Tin mới

Chân dung cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập qua lời kể của con cháu

Chủ nhật, 17/04/2016, 09:48 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư, PV đã tìm về Hà Tĩnh để nghe con cháu dòng họ Hà Huy cung cấp những thông tin mới nhất, thú vị nhất về ông lúc sinh thời.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư, PV đã tìm về Hà Tĩnh để nghe con cháu dòng họ Hà Huy Cung cấp những thông tin mới nhất, thú vị nhất về ông lúc sinh thời.

Mới 35 tuổi nhưng cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã có đến 16 năm hoạt động cách mạng. Với những đóng góp to lớn của ông cho cách mạng, Đảng và Nhân dân mãi mãi ghi nhớ về một chiến sỹ cộng sản kiên trung, một người con ưu tú của dân tộc.

Vang mãi câu nói “Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!”

Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Vùng đất miền Trung có khí hậu khắc nghiệt… đã hun đúc lên ý chí kiên cường, bất khuất của đồng chí Hà Huy.

Từ nhỏ, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã được cha dạy dỗ bằng nền tảng Nho học. Năm 1919, đồng chí thi vào trường Quốc học Huế và năm 1923 tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu. Vì gia đình nghèo khó không đủ điều kiện để học cao hơn nên cố ông nhận làm giáo viên trong một trường tiểu học ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Chân dung cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906-1941)

Những ngày tháng ở đây, người chiến sỹ cách mạng không chỉ dạy học cho các em nhỏ mà còn dạy chữ cho tầng lớp công nhân và người dân nghèo. Đồng thời, vào thời gian này, ông chăm chú đọc nhiều sách báo và thấy được nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới xiềng xích của thực dân Pháp.

Đến cuối năm 1925, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gia nhập hội Phục Việt, một tổ chức yêu nước, tiền thân của hội Hưng Nam. Tháng 6/1926, ông được kết nạp vào Tân Việt Cách mạng Đảng, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và là một trong những người thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại Khánh Hòa. Giữa năm 1926, ông bị trục xuất khỏi Nha Trang vì việc tuyên truyền tư tưởng Cách mạng.

Tháng 8/1926, đồng chí Hà Huy Tập về Vinh dạy học ở trường Cao Xuân Dục và được hội Hưng Nam giao nhiệm vụ tổ chức các lớp học buổi tối cho công nhân ở Vinh - Bến Thủy. Đầu năm 1927, hội Việt Nam cách mạng Đảng nhận thấy đồng chí là người có khả năng tổ chức và vận động quần chúng nên đã cử vào Nam Kỳ hoạt động.

Cuối năm 1928, nhân xảy ra vụ án đường Bác-bi-ê (Sài Gòn), cảnh sát Nam Kỳ tổ chức vây ráp, lùng bắt những người cách mạng. Trước tình hình ấy, tổ chức Tân Việt đã tìm cách đưa ông tạm lánh sang Trung Quốc. Được tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài và lãnh sự quán Liên Xô (cũ) tại Trung Quốc giúp đỡ và giới thiệu, Hà Huy Tập sang học tập ở trường đại học Phương Đông, khóa 1929 - 1932.

Đến tháng 3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Hà Huy Tập đã chủ trì Đại hội lần thứ I của Đảng. Đại hội này đã bầu BCH TW và Ban Thường vụ do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập là Thư ký Ban Chỉ huy Hải ngoại.

Ngày 26/7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập triệu tập tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã nhận định, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc này là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, tay sai của chủ nghĩa phát xít, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Tại Hội nghị, Hà Huy Tập được bầu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng.

Tháng 5/1938, trên đường đi công tác, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt và tuyên 8 tháng tù và 5 năm quản thúc. Mặc dù cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong lúc cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập vẫn đang bị giam giữ trong tù nhưng chúng vẫn buộc đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” và khép vào tội tử hình. Ngày 28/8/1941, cùng với các lãnh tụ cách mạng Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… cố Tổng Bí Hà Huy Tập đã anh dũng hy sinh.

Câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư: “Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động” được khẳng định trong phiên tòa thực dân Pháp xét xử ông, đã lưu truyền đến hàng trăm chiến sỹ cộng sản tham gia vào cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vào ngày 25/3/1941 và vẫn còn mang mãi đến tận ngày nay

Cố Tổng Bí thư sống mãi trong lòng dân

Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, Hà Huy Tập là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Lúc nhỏ, cố Tổng Bí thư có tên là Hà Huy Khiêm, còn gọi là Ba. Thân sinh là cụ Hà Huy Tường, cụ từng đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan mà trở về nhà dạy học và bốc thuốc. Mẹ là cụ Nguyễn Thị Lộc, làm nông.

Thời đó, gia đình Hà Huy Tập cũng nghèo khó như biết bao gia đình khác ở miền quê Hà Tĩnh . “Lúc tôi được sinh ra thì chú Tập đã mất. Nhưng ngôi nhà của chú Tập khi đó vẫn còn nguyên. Nơi đây lưu lại tuổi thơ và tinh thần đấu tranh cách mạng của cố Tổng Bí thư. Thế hệ chúng tôi chưa được thấy mặt chú Tập nhưng luôn lấy cuộc đời hoạt động cách mạng đó làm tấm gương noi theo”, ông Hà Huy An (SN 1946), cháu của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập xúc động chia sẻ.

Nói về cuộc đời và thân thế cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, ông Hà Huy Sửu (SN 1956), Trưởng dòng họ Hà Huy cho biết, bức thư cuối cùng cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gửi cho gia đình có nội dung: “Gia đình, bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”.

Ông Sửu nói: “Tôi vẫn luôn nhắc con cháu mình rằng đã mang dòng máu Hà Huy thì phải chăm chỉ học hành để không hổ thẹn với dòng họ, với ông cha đã đổ máu hy sinh vì độc lập dân tộc. Mỗi ngày lễ, hay như chuẩn bị kỳ thi quan trọng, tôi luôn nhắc nhở các cháu ra mộ cố Tổng Bí thư thắp hương để có thêm động lực, quyết tâm thực hiện những việc mong muốn”.

Ngôi nhà tranh của gia đình cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Theo những người trong dòng họ Hà Huy, đồng chí Hà Huy Tập chỉ có một người con gái duy nhất là bà Hà Thị Thúy Hồng nhưng cũng đã mất. Các con của bà Hồng đã lớn tuổi, hiện đang ở trong TP.HCM. Những người từng được gặp mặt cố Tổng Bí thư đều đã qua đời. Thế nhưng, tinh thần và ý chí của đồng chí luôn sống mãi trong lòng người dân.

Về xã Cẩm Hưng thời gian này, chưa bao giờ thấy không khí thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới của người dân lại rầm rộ, nhộn nhịp như vậy. Mới đến đầu làng, những tấm băng rôn khẩu hiệu “Cẩm Hưng ra quân thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập”.

Ông Lê Văn Quyền, Trưởng thôn 5, xã Cẩm Hưng bộc bạch: “Tất cả người dân đang cố gắng phát huy truyền thống thi đua yêu nước, ra sức xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Mỗi người nơi đây đều là con, cháu của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Vì thế dòng máu nóng bảo vệ và xây dựng quê hương luôn chảy trong trái tim, ý chí của chúng tôi”.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Vào ngày 29/3, tại Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp với ban Tuyên giáo Trung ương, bộ Thông tin và Truyền thông, hội Nhà báo Việt Nam tổ chức buổi họp báo về kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2016). Được biết, lễ kỷ niệm dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 23/4 tại trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, trước khi diễn ra lễ kỷ niệm sẽ có một chuỗi hoạt động như xây dựng phim và phóng sự về cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập; Cuộc hi tìm hiểu “Thân thế, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập…

Sẵn sàng đón tiếp du khách về thăm Khu Di tích Hà Huy Tập

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Đậu Khoa Toàn, Trưởng ban quản lý Khu Di tích Hà Huy Tập cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã đón tiếp 30 đoàn với hơn 4.000 lượt du khách đến thăm và thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Hiện nay, công tác tôn tạo, chỉnh trang quảng trường, tượng đài, khu lưu niệm và khu mộ, nhà trưng bày đang được huyện Cẩm Xuyên, ban quản lý Khu di tích gấp rút hoàn thành. Dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 15/4 để đón du khách về kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

Anh Ngọc

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news