Tin mới

Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng đặc khu mà ảnh hưởng đến ANQG thì dứt khoát không làm

Thứ ba, 19/06/2018, 17:35 (GMT+7)

Tại buổi tiếp xúc cử tri là các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, xây dựng đặc khu mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì dứt khoán không làm, còn đã làm thì phải giữ vững được chủ quyền.

Tại buổi tiếp xúc cử tri là các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, xây dựng đặc khu mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì dứt khoán không làm, còn đã làm thì phải giữ vững được chủ quyền.

Chủ tịch Quốc hội nói về dự luật đặc khu và luật an ninh mạng

 Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời cử tri một số vấn đề tại buổi tiếp xúc với cử tri Quân khu 9 ngày 19/6. Ảnh: CT

Ngày 19/6, Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Cần Thơ tiếp xúc với cử tri là các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 9.

Tại đây, Các cử tri đều cho rằng, kỳ họp Quốc hội thứ 5 diễn ra với không khí sôi nổi, dân chủ, các đại biểu đã thể hiện được ý kiến của mình qua hình thức tham luận sang tranh luận; đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, phản ánh được tiếng nói, tâm tư của cử tri.

Trong các nội dung được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này, có hai vấn đề nóng trong nghị trường và cả ngoài xã hội đó là việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và hoãn chưa thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Về Luật Đơn vị hành chính đặc biệt, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vừa qua tại các thành phố lớn, những địa bàn có nhà đầu tư đã xảy ra tình trạng mất an ninh. Qua vụ việc này, Chủ tịch QH nhấn mạnh, người dân có thể góp ý với Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức, nhưng việc nhen nhóm cố tình xuyên tạc sự thật như bán đất, bán nước thì rõ ràng là luận điệu của kẻ thù, một bộ phận nhân dân đã bị lợi dụng lòng yêu nước.

“QH rất biểu dương tinh thần yêu nước, sự quan tâm chính đáng của nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước mà QH đang bàn.

Nhưng đừng để lòng yêu nước đó bị những kẻ lợi dụng dân chủ xuyên tạc, kích động, gây rối, thậm chí là vi phạm pháp luật khiến tình yêu nước bị lợi dụng thành phá hoại đất nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân, phá hoại sản xuất kinh doanh, giao thông bị ách tắc, người dân không yên tâm…

Trong khi QH đã quyết định tạm lùi thời gian thông qua luật và quyết định không quy định trường hợp đặc biệt 99 năm mà áp dụng theo Luật Đất đai hiện hành…", bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc ban hành Luật nhằm xây dựng phát triển kinh tế, tạo vùng động lực để xây dựng đất nước. "Nếu xây dựng đặc khu, ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia thì nhất định không làm. Nếu đã làm thì giữ vững cho được chủ quyền quốc gia và an ninh chính trị của đất nước. Chúng ta đã hy sinh bao nhiêu xương máu và mấy chục năm đổi mới để có được đất nước ngày hôm nay - hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển thì chúng ta đâu có đơn giản đến mức đề ra một luật hay hình thành đơn vị đặc khu để rồi làm cho đất nước khó khăn", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Quốc hội quyết định không quy định trường hợp đặc biệt cho thuê đất 99 năm và lùi lại thời gian thông qua luật để lắng nghe thêm, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân.

Về Luật An ninh mạng, Chủ tịch QH đề nghị cử tri theo dõi xem khi Luật này ra đời rồi thì xem có ai bị hạn chế sử dụng Internet hay không? Muốn hỏi đáp Google vẫn được, muốn lên Facebook vẫn được.

Tuy nhiên đừng lợi dụng những công nghệ thông tin này để phá hoại an ninh quốc gia, phương hại đến chủ quyền đất nước, hoặc là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bất kỳ cá nhân nào là không được.

Còn lại thì được dùng thoải mái. Thế giới dùng cái gì chúng ta dùng cái đó.

Chủ tịch Quốc hội đã đưa ví dụ như vào ngày phán quyết của Tòa án The Hague về Luật Biển, tin tặc đã tấn công trang mạng của Hãng hàng không Việt Nam. Cách đây không lâu, tin tặc vừa cướp sạch tiền từ tài khoản của các khách hàng Agribank.

Theo báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng. Năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng, vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm 2016 và đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong 5 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam. Lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng, khoảng hơn 300%/năm khiến nguy cơ an toàn thông tin mạng đang gia tăng nhanh chóng khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh như vậy, việc Việt Nam xây dựng Luật An ninh mạng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, phạm vi điều chỉnh luật này có 3 nhóm chính: an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Có nghĩa nếu chúng ta nghiêng quá về an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội thì có vi phạm quyền tự do cá nhân trong tiếp cận thông tin hay quyền lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi sử dụng thông tin hay không. Tất cả những cái này đều được tính toán hết đảm bảo không làm ảnh hưởng tới quyền tự do cá nhân.

Và luật này phòng ngừa xử lý đấu tranh đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng là chính, còn nếu sử dụng không gian mạng bình thường thì không ai gây khó khăn. Tức là những hoạt động hợp pháp sẽ được bảo vệ. Các đối tượng thực hiện hành vi tấn công khủng bố mạng, gián điệp mạng, lừa đảo, sử dụng không gian mạng để môi giới mại dâm, vu khống người khác để tung tin đồn nhảm…, Luật này sẽ xử lý.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news