Tin mới

Chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc chuẩn bị tờ 100 đồng đề phòng trường hợp giống Cai Lậy

Thứ tư, 05/12/2018, 09:31 (GMT+7)

Chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc (TP. HCM) đã chuẩn bị những tờ 100 đồng để đối phó nếu tài xế dùng tiền lẻ phản đối, tương tự vụ việc từng xảy ra ở BOT Cai Lậy (Tiền Giang).\n 

Chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc (TP. HCM) đã chuẩn bị những tờ 100 đồng để đối phó nếu tài xế dùng tiền lẻ phản đối, tương tự vụ việc từng xảy ra ở BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

Ngày 4/12, ông Lê Quốc Đạt – Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho VTC News biết, về việc tài xế tụ tập, dừng xe phản đối và yêu cầu bỏ BOT An Sương – An Lạc, công ty đã chuẩn bị sẵn tiền lẻ mệnh giá 100 đồng tại các cabin thu phí để trả lại khi tài xế đưa tiền thừa.

Vị này cho biết, không phải bây giờ mà từ cách đây nhiều tháng, tiền 100 đồng đã được chuẩn bị để phòng tình trạng tương tự BOT Cai Lậy.

Hơn chục người đứng tại trạm BOT vẫy tay kêu các xe qua lại khi xả trạm tối 3/12. Ảnh: VnExpress

Chủ đầu tư cũng kiến nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ xử lý khi có phương tiện giao thông cố tình đậu và gây rối ở làn thu phí để tránh kẹt xe.

Thông tin trên Báo Dân Trí, đại diện Sở GTVT TP. HCM cho biết, dự án BOT An Sương – An Lạc trước đây do Bộ GTVT đầu tư, sau đó chuyển giao lại cho thành phố quản lý.

Khi lưu lượng xe tăng lên, chủ đầu tư đã đề xuất và được Nhà nước cho phép xây bổ sung các cầu vượt nằm trong dự án BOT An Sương – An Lạc. Dự kiến thu phí đến năm 2033. Tuy nhiên, căn cứ vào Doanh thu và kết quả thực tế sẽ xem xét điều chỉnh thời gian thu phí.

Mỗi ngày có khoảng 40.000 lượt phương tiện qua trạm thu phí An Sương, kể cả các trạm thu phí phụ. Ảnh: VTC News

Trả lời Báo Dân Trí về việc vì sao quyết định tăng thời gian thu phí mà không công khai để người dân biết, đại diện IDICO lý giải: “Khi dự án được phê duyệt, Sở đã ký gửi cho các đơn vị, nhà đầu tư công khai những thông tin này tại địa phương. Bình thường không ai để ý, đến khi có chuyện thì mới để ý chứ không phải TP và nhà đầu tư không công khai thông tin”.

Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về một số sai phạm tại BOT An Sương, theo ông Đạt tài xế đang hiểu lầm dẫn đến việc phản đối.

“Kết luận của thanh tra liên quan đến nhiều dự án của TP. HCM, trong đó có nói về trạm thu phí. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ xem xét lại việc thu phí làm sao cho hợp lý và có thông báo rộng rãi sau”, ông Đạt nói.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về sai phạm tại 6 dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hợp đồng BT, BOT tại TP.HCM.

BOT An Sương - An Lạc đã hoạt động trở lại bình thường. Ảnh: Thanh Niên

Phía thanh tra cho rằng, dự án bổ sung 2 nút giao Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10 và Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10B, lắp đặt dải phân cách giữa làn xe cơ giới trên Quốc lộ 1, đoạn An Sương – An Lạc, TP đã sai phạm trong việc chỉ định công ty IDICO làm chủ đầu tư mà không phổ biến thông tin dự án để các nhà đầu tư tham gia.

Bên cạnh đó, TP đã lập, thẩm định và phê duyệt dự án khả thi chưa đầy đủ, thiếu chính xác, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư hơn 11,4 tỷ đồng.

UBND TP.HCM phản hồi lại, việc giao công ty IDICO 2 dự án bổ sung dựa trên chủ trương của Thủ tướng. Ngoài ra, việc tăng giá trị dự phòng không ảnh hưởng đến việc thi công của dự án.

Trước đó, tối 3/12, tại BOT An Sương – An Lạc nhiều tài xế tập trung phản đối, gây kẹt xe kéo dài với lý do thời gian thu phí tại đây “lố” 31 tháng. Vì vậy, chủ đầu tư phải cho xả trạm để giải tỏa và khẳng định, việc tài xế cho rằng thu phí quá hạn là… hiểu lầm.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news