Tin mới

Chân dung bà lão nhặt ve chai nhận bằng cử nhân Luật ở tuổi gần 60

Thứ sáu, 12/06/2015, 07:45 (GMT+7)

Dù bị chồng phản đối cùng bao nỗi khó khăn về cơm áo gạo tiền nhưng bà Hoa vẫn kiên trì theo hết 4 năm học để lấy bằng cử nhân Luật ở tuổi gần 60.

Dù bị chồng phản đối cùng bao nỗi khó khăn về cơm áo gạo tiền nhưng bà Hoa vẫn kiên trì theo hết 4 năm học để lấy bằng cử nhân Luật ở tuổi gần 60.

Bà Phạm Thị Kim Hoa, ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) - một bà lão gần 60 tuổi sống bằng việc đi nhặt ve chai, mẹt trái cây bán ven đường vừa nhận bằng tốt nghiệp đại học Luật khiến nhiều người thân quen ngỡ ngàng. 

Bà Hoa trong ngày nhận bằng cử nhân. Ảnh: Vnexpress

Trao đổi trên VOV, ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Gò Công Tây, cho đây là tấm gương hiếu học chưa từng có ở địa phương. 

“Cô Hoa là tấm gương điển hình, rất khó để tìm kiếm được. Bản thân cô Hoa và gia đình  khó khăn, đã khắc phục học tập đeo đuổi theo nguyện vọng của mình. Có thể nói rằng trong huyện ít có trường hợp nào điển hình như cô, kể cả học sinh, sinh viên, có điều kiện. Huyện đã có đề xuất khen thưởng cho cô Hoa”, ông Bảy cho biết thêm. 

Chia sẻ với báo chí, bà Hoa cho biết, từ nhỏ, bà đã có mơ ước làm luật sư nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy, đến giờ bà mới có cơ hội biến ước mơ đó dần thành hiện thực. Bà bảo, sau 4 năm "dùi mài kinh sử", cầm tấm bằng Cử nhân Luật trong tay, mấy đứa con lắc đầu lè lưỡi, riêng chồng bà thì cười cười: “Bà giỏi thiệt đó, hôm nào phải làm tiệc khao mấy cha con tui”. 

Nói về lý do theo đuổi việc học ở cái tuổi xế chiều, bà Hoa bộc bạch với phóng viên VOV: “Tôi muốn học trước nhất là có sự hiểu biết cho bản thân. Cái thứ hai là mình có thể giúp được cho những hộ nghèo không có tiền mà phải va chạm những trường hợp nào đó mà  khi cần nhờ đến pháp lý mà người ta không có khả năng. Tôi cũng luôn ghi nhớ lời Bác Hồ nói về sự học và vì sự cố gắng của Bác mới đem lại độc lập cho đất nước. Bác Hồ đã để lại tấm gương mà tôi muốn mình phải là một trong số người con cháu đã noi theo Bác Hồ. Tôi muốn con tôi sẽ noi theo gương đó để sau này có đủ cái “tâm, trí, tài” để phục vụ cho đất nước”. 

Cầm được tấm bằng cử nhân Luật trong tay, bà Hoa cho biết, sẽ tiếp tục lo kiếm tiền đi học thêm 6 tháng nữa để lấy cho được bằng luật sư. 

“Khi trở thành luật sư, tui sẽ dùng sở học của mình giúp đỡ người nghèo một cách bất vụ lợi để bà con đòi được công bằng, không bị chèn ép vì thiếu kiến thức về pháp luật”, bà Hoa nói. 

Bà Hoa trong ngày nhận bằng cử nhân. Ảnh: NVCC

Bà Hoa hằng ngày vẫn đi nhặt ve chai kiếm sống.

Thời còn đi học, bà Hoa từng là nữ sinh trường áo tím Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM) nhưng sau năm 1975 bà Hoa theo gia đình về Tiền Giang làm ruộng. Do có trình độ, bà được yêu cầu làm giáo viên mẫu giáo. 

Lấy chồng năm 1994, gia cảnh khó khăn nên 5 năm sau bà Hoa nghỉ dạy, ra chợ kiếm tiền phụ chồng nuôi con. 

Giấc mơ luật sư tưởng chừng chìm vào quên lãng đến khi em ruột của bà bị người khác đánh chết năm 2007. Cho rằng em trai chết uất ức, kẻ sát nhân chưa bị xử lý thích đáng, bà Hoa một mặt gửi đơn khiếu nại, mặt khác tìm cách học luật. 

Năm 2010, biết tin Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh liên kết với Đại học Cần Thơ mở khóa đào tạo cử nhân Luật, bà đăng ký theo học. 

Để tham gia và hoàn thành khóa học, bà Hoa phải tận dụng triệt để thời gian rảnh để học. Đêm xong việc nhà là chong đèn học, ngày ra chợ, những lúc vắng khách là tui lôi tài liệu trong giỏ ra đọc. Khó khăn nhất với bà là phải thu xếp đến trung tâm học 20 ngày mỗi học kỳ. Những lúc này, bà Hoa phải dọn hàng ra chợ từ sáng sớm rồi nhờ bạn ngồi kề bên bán dùm. Đến trưa, con gái bà đang học gần đó ra chợ dọn hàng. 

Không chỉ gặp khó khăn trong việc thu xếp thời gian, bà Hoa còn gặp sự phản đối quyết liệt của chồng. Ông cằn nhằn cho rằng chỉ có quan chức học lấy tấm bằng để tiến thân, lên lương còn bà bán đồ ngoài chợ học làm gì. 

Song với bà tiền bạc vẫn là vấn đề lớn nhất bởi số tiền buôn bán từ vài mẹt hoa quả của bà mỗi ngày chỉ đủ phụ chồng nuôi con. Không bỏ cuộc, bà quyết định vừa buôn bán vừa nhặt phế liệu đem bán kiếm tiền đi học. Số tiền kiếm được vẫn không đủ thì bà đi vay mượn rồi lúc buôn bán gặp khách bà lại gom góp mang trả. 

H.M tổng hợp

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news