Tin mới

Chân dung cơ trưởng anh hùng trong vụ rơi máy bay ở Pháp

Thứ ba, 31/03/2015, 09:39 (GMT+7)

Khi cơ phó Andreas Lubitz cố tình lao máy bay xuống dãy núi Alps, cơ trưởng Patrick Sondheimer cố gắng cứu hành khách trong tiếng kêu gào và nỗ lực tuyệt vọng. Rất nhiều cư dân mạng đã gọi cơ trưởng là anh hùng và kêu gọi mọi người nhớ đến Sondheimer hơn là nhớ đến cơ phó “tử thần” Lubitz.

Khi cơ phó Andreas Lubitz cố tình lao máy bay xuống dãy núi Alps, cơ trưởng Patrick Sondheimer cố gắng cứu hành khách trong tiếng kêu gào và nỗ lực tuyệt vọng. Rất nhiều cư dân mạng đã gọi cơ trưởng là anh hùng và kêu gọi mọi người nhớ đến Sondheimer hơn là nhớ đến cơ phó “tử thần” Lubitz.


 

Trong khi truyền thông thế giới tập trung nhiều vào Andreas Lubitz, cơ phó của hãng Germanwings (Đức) bị nghi cố tình cho máy bay rơi xuống dãy núi Alps (Pháp) khiến 150 người chết, thì người anh hùng, cơ trưởng Patrick Sondheimer cố gắng cứu mạng hành khách và phi hành đoàn hình như bị quên lãng.

Ông Patrick Sondheimer làm cơ trưởng nhiều chuyến bay đường dài cho hãng hàng không Đức Lufthansa, hãng mẹ của Germanwings. Sondheimer có kinh nghiệm trên 6.000 giờ bay trên mẫu máy bay A320.

Vào tháng 5/2014, Sondheimer, một người cha có hai đứa con, quyết định gia nhập đội bay của hãng hàng không giá rẻ Germanwings.

Ông Sondheimer tham gia Germanwings, bay những chuyến bay ngắn hơn nhằm dành nhiều thời gian cho gia đình, theo tờ Rheinische Post (Đức) ngày 30/3.

Đứa con trai 3 tuổi và con gái 6 tuổi của cơ trưởng đang học tại một trường mẫu giáo Công giáo ở thành phố Dusseldorf (Đức).

Hiệu trưởng nhà trường, linh mục Elke Bonn mô tả Sondheimer là “một người đàn ông đầy nhiệt huyết, hay giúp đỡ người khác và mang đến hạnh phúc”.

Bất chấp tiếng khẩn cầu của cơ trưởng, tiếng kêu gào của hành khách, cơ phó Lubitz vẫn lao máy bay xuống núi Alps, kéo theo 149 người vô tội cùng chết

Bà Marianne, bà nội của Sondheimer, cho hay từ khi còn bé, cơ trưởng Patrick đã mơ ước trở thành một phi công và khi là một cậu học sinh, Patrick lại nuôi ước mơ trở thành cơ trưởng.

“Cháu của tôi chết, tất cả chỉ vì một kẻ điên rồ gây ra và giết chết quá nhiều người. Tôi không thể hiểu nổi vì sao Lubitz làm điều này”, bà Marianne ngậm ngùi nói.

Người bà 70 tuổi thốt lên rằng: "Cháu tôi mới chỉ 34 tuổi, nó đã nỗ lực rất nhiều để theo đuổi ước mơ. Giờ đây, tôi không dám xem tin tức nữa. Việc đó quá sức chịu đựng của tôi".

Trên mạng xã hội Twitter, các cư dân mạng đã bày tỏ lòng sự tiếc thương cho hành khách và cơ trưởng dũng cảm, họ gọi ông Sondheimer là người anh hùng đã nỗ lực cứu mạng các hành khách và phi hành đoàn, kêu gọi mọi người nhớ đến Sondheimer hơn là nhớ đến cơ phó “tử thần” Lubitz.

Theo thông tin của tờ Bild, cơ trưởng Sondenheimer đã nói với cơ phó Lubitz rằng ông không kịp đi vệ sinh trước khi cất cánh và cơ phó Lubitz đáp rằng ông có thể đi vệ sinh bất cứ lúc nào. Chuyến bay cất cánh trễ 20 phút.

Sau khi đạt độ cao ổn định, cơ trưởng Sondenheimer yêu cầu cơ phó Lubitz chuẩn bị cho việc hạ cánh vì là chuyến bay ngắn.

Đội tìm kiếm cứu hộ Pháp làm việc rất khó khăn trên sườn núi dốc nghiêng 40-60 độ

Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị này, cơ phó Lubitz một lần nữa nhắc cơ trưởng rằng ông “có thể đi (vệ sinh) bất cứ lúc nào”. Tờ Bild trích dẫn đoạn ghi âm buồng lái cho biết cơ trưởng Sondenheimer nói với Lubitz rằng “hãy đảm nhiệm từ đây” trước khi có tiếng đẩy lùi ghế ngồi về phía sau.

Lúc 10g29, rađa không lưu phát hiện máy bay đang mất dần độ cao. Ba phút sau đó nhân viên kiểm soát không lưu cố gắng bắt liên lạc với 4U9525 nhưng không nhận được hồi âm. Trước đó một chút, chuông cảnh báo vang lên trong buồng lái báo động việc máy bay đang rơi.

Tiếp đó là tiếng đập cửa. Cơ trưởng Sondenheimer cầu xin cơ phó Lubitz mở cửa cho ông vào. Hành khách bắt đầu la hét.

Ba phút nữa trôi qua, một tiếng đập mạnh vào bề mặt kim loại vang lên tại độ cao khoảng 7.000m. Một phút rưỡi sau đó máy bay xuống thấp hơn 2.000m và chuông cảnh báo vang lên “Mặt đất - bay lên!”.

“Mở cánh cửa chết tiệt này ra!” - cơ trưởng Sondenheimer mất bình tĩnh thét lên. Lúc này là 10g38 và máy bay đang ở độ cao 4.000m. Tờ Bild cho biết vẫn có thể nghe thấy hơi thở của cơ phó Lubitz từ hộp ghi âm buồng lái.

Hai phút sau đó các nhà điều tra nghĩ rằng họ đã nghe tiếng cánh phải của chiếc Airbus va quẹt vào đỉnh núi. Nhiều tiếng la thét vang lên lần cuối.

Theo phóng viên hàng không Richard Quest của CNN, ghi âm buồng lái là một trong những phần nhạy cảm nhất và được bảo vệ cẩn mật nhất trong các cuộc điều tra tai nạn hàng không, do đó nội dung sẽ không bao giờ được công bố chính thức trước công chúng.

Thông thường trong bản báo cáo cuối cùng về một tai nạn hàng không, các nhà chức trách sẽ công bố một bản sao đã biên tập và chỉnh sửa.

 

Yên Yên (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news