Tin mới

Châu Phi - Trung Đông 2013 Và Triển Vọng 2014: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Thứ hai, 20/01/2014, 16:23 (GMT+7)

Khu vực Châu Phi – Trung Đông trong những năm gần đây được nhìn nhận như một địa bàn quan trọng và còn nhiều tiềm năng to lớn trong chính sách hợp tác quốc tế của Việt Nam. Nhân dịp đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, Phóng viên Tinmoi.vn đã có trao đổi với PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về tình hình khu vực châu Phi – Trung Đông năm 2013 và triển vọng năm 2014. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài với bạn đọc bài trao đổi này.

Khu vực Châu Phi – Trung Đông trong những năm gần đây được nhìn nhận như một địa bàn quan trọng và còn nhiều tiềm năng to lớn trong Chính sách hợp tác quốc tế của Việt Nam. Nhân dịp đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, Phóng viên Tinmoi.vn đã có trao đổi với PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về tình hình khu vực châu Phi – Trung Đông năm 2013 và triển vọng năm 2014. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài với bạn đọc bài trao đổi này.

Châu Phi - Trung Đông 2013 Và Triển Vọng 2014: Cơ hội nào cho Việt Nam

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

PV: Châu Phi - Trung Đông hiện nay đang nổi lên như một khu vực phát triển năng động, một địa bàn đầy tiềm năng mà ở đó còn rất nhiều cơ hội hợp tác cho Việt Nam. Là người đứng đầu một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về Châu Phi và Trung Đông, ông có thể cung cấp cho độc giả những thông tin tổng thể về khu vực này ?

Châu Phi - Trung Đông trong những năm gần đây đã nổi lên như một khu vực phát triển tương đối năng động của thế giới. Trước hết, đây là một khu vực rộng lớn với bức tranh phát triển hết sức đa dạng với nhiều mầu sắc, nhiều chiều cạnh khác nhau. Châu Phi kể từ khi Sudan tách ra thành hai quốc gia hiện đã có tới 55 quốc gia. Trung Đông theo nghĩa hẹp bao gồm 16 quốc gia và như vậy chúng ta có một tập hợp lên tới 71 quốc gia trong đó hầu hết đều là các quốc gia đang phát triển với tổng dân số khoảng 1,4 tỷ người và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng trong đó nổi bật nhất là dầu mỏ và một số kim loại quý. Cho đến nay, Châu Phi - Trung Đông vẫn còn là khu vực ít được chú ý tại Việt Nam nên quan hệ hợp tác chưa nhiều. Cũng chính vì còn có ít thông tin nên nếu được đầu tư nghiêm túc và tiếp cận một cách có bài bản, Châu Phi - Trung Đông chắc chắn sẽ trở thành địa bàn hợp tác hết sức hấp dẫn đối với Việt Nam ngay trong giai đoạn hiện tại và trong tương lai một vài năm sắp tới.

PV. Ông có thể điểm lại với độc giả của tinmoi một vài nét nổi bật về tình hình an ninh, chính trị, đặc biệt của khu vực Châu Phi – Trung Đông năm 2013 vừa qua ?

Năm 2013 vừa qua là năm phát triển có rất nhiều biến cố đối với khu vực châu Phi – Trung Đông, đặc biệt là các biến cố về chính trị, an ninh với tình hình tiếp tục bất ổn tại các quốc gia Trung Đông – Bắc Phi thời kỳ chuyển đổi hậu “Mùa xuân Arab” như Ai Cập, Libya, Tunisia. Như chúng ta đã biết, Ai Cập vẫn đang bất ổn với hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ do lực lược Anh em Hồi giáo hậu thuẫn. Mâu thuẫn giữa các bộ lạc tại Libya trong kiểm soát quyền lực và tài nguyên dầu mỏ thời hậu Gaddafi vẫn chưa thể dàn xếp được. Tại Syria, phong trào Mùa xuân Arab từ lâu đã chuyển thành cuộc nội chiến chưa có hồi kết với sự can thiệp của nhiều quốc gia bên ngoài như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Saudi Arabia, các nước phương Tây.  

Đối với các quốc gia châu Phi, ngay từ đầu năm 2013, xung đột gay gắt đã bùng nổ tại Mali, tiếp đó là Cộng hòa Trung Phi với các sự kiện đảo chính và chiến tranh lan rộng. Tại quốc gia non trẻ Nam Sudan, chiến tranh, xung đột mang màu sắc tôn giáo trở nên trầm trọng ngay trong tháng 12 và đã lan ra khắp đất nước, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 126.000 phải rời bỏ cửa nhà, trong đó có 62.000 người đang nằm trong các trại tị nạn của Liên hợp quốc. Như vậy, Châu Phi - Trung Đông năm 2013 vẫn giữ nguyên đặc điểm mang tính cố hữu của nhiều năm nay là bất ổn và xung đột, vẫn là điểm nóng của thế giới.

