Tin mới

Chọi chó: Những canh bạc bạo lực

Thứ năm, 06/03/2014, 20:53 (GMT+7)

Chọi chó Pitbull (giống chó nhà được mệnh danh là sát thủ máu lạnh) đang rộ lên và có chiều hướng thành… phong trào như một thú chơi hành động, mang tính bạo lực.

Chọi chó Pitbull (giống chó nhà được mệnh danh là sát thủ máu lạnh) đang rộ lên và có chiều hướng thành… phong trào như một thú chơi hành động, mang tính bạo lực.

 

Những chú chó lao vào nhau như mãnh thú, những số tiền chuyền tay nhau đặt cược bên cạnh vũng máu chó hay sự hò hét cổ vũ trong điên loạn của những người tham gia, tất cả đang tạo ra những canh bạc khát máu thực sự.

Chọi chó: Những canh bạc bạo lực

Một buổi off của dân chơi Pitbull Hà Nội.

Thú chơi bạo lực

Nói vậy bởi, khi tham gia vào trò này, sự man rợ sẽ được đẩy lên đỉnh điểm khi người chơi chứng kiến Pitbull của mình hiên ngang trên xác đối thủ.

Xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2003 do một “ông chủ chó” đất Hải Phòng mang về, Pitbull đã thu hút được sự quan tâm của những người đam mê chơi chó bởi ngoại hình khỏe mạnh, sự trung thành với chủ, dữ dằn trong chiến đấu. Tuy nhiên, lợi dụng sự hung dữ này, một bộ phận không nhỏ người chơi Pitbull đã đẩy chúng vào những trận chiến sinh tử, tàn khốc.

Được coi như “hung thần” của các loại chó chọi, với sức mạnh của cơ thể cộng với hàm răng sắc nhọn, khi đã xung trận Pitbull được ví như những chiến binh, chúng có thể cắn nhau đến hơi thở cuối cùng.

Một trận chọi chó thường kéo dài nhiều hiệp, mỗi hiệp khoảng 10 phút, chọi đến khi nào có một con thua do chấn thương hoặc chết mới dừng lại.

Ngay việc kết thúc một trận chiến cũng là vấn đề. Đa phần chủ chó phải sử dụng một công cụ hỗ trợ gọi là banh hàm để tách được 2 đấu sĩ cẩu ra do đặc tính của Pitbull đã cắn là không nhả.

Chọi chó: Những canh bạc bạo lực

Hậu quả sau cuộc chiến (trong ảnh hàm dưới của Pitbull bị cắn cụt).

Một Pitbull trưởng thành chỉ tham chiến mỗi tháng một trận do cần thời gian để phục hồi chấn thương. Sau mỗi trận, dù thắng hay thua, các chiến binh này đều bị những chấn thương nhất định, nhẹ thì rách da, toác thịt… nặng thì gãy xương hoặc hơn nữa là bị cắn vào các động mạch.

Nếu chỉ chấn thương thông thường, chủ chó chỉ cần bôi thuốc hoặc Pitbull sẽ tự liếm để lành vết thương. Còn nếu nặng hơn thì các chiến binh này sẽ được đưa đến bác sĩ thú y. Nhưng chỉ sau một thời gian, các chú chó này lại tiếp tục lao vào trận chiến mới và lại một quá trình phục hồi như vậy…

Trên một trang diễn đàn của những người nuôi Pitbull, một thành viên có nickname Mr.Trần kể: Trong lúc không có ai ở nhà, 2 chú Pitbull phá chuồng rồi lao vào nhau, đến chiều về thì thấy một con bị mất hẳn hàm dưới, con còn lại thì mặt rách nát.

Công nghệ biến Pet thành chiến binh

Để biến Pet (thú cưng) thành một chiến binh, Pitbull phải trải qua những bài huấn luyện công phu. Khác với những loài chó khác như Becgie, Rottweiler… phải huấn luyện theo bài bản để thuần tính, nghe lời chủ, thì Pitbull khác hẳn.Trung thành là bản tính có sẵn của Pitbull nên việc huấn luyện chỉ nhằm mục đích làm sao cho chúng khỏe mạnh, bền sức và đặc biệt là càng hung dữ càng tốt.

Chọi chó: Những canh bạc bạo lực

Bơi là một trong những bài tập thể lực của Pitbull.

Tùng, một thanh niên nuôi Pitbull ở Hà Nội cho biết, để Pitbull chiến đấu tốt phải cho chúng trở về bản năng gốc. Nếu đưa vào các trường huấn luyện, Pitbull sẽ trở nên ngoan ngoãn và mất hẳn bản năng chiến đấu của chúng.

Mỗi chú Pitbull sẽ được chủ huấn luyện theo một cách riêng, nhưng đa phần đều trải qua những bài tập rất chung như: quấn xích vào cổ để chạy, cho chạy trên máy tập, kéo lò xo, kéo lốp xe, cắn thịt sống…Ngồi cạnh đàn chó Pitbull vừa mới sinh, Tùng kể thêm: Khi đã áp dụng những bài tập đó cho Pitbull thì ngày nào cũng phải duy trì đầy đủ, kể cả trời nắng hay trời mưa.

