Tin mới

Chìa "cành ô liu" cho Hàn Quốc: Nước cờ cao tay không ngờ của ông Kim Jong Un?

Thứ ba, 02/01/2018, 14:48 (GMT+7)

Trong thông điệp mừng năm mới, bên cạnh lời cảnh báo dành cho Mỹ, Triều Tiên bất ngờ có động thái làm dịu tình hình căng thẳng với Hàn Quốc. Các chuyên gia cho biết, thông điệp này chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, phản ánh chiến lược sắp tới của Bình Nhưỡng trong năm 2018.

Trong thông điệp mừng năm mới, bên cạnh lời cảnh báo dành cho Mỹ, Triều Tiên bất ngờ có động thái làm dịu tình hình căng thẳng với Hàn Quốc. Các chuyên gia cho biết, thông điệp này chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, phản ánh chiến lược sắp tới của Bình Nhưỡng trong năm 2018.

Dịu giọng với Hàn Quốc: Nước cờ cao tay không ngờ của ông Kim Jong Un? - Ảnh 1.

Ông Kim Jong Un trong bài phát biểu đầu năm 2018. Ảnh: KCNA

Phát biểu trước sóng truyền hình quốc gia trong lời chúc năm mới gửi tới toàn dân ngày 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khiến thế giới bất ngờ khi chủ động đề nghị "tìm ra giải pháp hòa bình với nước láng giềng Hàn Quốc".

Đây là một động thái hiếm hoi bởi từ trước tới nay, Bình Nhưỡng khá cứng rắn trong lập trường "không đội trời chung" với Seoul.

Đáp lại lời đề nghị của ông Kim Jong Un, ông Park Soo-hyun – người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết: "Văn phòng Tổng thống rất hoan nghênh lời phát biểu của ông Kim về sự cần thiết cải thiện mối quan hệ liên Triều và mong ước của ông về việc gửi phái đoàn tới Thế vận hội.

“Văn phòng Tổng thống bày tỏ mong muốn đối thoại với Triều Tiên bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ đâu và không màng đến thủ tục lễ nghi nếu như điều đó góp phần làm bình thường hóa quan hệ hai nước và đem lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”, ông Park Soo-hyun khẳng định.

Theo các chuyên gia, trong thông điệp đầu năm của ông Kim Jong Un chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, phản ánh chiến lược sắp tới của Bình Nhưỡng trong năm 2018.

Chìa cành ô-liu với Hàn Quốc

Trả lời CNN, Euan Graham - Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy, Australia, nhận định động thái hạ giọng từ phía Triều Tiên đối với Hàn Quốc là một điều bất ngờ.

“Cành ô liu Triều Tiên chìa ra cho Hàn Quốc, đó là sự thay đổi đáng kể nhất, vì từ trước đến nay, họ chưa từng thể hiện hứng thú muốn nối lại quan hệ với Hàn Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia nào vì vấn đề đó.

Nhưng cành ô liu này lại được gói trong ‘giấy bọc’ có tính chiến đấu của Triều Tiên, nó không đồng nghĩa với việc chấm dứt chương trình hạt nhân… Thậm chí nếu họ gửi phái đoàn tới Thế vận hội mùa đông tại Pyeongchang, tôi cũng không ngạc nhiên khi họ tiếp tục chương trình thử tên trong mùa xuân tới, có thể đó là một vụ phóng vệ tinh hoặc phóng từ tàu ngầm”, ông Euan Graham giải thích.

Trong khi đó, Tong Zhao, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, nhận định ông Kim "không muốn tỏ ra khiêu khích hay đe dọa".

"Ông ấy muốn thuyết phục cộng đồng thế giới rằng vũ khí hạt nhân Triều Tiên chỉ thuần túy được sử dụng cho mục đích tự vệ. Mục đích cuối cùng mà ông Kim Jong Un hướng tới sẽ là giải pháp hòa bình với Mỹ với điều kiện Bình Nhưỡng được phép giữ lại kho hạt nhân của mình", ông Zhao chia sẻ.

