Tin mới

Từ vụ chủ nhà trọ bị tố hành hung nữ sinh: Chủ trọ than "nhiều khách trọ oái ăm lắm!"

Thứ hai, 23/05/2016, 08:49 (GMT+7)

Sau sự việc cô gái trẻ tố bị chủ nhà trọ hành hung, nhiều chủ nhà trọ than rằng, họ cũng từng gặp nhiều trường hợp oái oăm, thậm chí phải đuổi khéo để giữ an toàn cho xóm trọ. 

Sau sự việc cô gái trẻ tố bị chủ nhà trọ hành hung, nhiều chủ nhà trọ than rằng, họ cũng từng gặp nhiều trường hợp oái oăm, thậm chí phải đuổi khéo để giữ an toàn cho xóm trọ. 

Mới đây, sự việc cô gái tố cáo chủ nhà trọ đánh người trong một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội đã gây sự chú ý của dư luận.

Theo đó, chủ nhân trong đoạn video tranh cãi với chủ nhà trọ là Nghiêm Thị Thu Hiền (sn 1997) và bà Mai, chủ phòng trọ ở gõ 66 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong khi Hiền khẳng định mình không hề vi phạm hợp đồng, khi có ý định chuyển đi đã báo trước với chủ nhà nhưng bà Mai cho biết hợp đồng ghi rõ phải thuê trên 1 năm, người thuê trọ đã nợ tiền phòng định mang đồ bỏ đi nhưng bị phát hiện. Trong khi xảy ra tranh cãi, bà Mai có xô xát và dùng dây nhựa vụt vào người bạn của Hiền.

Cô gái trong clip nhận mình là sinh viên một trường ĐH ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội nhưng phía công an khẳng định cô gái không phải là sinh viên (theo thông tin trên Vietnamnet-PV). 

Trên các diễn đàn mạng cũng đã có nhiều bình luận trái chiều sau khi clip được đăng tải, trong đó đa số ý kiến cho rằng hành động đánh người của chủ nhà trọ là không phải nhưng "cô gái trong clip cũng không vừa". 

Từ sự việc trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một số chủ nhà trọ để hiểu rõ hơn về lĩnh vực kinh doanh này. 

Theo ông Nguyễn Văn Đức (56 tuổi), một chủ nhà trọ ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, nhà trọ đủ các thành phần, đủ các tầng lớp, trong số đấy thì tích cực có, tiêu cực có. Do đó, người có nhà cho thuê phải xác định, trước hết là nhìn phong cách, cách ăn nói, phải có tư duy nhạy cảm hơn một chút.

"Trong thời gian cho thuê trọ thì cũng có một số trường hợp là người trong phòng với nhau, vì ăn tiêu đua đòi mà sinh tật xấu, trộm đồ của nhau. Đó là trường hợp 3 anh em họ cùng ở một xã ở Hưng Yên, học cùng trường, trong đó có 2 người có laptop. Trong một lần đi học, người còn lại quay về và lấy luôn 2 cái laptop, và cầm đồ được 9 triệu. Khi được hỏi thì bạn ấy chối, nhưng khi công an xử lý mới vỡ lẽ và bị nộp phạt tổng là 39 triệu.

Việc quỵt tiền nhà thì có một trường hợp là ba chị em ruột ở với nhau, trước khi đến thuê có kể về hoàn cảnh khó khăn, bác còn cho cơm ăn. Sau hơn 3 năm, bạn ấy ra trường và mất tích luôn, tiền nhà bác chưa lấy một đồng nào, tổng tất cả là 13 triệu", ông Đức kể.

Bác Nguyễn Văn Đức (56 tuổi) chủ nhà trọ ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, chủ nhà đã đề ra những quy định khắt khe nhằm đảm bảo an ninh cho khu trọ. Thế nhưng, cũng gặp không ít phiền toái khi triển khai. 

Ông Hoàng Duyên (70 tuổi, Cổ Nhuế, Từ Liêm) quan niệm cho thuê trọ của ông là "ai ở được thì ở" vì vậy quy định phòng trọ của ông khá nghiêm ngặt như: khóa cổng vào 22h, không nổ máy đi xe vào trong sân, không được lưu khách qua đêm với bất cứ lý do gì, không tiếp khách quá 21h30,...nên việc người chuyển đến kẻ chuyển đi xảy ra thường xuyên.

Ông Duyên cho biết, quy định như vậy để mong tìm được người thuê tử tế, lâu dài, không xảy ra trộm cắp.

Những quy định tại nhà trọ của ông Hoàng Duyên, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội.

"Tôi cho thuê trọ đến nay đã gần 20 năm kể từ năm 1998, chủ yếu là sinh viên và cũng gặp không ít những trường hợp ý thức tập thể kém, chây lì chuyện tiền phòng...Cách đây mấy năm, một nhóm sinh viên đã bị tôi đuổi đi ngay trong đêm vì tụ tập uống rượu ảnh hưởng đến các phòng khác trong mùa thi dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Chuyện khất lần tiền nhà hàng tháng là chuyện xảy ra như cơm bữa, có phòng nợ tận 4 tháng trời, phải  dọa gọi về cho người nhà mới chịu trả. Mới đây nhất là vào tháng trước, một gia đình chuyển đến được 4 tháng thì chuyển đi, lúc đi đòi chủ nhà trả lại tiền nhà, tiền nước những ngày nghỉ, ngày lễ tết, thậm chí còn gây gổ với tôi”, ông Duyên chia sẻ.

Cũng theo ông Duyên, có trường hợp chỉ ở được 1 tuần ông đã bắt chuyển đi, nhưng cũng có nhiều người được gia đình ông xem như con em trong nhà, đến bây giờ vẫn liên lạc và thăm hỏi nhau thường xuyên.

“Nhìn chung, việc cho thuê trọ cũng muôn vàn phức tạp, có lần tôi cho một cô sinh viên thuê trọ học ngoại ngữ, nhiều lần có người nước ngoài ghé chơi, học tập, hàng xóm lại xì xào cô bé làm gái, lần đó tôi đã phải đi giải thích hết người nọ đến người kia”, ông Duyên nói.

Bà Nguyễn Thị Hương (47 tuổi), Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy cho biết, từ khi cho thuê nhà (từ năm 2015 đến nay) chưa gặp phải trường hợp nào phức tạp như thuê xong rồi chuyển đi mà không trả tiền phòng.

"Thường thì khi trước khi cho thuê đều có hợp đồng rõ ràng và cũng đã có thỏa thuận với người thuê, nếu hai bên đồng ý mới ký hợp đồng. Cô cũng cho biết thêm những người đến thuê nhà tại đây chủ yếu là những người đi làm, nên cô thường nhìn mặt và xem thái độ mới cho thuê”, bà Hương chia sẻ bí quyết. 

Dù đã rất cẩn thận khi chọn người cho thuê nhưng chủ nhà trọ khó lường trước được các tình huống bất ngờ như chị Hồng (ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Theo chủ nhà trọ này, cách đây không lâu chị đã phải khéo léo từ chối một trường hợp thuê trọ mà chị nghi ngờ làm nghề không chân chính. 

Cũng theo các chủ trọ, việc quản lý các khu trọ không ở cùng đất với chủ nhà còn phức tạp hơn rất nhiều.

Dã Quỳ - Minh Di
 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news