Chiều nào Tùng và hai chú Pitbull cũng trải qua từng đấy bài tập, duy chỉ có màn kéo lốp ô tô thì phải đợi đêm muộn mới tập được. Các bài tập khác đều có xích để giữ, riêng bài kéo lốp thì phải thả ra cho chúng chạy. Việc đó rất nguy hiểm vì khi đó sẽ không thể quản lý được chó.

Ngoài những bài tập trên, thỉnh thoảng chủ chó còn có một bài tập được cho là rất dã man, đó là Thử chó. Trước mỗi trận đánh, chủ chó thường thử khả năng chiến đấu của Pitbull đồng thời kích thích thú tính của chúng bằng cách rất quái gở. Đó là mua một con chó sắp bị thịt mang về thả ra cho Pitbull cắn. Thường thì những cuộc chiến không cân sức đó chỉ kéo dài chưa đến 5 phút là con vật hiến thân kia sẽ chết.

 

Bên cạnh chế độ tập luyện hà khắc, thực đơn ăn uống của Pitbull cũng được quan tâm đặc biệt. Là một người khá nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện Pitbull, Dương, chủ nhân của một cặp Pitbull, cho biết: Món ăn thường xuyên của Pitbull là cổ gà.

 

Dương cho Pitbull ăn theo khẩu phần 12 chiếc cổ gà mỗi ngày, chia làm hai bữa. Cứ luộc nguyên cổ gà rồi cho Pitbull ăn, vừa đủ chất lại vừa luyện được răng. “Thỉnh thoảng cho Pitbull ăn thịt chó để chúng dữ tợn hơn và tăng cường sức chiến đấu”, Dương tiết lộ.

Chủ chó - họ là ai?

Họ là những người trẻ có cùng sở thích mà đa phần bị cộng đồng cho là quái gở. Nuôi Pitbull đang trở thành một trào lưu của giới trẻ. Họ nuôi với những mục đích khác nhau, nhưng đa phần những chú Pitbull này đều bị đẩy vào những trận chiến, vốn là bản năng của chúng.

Không hẳn tất cả những người nuôi Pitbull đều để cho chó đi chọi. Vẫn có những người vì yêu thích đặc tính trung thành và vẻ đẹp khỏe mạnh của Pitbull nên nuôi chúng chỉ để làm Pet (thú cưng).

Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số. Tại các nước châu Mỹ, nguồn gốc của những chú chó Pitbull, nơi chúng sống với chủ như những người bạn, người vệ sĩ trung thành. Tuy nhiên, sau khi du nhập về các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đa số Pitbull trở thành chiến binh cho những cuộc cá độ.

Pitbull đang trở thành công cụ kiếm tiền cho những người chủ chó máu mê cờ bạc. Hiện nay, Pitbull made in Việt Nam khá nhiều bởi người ta phối và nhân giống được trong nước. Giá của một chú chó Pitbull nhỏ dao động từ 6 đến 8 triệu.

Tuy nhiên, họ không kiếm tiền từ việc bán chó. “Mỗi trận đánh bình thường sẽ có kèo độ khoảng trên dưới 50 triệu đồng. Còn nếu về các sới ở Hải Dương, Hải Phòng thì những trận đánh lên tới vài trăm triệu là bình thường”, Tùng kể về những trận trực tiếp mang chó đi chọi hoặc chỉ đi xem.

Anh Quân, một lái xe du lịch ở Hà Nội cho biết: Một lần có khách thuê xe 16 chỗ ngồi đi Hải Dương nhưng lúc đến đón thì chỉ có 4 thanh niên và một… con chó. Khi đến một nhà vườn ở Thanh Hà (Hải Dương), anh Quân thấy có một nhóm người đang đợi sẵn.

Chừng tiếng sau họ dắt chó ra, lên xe và về Hà Nội luôn. Trên xe, 4 thanh niên hào hứng chia nhau từng cục tiền trong khi con chó bê bết máu, nằm ở góc xe liếm những vết thương trên người.

Dư luận lên tiếng

Bạn Lê Minh (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội), một trong những thành viên đắc lực của Nhóm cứu trợ chó mèo Hà Nội, bức xúc: "Con chó cũng giống con người, chúng cũng biết đau khi bị cắn, cũng thấy sợ khi bị đánh, cũng cần được chủ yêu thương, chăm sóc… chúng cũng có cảm xúc như con người, cũng biết yêu, biết ghét.

Không hiểu những người chủ của chúng nghĩ gì khi bỏ bao nhiêu tiền của, công sức nuôi chúng để rồi thấy những vết thương cũ chưa lành, vết thương mới đã đến. Chúng phải đổ máu hay từ bỏ chính mạng sống của mình chỉ để mua vui, kiếm tiền cho con người".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news