Tin mới

Chủ tịch huyện nêu lý do rời khỏi phòng đối thoại vì có mặt phóng viên

Thứ sáu, 20/10/2017, 11:09 (GMT+7)

"Buổi đối thoại với người dân không mời phóng viên, báo chí tham dự mà sẽ có buổi họp báo riêng, tuy nhiên, một số phóng viên, nhà báo vẫn có mặt", Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ nêu lý do ông rời phòng họp.

"Buổi đối thoại với người dân không mời phóng viên, báo chí tham dự mà sẽ có buổi họp báo riêng, tuy nhiên, một số phóng viên, nhà báo vẫn có mặt", Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ nêu lý do ông rời phòng họp.

Phòng ngủ biến thành chuồng gà, còn người dân ở nhà kho, chuồng lợn cũ. Ảnh: VNN

Trên Trí thức trẻ đưa tin, sáng 20/10, ông Trần Minh Hải - Chủ tịch UBND huyện (Hưng Yên) đã có trao đổi xung quanh một số thông tin cho rằng, khi "phát hiện" thấy phóng viên có mặt tại buổi đối thoại với người dân vào chiều 19/10 ông đã rời khỏi phòng họp.

Theo ông Hải, vào chiều ngày 19/10, ông chù trì buổi đối thoại với người dân xã Quang Hưng với mục đích giải quyết đề nghị tạm dừng việc phá dỡ nhà trên đất đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Mở đầu buổi đối thoại, UBND huyện đã có thông báo rất rõ nội quy, quy định làm việc là, người dân tham dự cuộc đối thoại không được ghi chép, ghi âm, ghi hình khi chưa có sự đồng ý của người chủ trì buổi đối thoại.

"Theo kế hoạch, buổi đối thoại với người dân hôm đó chúng tôi không mời phóng viên báo chí tham dự mà sẽ có một buổi họp báo riêng sau đó, tuy nhiên, một số phóng viên, nhà báo vẫn có mặt. Nội quy, quy chế của UBND huyện cũng nêu rõ, người tham gia không ghi âm, ghi hình còn chúng tôi sẽ có biên bản sau buổi làm việc đọc cho mọi người dân nghe, thống nhất, ký tên nhưng một số phóng viên báo chí không thực hiện", ông Hải bức xúc và cho biết khi có sự vi phạm quy chế, nội quy tiếp dân, tôi đề nghị không tiếp tục tiến hành mà tạm dừng cuộc đối thoại lại.

Theo vị Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ, trong buổi làm việc, một số phóng viên đã chất vấn về việc có quyền được tham dự cuộc đối thoại để ghi âm, ghi hình, đưa tin.

"Nhưng chúng tôi cũng đã nêu rõ, giải thích là lãnh đạo huyện thực hiện theo đúng quy chế làm việc còn nếu vi phạm thì tạm dừng", ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, tới đây, huyện sẽ tiến hành tổ chức đối thoại lại với người dân, đồng thời, tiếp tục thực hiện theo đúng quy chế, nội quy làm việc đã được ban hành.

Đối với những vấn đề báo chí quan tâm, lãnh đạo huyện sẽ tổ chức họp báo trả lời công khai khi cần thiết.

Trước đó trên VietNamNet đưa tin về việc nhiều hộ dân tại xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) đã chuyển lợn, gà lên ở những gian nhà khang trang, thoáng mát, còn người dân thì chuyển xuống ở khu nhà xập xệ, thậm chí là chuồng lợn cũ được cải tạo.

Nguyên do của sự ngược đời đó là người dân muốn được giữ lại các công trình sai phạm xây trên đất nông nghiệp. 

Anh Phạm Văn Tâm một người dân xã Quang Hưng cho biết:"Chúng tôi cũng biết xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp là sai phạm. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, nhu cầu của gia đình là phải có người quán xuyến hàng ngày hàng giờ trông coi vườn cây, ao cá.

Nếu chính quyền không cho phép, chúng tôi sẽ xuống ở nhà tạm theo quy định, còn công trình thì xin được giữ lại, hoán đổi thành khu chăn nuôi".

Ông Nguyễn Hồng Chuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết, một số hộ có biểu hiện đối phó việc xử lý của chính quyền khi hoán đổi nhà ở, nhà tạm thành nơi chăn nuôi, nhà kho.

"Theo quy định, mức làm nhà tạm được phép là 10m2 nhưng có trường hợp người dân làm nhà lên tới 40m2.

1m2 đất nông nghiệp khi chuyển đổi mục đích cũng phải xin ý kiến của tỉnh chứ không địa phương nào tự ý làm. Do đó, không thể để việc sử dụng đất sai mục đích được tồn tại", ông Lê Trí Viễn - Bí thư Huyện ủy Phù Cừ khẳng định và cho biết sẽ kỷ luật cán bộ xã để xảy ra sai phạm và xử lý nghiêm việc xây dựng trái phép.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news