Theo ông Zhao, sau khi đạt được những thành tựu vũ khí chiến lược trong năm qua, Triều Tiên đang muốn giảm căng thẳng khu vực và Thế Vận Hội Mùa đông là cơ hội vàng với quốc gia này.

Thông qua kì đại hội, ông Kim Jong Un có thể yêu cầu liên minh Washington-Seoul lắng nghe những đòi hỏi của Bình Nhưỡng và điều chỉnh lại các cuộc tập trận quanh bán đảo. Đây là cách làm khéo léo, không làm Triều Tiên mất mặt hay yếu kém trước các nước khác.

Tiếp tục cảnh báo Mỹ rằng, nút hạt nhân nước này luôn nằm trên bàn làm việc.

Theo tuyên bố của ông Kim Jong-un vào ngày 1/1/2018, Mỹ nên hiểu rằng năng lực hạt nhân của Triều Tiên giờ đây đã trở thành hiện thực chứ không chỉ là mối đe dọa. Trong phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp nhân dịp đầu năm mới, ông Kim nói rằng năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã “hoàn thành” và nút phóng hạt nhân nằm trên bàn làm việc của ông.

Dịu giọng với Hàn Quốc: Nước cờ cao tay không ngờ của ông Kim Jong Un? - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters.

"Dù Mỹ muốn tấn công chúng ta tới mức nào, họ cũng biết rằng Bình Nhưỡng đã sở hữu sức mạnh hạt nhân đáng kể và do đó, họ sẽ không dám tấn công," ông Kim tuyên bố, và đánh giá thành tựu lớn nhất của Triều Tiên trong năm 2017 là "hoàn thành sứ mệnh hạt nhân lịch sử".

Mike Mullen - cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận định rằng Mỹ "đang gần với chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên" hơn bao giờ hết.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng ABC, ông Mullen cảnh báo rằng những phát ngôn gay gắt của tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào ông Kim Jong Un cho thấy ông Trump sẵn sàng sử dụng tới vũ lực để chặn chương trình phát triển vũ khí Triều Tiên.

Tuần trước, Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã đồng thuận áp dụng những lệnh cấm vận mới với Triều Tiên nhằm đáp trả cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo ngày 29/11 của nước này, siết chặt hơn nguồn cung dầu khí và hoạt động của người Triều Tiên tại nước ngoài.

Tuy nhiên, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải thông tin đáp trả, cho biết nước này sẽ tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân trong năm 2018.

"Đường lối phát triển của Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, với sứ mệnh là quốc gia hạt nhân có trách nhiệm, sẽ dẫn lối lịch sử trên con đường duy nhất tới độc lập và công bằng, mặc cho những ‘cơn bão tố’ và khó khăn trước mắt", KCNA viết.

Đừng quá lạc quan?

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên chúc kỳ thế vận hội sắp được tổ chức tại Hàn Quốc thành công cũng như đề nghị đàm phán với Seoul về các biện pháp cần thiết kể cả cử đoàn tới tham dự, là một dấu hiệu tích cực

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Hàn Quốc đừng quá lạc quan với đề xuất mới nhất của Triều Tiên, nhấn mạnh, Seoul nên phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.

Ken Gause, nhà phân tích cấp cao của CNA Corp tại Mỹ cho rằng: “Bằng cách tiếp cận hỗn hợp với Seoul và Washington, Triều Tiên có vẻ như sẽ tiếp tục với chiến lược của mình nhằm tạo ra một cái gai cho hai đồng minh này”. Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng, Bình Nhưỡng cho thấy sự thay đổi trong cách giải quyết vấn đề khi họ cố gắng nói chuyện với Seoul trong khi vẫn đả kích Mỹ. Chính phủ cần có sự phối hợp chặt chẽ với Washington trong việc thúc đẩy đàm phán với Bình Nhưỡng”.

Đức Hòa (tổng hợp)

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news