Tin mới

Chủ tịch nước: Chính quyền cần "lắng nghe dân" nhiều hơn nữa sau vụ Đồng Tâm

Thứ năm, 27/04/2017, 10:52 (GMT+7)

Chia sẻ với những cử tri TP.HCM liên quan đến vấn đề nóng tại xã Đồng Tâm thời gian vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Trung ương đã có chỉ đạo chính quyền TP. Hà Nội cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, tìm hiểu rõ nguyên nhân "Phải gần dân, sát dân, lắng nghe sâu sát nhân dân, từ đó mới đạt được sự đồng thuận của người dân".

Chia sẻ với những cử tri TP.HCM liên quan đến vấn đề nóng tại xã Đồng Tâm thời gian vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Trung ương đã có chỉ đạo chính quyền TP. Hà Nội cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, tìm hiểu rõ nguyên nhân "Phải gần dân, sát dân, lắng nghe sâu sát nhân dân, từ đó mới đạt được sự đồng thuận của người dân". 

Thông tin trên báo Đại Đoàn Kết cho biết, ngày 26/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH)  - Đơn vị số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4, TP HCM.

Đồng thời cùng ngày, Chủ tịch nước cùng Đoàn ĐBQH TP HCM cũng đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Cần Giờ, TP HCM để ghi nhận những tâm tư, góp ý của bà con cử tri trước kỳ họp thứ 3 (QH khóa XIV).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao đổi, tiếp xúc với cử tri huyện Cần Giờ bên lề Hội nghị. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Huyện Cần Giờ không thuộc khu vực tiếp xúc cử tri của Tổ ĐBQH - Đơn vị số 1, tuy nhiên vẫn được chọn nằm trong chương trình tiếp xúc lần này do Cần Giờ đang được TP HCM quy hoạch phát triển bền vững, theo tiêu chí "xanh, sạch, hiện đại", với nhiều vấn đề quan trọng đang được đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi trong buổi tiếp xúc cử tri, cử tri Nguyễn Hữu Châu  bày tỏ với Chủ tịch nước và cho biết thời gian qua ông rất trăn trở về cơ chế nào để người dân khi phát hiện tiêu cực, tham nhũng có thể phản ánh được đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý mà không bị trả thù, hoặc trù dập. 

Cử tri Phạm Huy Chiến (P.6, Q.4) cũng góp ý thẳng vào quy trình khiếu nại, tố cáo của người dân được thực hiện bằng đơn thì chính quyền cũng phải có phản hồi bằng văn bản cho người dân chứ không nên "bỏ xuống gầm bàn" mà làm giảm niềm tin của nhân dân vào chính quyền. 

Vietnamnet cung cấp thêm thông tin cho biết cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, cử tri Nguyễn Hữu Châu (Q.3) cũng bày tỏ quan tâm về vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội. "Vụ việc ở xã Đồng Tâm nếu như không có phản kháng gay gắt của người nông dân và nếu như người đứng đầu TP Hà Nội không trực tiếp đối thoại với dân thì biết bao giờ tiếng nói của dân mới đến tai lãnh đạo thành phố?"

Cùng chung quan điểm với cử tri Nguyễn Hữu Châu, cử tri Lê Văn Sỹ (P.9, Q4) cũng bày tỏ băn khoăn về vụ việc tại xã Đồng Tâm, mặc dù đã được giải quyết nhưng những vấn đề bức xúc về bất cập của luật đất đai vẫn chưa được sửa đổi kịp thời và phụ hợp.

Cử tri này mong muốn trong kỳ họp Quốc hội lần này cần phải đặt vấn đề này lên bàn nghị sự để đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân hiện nay.

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu thực trạng việc khiến kiện, tranh chấp về đất đai đang xảy ra ở nhiều tình thành trên cả nước. Vấn đề quan trọng là phải nắm chắc tình hình, phải hiểu rõ nguyên nhân vì sao để xảy ra tình trạng đó.

Trên cơ sở đó có những đề xuất, giải pháp giải quyết có hiệu quả, có tình, có lý. "Muốn vậy, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời, cũng phải giải thích cho dân hiểu được những chủ trương Chính sách, quyết định của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở để tạo nên sự đồng thuận", Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh phải luôn giữ nghiêm kỷ cương phép nước nhưng đồng thời cũng phải mở rộng dân chủ, phải gần dân, sâu sát dân để lắng nghe ý kiến người dân, tìm hiểu ngọn nguồn nguyên nhân sự việc.

Liên quan đến vụ việc tại xã Đồng Tâm, Chủ tịch nước chia sẻ "Chúng ta cũng không đồng tình với việc gây áp lực bằng cách giữ cán bộ. Nhưng chúng ta phải rút kinh nghiệm việc này. Phải đối thoại, trao đổi với người dân để tạo sự đồng thuận".

Đồng thời, Chủ tịch nước cũng cho biết Trung ương đã có chỉ đạo chính quyền TP.Hà Nội cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao xảy ra tình trạng đó để giải quyết hợp tình, hợp lý, phải lắng nghe ý kiến của người dân đồng thời cũng phải giải thích được cho người dân hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

"Phải gần dân, sát dân, lắng nghe sâu sát nhân dân, thì từ đó mới đạt được sự đồng thuận của người dân. Chúng ta không mong muốn người dân giam giữ cán bộ như vậy, nhưng phải tìm hiểu được nguyên nhân vì sao xảy ra việc người dân bức xúc như vậy để mà mở rộng dân chủ, lắng nghe dân nhiều hơn nữa", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news