biểu diễn, không có âm nhạc hay các phòng trưng bày không phải là một thành phố mà tôi muốn sống”.

Tuệ Minh (theo The Diplomat)/ Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news