Tin mới

Mẹ lột trần con giữa đường "trị" trộm tiền: Phản giáo dục, gây tổn thương trẻ

Thứ ba, 12/04/2016, 17:29 (GMT+7)

Có nhiều cách để trừng phạt con cái thay vì dùng hình phạt đánh đập và lột trần quần áo của con cái là lời khuyên của chuyên gia sau vụ việc bé trai 12 tuổi ở Hải Phòng vì lấy trộm tiền chơi game bị mẹ dùng roi quất lằn mông, bắt cởi truồng đứng ở giữa phố.

Có nhiều cách để trừng phạt con cái thay vì dùng hình phạt đánh đập và lột trần quần áo của con cái là lời khuyên của chuyên gia sau vụ việc bé trai 12 tuổi ở Hải Phòng vì lấy trộm tiền chơi game bị mẹ dùng roi quất lằn mông, bắt cởi truồng đứng ở giữa phố.

Việc người mẹ ở Hải Phòng dùng roi quất lằn mông và bắt con cởi truồng đứng ở giữa phố đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Vụ việc diễn ra ngày 11/4, cháu H.A. (12 tuổi, học sinh một trường thuộc Q.Kiến An, TP Hải Phòng) bị mẹ lột trần truồng đứng khóc ở đường tàu Trần Nguyên Hãn. Đứng gần đó là chị N. (mẹ cháu A.), với chiếc roi lăm lăm trên tay, liên tục mắng nhiếc và đánh con.

Bé trai 12 tuổi bị mẹ bắt cởi trần truồng đứng giữa phố. Ảnh báo Tuổi Trẻ

Nguyên nhân của việc chị N. trừng phạt con là do cháu A. đã nhiều lần trộm tiền của mẹ để đi chơi điện tử.

Nhận định về việc làm của chị N., TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho rằng việc làm của người mẹ là hoàn toàn sai.

"Việc làm của người mẹ là hoàn toàn sai, nó đã xâm phạm vào quyền của trẻ em. Những hình phạt như thế không những xúc phạm trẻ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần và danh dự của trẻ em", bà Hồng phân tích.

Cũng theo bà Hồng, việc trừng phạt không hợp lí với trẻ em như trên có thể để lại hậu quả rất lâu dài. Lớn lên những đứa trẻ đó có thể cũng dùng bạo lực với những người khác hoặc có thể bị rơi vào trầm cảm, ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ và điều đó rõ ràng là sẽ ảnh hưởng đến quan hệ mẹ con, đứa trẻ sẽ cảm thấy tổn thương và không muốn gần gũi với mẹ. Đứa trẻ cũng sẽ xấu hổ, mặc cảm với bạn bè, chính điều đó làm ảnh hưởng đến vấn đề học hành do đứa trẻ không muốn đến trường vì cảm thấy xấu hổ.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội. Ảnh: Internet

"Những đứa trẻ từ 7 tuổi đến 12 tuổi, một trong những nét phát triển tâm lý của độ tuổi này là nhiều đứa trẻ sẽ có thói quen, tính xấu là ăn cắp vặt nhưng đó là tâm lí lứa tuổi và qua giai đoạn này nó sẽ lại trở lại bình thường, cha mẹ nên hiểu được điều đó và có cách giáo dục hợp lý”, bà Hồng nói thêm.

Đề cập đến vụ bé trai 12 tuổi trộm tiền của mẹ để chơi game, bà Hồng cho rằng lỗi phần lớn thuộc về cha mẹ vì trước khi đứa trẻ trộm tiền thì việc nó chơi điện tử đã là một quá trình diễn ra trước đó nhưng bố mẹ thiếu sự quan tâm, không ngăn chặn trước nên mới dẫn tới hậu quả trẻ trộm tiền để đi chơi.

Để trừng phạt trẻ khi trẻ trộm tiền, theo bà Hồng: "Có nhiều hình phạt để xử phạt để răn đe trẻ như không cho trẻ ăn quà sáng trong một thời gian, bắt phải ăn cơm ở nhà, phạt làm việc gì phù hợp với độ tuổi trong một tuần, không cho đi chơi vào thứ 7, chủ nhật một thời gian, ..những hình phạt này tốt hơn là việc trừng phạt đánh đập và lột trần quần áo của con cái".

Trong trường hợp đứa trẻ trộm tiền không phải để chơi điện tử "Bố mẹ nên nói chuyện với con để tìm hiểu nguyên nhân con lấy trộm tiền vào mục đích gì, đó có phải những nhu cầu chính đáng mà cha mẹ không đáp ứng hay không từ đó chia sẻ và nói chuyện với chúng để đứa trẻ hiểu ra vấn đề cũng như đáp ứng những nhu cầu chính đáng của trẻ để tình trạng trên không xảy ra”, bà Hồng chia sẻ.

Lê Vy

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Khuất Thu Hồng