PV. Ngoài những đặc điểm an ninh, chính trị còn bất ổn như vậy, theo đánh giá của ông thì tình hình kinh tế, xã hội Châu Phi – Trung Đông có những điểm nào đáng chú ý ?

Tất nhiên, bên cạnh các cuộc chiến tranh và bất ổn chính trị, tình hình phát triển kinh tế, xã hội châu Phi – Trung Đông cũng có nhiều điểm đáng chú ý, gồm cả những nét tích cực xen lẫn các khó khăn, thách thức. Trong số các nền kinh tế đang phát triển, kinh tế khu vực châu Phi cận Sahara được đánh giá tương đối sáng sủa trong năm 2013 với tăng trưởng GDP ước đạt 4,7%, tăng so với mức 4% của năm 2012 do đóng góp của tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ở các nước có đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng, các dự án tài nguyên thiên nhiên (Ghana, Mozambique, Niger, Sierra Leone). Tuy nhiên, kinh tế châu Phi hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư của các nền kinh tế mới nổi đối với cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư. Việc giảm giá hàng hóa trên thế giới gần đây có thể làm trì hoãn đầu tư khai thác khoáng sản ở một số nước như Guinea, tăng trưởng trung hạn ở một số quốc gia xuất khẩu tài nguyên cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, biến động thị trường tài chính toàn cầu gần đây đã làm ảnh hưởng đến một số nền kinh tế trong khu vực như tiền tệ của Nigeria suy yếu so với đồng đô la Mỹ còn đồng Rand của Nam Phi cũng bị giảm mạnh.

Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) trong năm 2013 vẫn tiếp tục chứng kiến quá trình chuyển đổi chính trị không mấy thuận lợi. Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực vẫn ở mức cao, kinh tế suy yếu và bất ổn chính trị đã có tác động tiêu cực đến đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là ảnh hưởng tới thị trường lao động. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết năm 2013, tăng trưởng trong MENA ước tính chỉ đạt ở mức khá thấp là 2,8% nhưng sẽ tăng lên khoảng 4% trong năm 2014. Giảm tốc độ tăng trưởng vào năm 2013 chủ yếu phản ánh những khó khăn trong xuất khẩu dầu, đặc biệt là Libya, Iran và Syria, cũng như tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Syria đối với Lebanon và Iraq. Tăng trưởng trong các nền kinh tế chuyển đổi như Ai Cập và Tunisia cũng sẽ tương đối yếu. Thách thức chính của khu vực là tạo ra tăng trưởng bền vững, mang lại số lượng và chất lượng công việc cần thiết và đặc biệt là thách thức về ổn định chính trị để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.

PV. Vậy từ góc nhìn của Việt Nam, chúng ta có cơ hội gì từ khu vực châu Phi – Trung Đông trong năm 2013 và triển vọng năm 2014 ?

Mặc dù Châu Phi – Trung Đông là khu vực còn nhiều khó khăn với đa số là các nước đang phát triển nhưng cơ hội cho hoạt động hợp tác của Việt Nam là hết sức to lớn. Thực tế đã chứng minh là Châu Phi – Trung Đông hiện đang là thị trường có tốc độ tăng trưởng thương mại nhanh nhất của Việt Nam và vẫn còn tiềm năng để tăng mạnh trong các năm tới. Những năm gần đây, Việt Nam hưởng thặng dư thương mại khoảng 1 tỷ USD/năm trong trao đổi thương mại với châu Phi. Năm 2012, tổng giá trị trao đổi thương mại Việt Nam – Châu Phi đạt khoảng 4,7 tỷ USD và năm 2013 đã tăng lên mức kỷ lục gần 7 tỷ USD. Đối với khu vực Trung Đông, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng thương mại rất cao, hưởng thặng dư lớn với các thị trường quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Israel, v.v…Ngoài tiềm năng về hợp tác kinh tế, Việt Nam có quan hệ chính trị, ngoại giao hết sức tốt đẹp với tất cả các quốc gia Châu Phi – Trung Đông. Đây được coi là lợi thế quan trọng, giúp chúng ta có được tiếng nói của một số lượng đông đảo các quốc gia hữu hảo có thể ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Với triển vọng năm 2014 khu vực Châu Phi – Trung Đông có thể ổn định hơn về an ninh, chính trị và đạt kết quả phát triển kinh tế tốt hơn, tôi tin rằng đây sẽ tiếp tục là khu vực quan trọng còn nhiều dư địa cho chính sách đối ngoại của Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được thành công hơn nữa trong nỗ lực mở cửa, hội nhập quốc tế và thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Trung Đông 2013