Tin mới

Vụ chùa Bồ Đề: Khi con người “yêu – ghét” cũng thường tình

Thứ ba, 05/08/2014, 12:17 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) – Khi nhà chùa đứng ra làm phúc, từ bi cứu khổ thì được dư luận ca tụng hết lời; thế nhưng khi vướng vào nghi án với những hành động đi ngược lại đạo đức và luật định thì nhà chùa đã bị cả xã hội quay lưng.

(Tinmoi.vn) – Khi nhà chùa đứng ra làm phúc, từ bi cứu khổ thì được dư luận ca tụng hết lời; thế nhưng khi vướng vào nghi án với những hành động đi ngược lại đạo đức và luật định thì nhà chùa đã bị cả xã hội quay lưng.

Trong xã hội hiện nay, với quan niệm từ, bi, hỷ, xả, rất nhiều các nhà chùa thường hay làm việc thiện như cưu mang, cứu vớt tinh thần và thể xác những người gần như tuyệt vọng, gặp khó khăn. Do vậy, trong thực tế,  nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã tìm đến xin nương nhờ cửa phật; gia đình tan vỡ, con bị các bệnh bẩm sinh, có con ngoài ý muốn cũng mang đến chùa gửi. Và không ít trường hợp bỏ con ngoài cổng chùa và được nhà chùa nhận vào. Đó đều được xem là những hành động hết sức nhân đạo.

Lúc đầu khi nhận nuôi các em nhỏ mồ côi, chùa Bồ Đề cũng nhận giúp huyện Gia Lâm lúc đó (nay là quận Long Biên) nuôi những trẻ khó khăn, trẻ tật nguyền do nhiễm chất độc màu da cam do huyện yêu cầu. Càng ngày, tiếng tăm của chùa Bồ Đề càng lan xa và ngày càng có nhiều người tìm đến chùa để nương tựa. Và hơn 20 năm nay, chùa đã trở thành mái ấm cho không biết bao nhiêu trẻ sơ sinh bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ và cả những người già neo đơn.

Và trong mấy ngày gần đây, khi những câu chuyện lùm xùm xung quanh nghi vấn nhà chùa liên đới trong mua bán trẻ em tràn lan trên tất cả các mặt báo thì người ta bắt đầu đề cập tới vấn đề “pháp lý”. Câu hỏi được đặt ra là tại sao, hơn 20 năm nay, nhà chùa vẫn nhận nuôi trẻ lang thang cơ nhỡ thì báo chí lại hết lời ca ngợi, dân tình lại ủng hộ và hết sức đề cao vì cho rằng đó là hành động nhân văn, là biểu hiện cao đẹp của tình người, là hiện thân cho lòng nhân từ, bác ái. 20 năm, pháp lý được đặt ở vị trí nào, sao không có ai đề cập? Phải chăng cái “lý” đã bị che đi, bị làm mờ bởi chữ “tình” và lòng thiện của đấng từ bi.

Khi dư luận dấy lên thông tin nhà chùa là kênh trung gian mua bán trẻ em, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Và trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức của cơ quan điều tra về thực hư và nội tình vụ việc thì Sở LĐTBXH và UBND phường Long Biên đã đưa ra kết luận khẳng định “việc tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em của chùa Bồ Đề là sai quy định tại Nghị định 68 của Chính phủ về điều kiện thành lập và giải thể các cơ sở bảo trợ xã hội”.

Kết luận nêu rõ, theo quy định tại Nghị định số 68 của Chính phủ quy định về điều kiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội thì các tổ chức cá nhân được khuyến khích tham gia vào công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân này phải nuôi dưỡng những trường hợp này theo quy định của pháp luật. Tức là những trường hợp cơ sở nuôi dưỡng từ 10 đối tượng trở lên thì phải lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

Cho tới nay, nhà chùa đang cưu mang hơn 100 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi trong khi chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Như vậy đồng nghĩa với hoạt động của nhà chùa hơn 20 năm nay là sai quy định. Vấn đề là “cái sai” này chẳng có ai nhắc đến cho tới khi xuất hiện nghi vấn nhà chùa mua bán trẻ em gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Trong vụ việc này, những hành vi đúng, sai của nhà chùa sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan chức năng. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng về việc tội trạng sẽ được luận định rõ ràng, minh bạch và công lý sẽ được thực thi. Nhưng còn dư luận thường tình, phải chăng luôn tồn tại cái sự “yêu – ghét” không nhất quán - Khi không có tai tiếng gì thì ca tụng hết lời, khi “có vấn đề” thì lên án đanh thép, kết tội nặng nề.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news