Tin mới

Chặng đường 3 năm thua lỗ hơn 1.470 tỉ đồng của PVTEX

Thứ hai, 07/11/2016, 15:34 (GMT+7)

Hoạt động từ năm 2012 đến 2014, PVTEX thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy nhiều lần phải "đắp chiếu" và đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Hoạt động từ năm 2012 đến 2014, PVTEX thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy nhiều lần phải "đắp chiếu" và đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Tin trên báo Dân trí, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 15/7/2007, PVN ký thỏa thuận hợp tác Vinatex đầu tư xây dựng nhà máy xơ sợi polyeste và thực hiện thủ tục pháp lý cho việc thành lập PVTEX, đồng thời triển khai lựa chọn tư vấn nghiên cứu dự án khả thi. Ngày 10/10/2007, Vinatex uỷ quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án, PVN uỷ quyền cho Vinatex lựa chọn nhà thầu, phê duyệt toàn bộ công việc liên quan đến thực hiện các gói thầu trong giai đoạn lập dự án khả thi.

Dự án 3 lần tăng vốn điều lệ

PVTEX chính thức hoạt động từ năm 2008 với số vốn điều lệ ban đầu 160 tỷ đồng. Qua 3 lần tăng vốn điều lệ và thoái vốn của một số cổ đông, đến thời điểm 31/12/2014, vốn điều lệ của PVTEX là 1.996 tỷ đồng, với các cổ đông là PVN, PVFCCo và ông Phan Anh Tuấn. Sau đó, PVN đã bỏ tiền ra mua lại cổ phần từ các cổ đông khác để tăng tỷ lệ góp vốn ngày càng cao. Tính đến cuối năm 2014, toàn bộ 100% vốn góp tại PVTEX là của PVN và các đơn vị thành viên, gồm: Tổng công ty CP tài chính dầu khí, Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí.

Thời điểm năm 2008, Hội đồng quản trị PVTEX phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD ( tương đương 5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá tại thời điểm đó);  30% số vốn đầu tư này là của chủ sở hữu, còn lại đi vay. Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán của chủ đầu tư, dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8/2013 và đã bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh, dự kiến sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng.

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ Chưa có tín hiệu vận hành trở lại. Ảnh: báo Đầu tư

Tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi và kết quả

Dự án ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Khi đó, với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi. 

Công trình khi đó còn có các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty Phong Phú, song 2 đơn vị này đã sớm rút lui. 

Qua 3 lần tăng vốn điều lệ và thoái vốn của một số cổ đông, đến cuối năm 2014, vốn điều lệ của PVTEX là 1.996 tỷ đồng. Petro Vietnam đã bỏ tiền ra mua lại cổ phần cổ phần từ các cổ đông khác để tăng tỷ lệ góp vốn. Toàn bộ 100% vốn góp tại PVTEX là của Petro Vietnam và các đơn vị thành viên, gồm: Tổng công ty Cổ phần Tài chính dầu khí, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ).

Ngày 29/5/2014, Nhà máy xơ sợi đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy cầm chừng và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Được biết, tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên thành hơn 359 triệu USD. Vào đầu tháng 10/2016, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ. Kết quả thanh tra cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư nhà máy có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu..., gây thất thoát, lãng phí lớn. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xử lý về kinh tế 54 tỉ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp, đồng thời, yêu cầu PVTEX xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư.

Loay hoay tìm lối thoát

Theo tin trên báo Tuổi trẻ, trước đó, từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014, ông Vũ Đình Duy giữ chức Tổng giám đốc PVTEX. Sau đó, ông Duy đảm nhiệm một số chức vụ như Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương. Vào giữa tháng 4/2016, trước khi ông Vũ Huy Hoàng về hưu, ông Duy được điều động về làm thành viên Hội đồng thành viên Vinachem.

Ngày 04/04/2016, tại Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Quốc Khánh đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Văn Chất đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVTEX.

Trước khi được điều động về PVTEX, ông Phạm Văn Chất đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn. Theo đánh giá của lãnh đạo PVN, ông Phạm Văn Chất là một trong rất ít người có khả năng điều hành và vận hành Nhà máy lọc dầu tại Việt Nam. Để vực dậy PVTEX, đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ hoạt động đạt hiệu quả, nhanh chóng bù lỗ biến phí, Hội đồng thành viên PVN đã quyết liệt thay đổi nhân sự cấp cao của PVTEX bằng việc đặt niềm tin vào ông Phạm Văn Chất.

Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh đã có bài phát biểu đầy tâm huyết tại lễ bổ nhiệm: “Điều động đồng chí Phạm Văn Chất là quyết định thể hiện sự quyết liệt của toàn thể lãnh đạo Tập đoàn, vì sự phát triển chung của cả Tập đoàn, vì cả nghìn người lao động của PVTEX. Chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào kinh nghiệm, trình độ và khả năng điều hành của đồng chí Phạm Văn Chất sẽ vực dậy PVTEX, công ty đang “tả tơi trong cơn giông bão”, đoàn kết, tập trung sức mạnh của toàn thể cán bộ công nhân viên PVTEX thực hiện mục tiêu chặn đứng lỗ biến phí, từng bước đưa nhà máy hoạt động hiệu quả, có lãi, đảm bảo đời sống của cán bộ công nhân viên PVTEX.

Vũ Đậu (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news