Tin mới

40 giờ lênh đênh trên biển đối mặt với tử thần của 11 ngư dân Bình Định

Thứ tư, 15/07/2015, 15:19 (GMT+7)

Suốt 40 giờ đồng hồ, 11 ngư dân tỉnh Bình Định đã phải chống chọi với sóng biển, gió lớn, cái đói và cái lạnh thấu da thịt.

Sáng nay (15//7), tàu 561 thuộc Vùng 4 Hải quân đã đưa 11 ngư dân tỉnh Bình Định gặp nạn trên vùng biển quần đảo Trường Sa về cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) an toàn.

Trước đó vào tối ngày 9/7, tàu cá QNg 98604-TS do ông Đỗ Văn Thu (trú ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 11 ngư dân, khi đang đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa thì bị sóng lớn đánh chìm tàu.

 

Sáng 15.7, tàu 561 thuộc Vùng 4 Hải quân đã đưa 11 ngư dân cùng quê Bình Định bị nạn ở vùng biển Trường Sa về cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) an toàn.
Sau khi vào bờ, thuyền trưởng Đỗ Văn Thu cho biết, tối 9.7, 11 ngư dân trên tàu cá QNg 98604 TS, trong lúc hành nghề lưới vây gần khu vực đảo Đá Lớn (Trường Sa) thì bất ngờ bị sóng lớn đánh chìm tàu. “Khi nước ập vào tàu, các ngư dân đã cố gắng tạt ra nhưng sóng mạnh khiến tàu chìm dần. Anh em phải bu bám vào một thúng chai, lênh đênh trên biển trong điều kiện thời tiết xấu, “vét” những gói mì còn sót lại để cầm hơi”, ông Thu kể.Sau khi nhận được thông tin, chiều 10.7, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4 và Vùng 4 Hải quân đã phối hợp liên lạc và triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân. Lúc này, tàu cá BĐ 95541 TS đang đánh bắt gần khu vực tàu gặp nạn đã phát hiện, cứu vớt các ngư dân lên tàu và báo với các lực lượng chức năng.Sau đó, tàu 561 của Vùng 4 Hải quân đã tiếp cận và đưa 11 ngư dân lên tàu sơ cứu, chăm sóc sức khỏe và đưa về cảng Cam Ranh.Về bờ an toàn, các ngư dân nhận được sự động viên, tiền hỗ trợ của Vùng 4 Hải quân và tỉnh Bình Định, sau đó, 11 ngư dân đã lên đường về quê.

 

11 ngư dân cứ 15-20 phút lại đổi phiên nhau, 5 người ngồi trên thúng thì 6 người nhảy xuống biển bám mạn thúng. Cứ như vậy suốt 40 giờ đồng hồ, 11 con người chống chọi với sóng biển, gió lớn, cái đói và cái lạnh thấu thịt da...
Từ sáng sớm nay 15/7, dù tàu Khánh Hòa-01 số hiệu 561 của Vùng 4 Hải quân chưa cập cảng Cam Ranh, nhưng lực lượng chức năng, người nhà các ngư dân đã có mặt từ rất sớm để đón 11 ngư dân “từ cõi chết” trở về. Sau 40 giờ đồng hồ chòng chành trên thúng nan, giành giật sự sống giữa biển khơi, 11 ngư dân Bình Định đã trở về đất liền trong vòng tay của người thân.
Trước lúc bị phá nước, tàu cá QNg 98604 TS do ông Đỗ Văn Thu (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng, đã trúng mẻ cá ngừ sọc dưa ước 30 tấn. Tàu dong mũi hướng về đất liền, lên ga chạy nhưng biển đang có gió cấp 7, cấp 8 khiến tàu đi rất chậm.
Ông Thu thuyền trưởng đang đứng ở buồng lái để chạy tàu, trong khi 10 ngư dân khác đang ngủ trong cabin. Ngư dân kể, vào khoảng 20h30 đến 21h ngày 9/7, tàu gặp sóng gió rất lớn. Mũi tàu đang mấp mé nước vì nặng cá, thì bất ngờ một con sóng dữ “táp” trực diện khiến nước ồ ạt tràn vào tàu. Cú vỗ mạnh khiến 10 ngư dân đang ngủ choàng giấc bật dậy.
Lúc này thuyền trưởng Thu hô hoán anh em nổ máy bơm và dùng can nhựa để tát nước ra ngoài. Khi mọi người đang loay hoay tát nước thì ít phút sau một con sóng dữ khác bất ngờ lại “đánh vỗ mặt” khiến tàu cá QNg 98604 TS chao đảo, chòng chành vì “ngậm” nước biển. Tàu phá nước trong tích tắc, 11 ngư dân vơ vội điện thoại, vài gói mì tôm nhảy lên thúng nan.
Sóng to, gió lớn khiến thuyền thúng chẳng khác gì một “vỏ ngao” trên biển. Mọi người hoảng loạn vì sức chứa của thúng nan chỉ được 5 người, 6 người khác phải nhảy xuống biển để bám mạn thúng. Thuyền thúng lênh đênh, chòng chành có lúc tưởng chừng như chìm nghỉm giữa biển.
Ngư dân Lý Văn Tám (39 tuổi, xã Hoài Hương, Hoài Nhơn) kể, sau khi trấn tĩnh, mọi người lục điện thoại để điện về đất liền cầu cứu. Nhưng đa phần điện thoại bị hư hỏng do ướt nước mặn. Mọi người cố gắng lau khô và may mắn một chiếc điện thoại phát tín hiệu. Tiếng cầu cứu hét vang giữa biển. Tuy nhiên, cuộc điện thoại chỉ kéo dài 2 đến 3 phút thì ngắt ngang vì mất sóng.
Ở trên chiếc thúng nan nhỏ bé, lại bị sóng to, gió lớn “oanh tạc” liên hồi nên các ngư dân nhanh mất sức, khát nước. Trên thúng lúc này chỉ có 6 gói mì tôm chẳng thấm tháp gì so với cơn đói kinh hoàng. 11 ngư dân chia thành 2 nhóm, cứ 15-20 phút lại đổi phiên nhau nhảy xuống biển bám thúng một lần. Đêm đến, gió biển nổi lên, cái lạnh “cắt da” cùng cái đói khiến số phận 11 ngư dân như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Không thức ăn, lại mất liên lạc, đã có lúc họ nghĩ đến điều xấu nhất. Đến trưa ngày 11/7, tưởng chừng như đã tắt hi vọng thì các các ngư dân phát hiện có một tàu cá cách đó khoảng 3 hải lý. Hy vọng lại bùng lên, mọi người vỡ òa gồng sức bơi tới gần chiếc tàu cá “hộ mệnh” mang số hiệu BĐ-95541-TS do ông Trương Định (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng.
11 ngư dân vừa bơi, vừa hét. Chiếc tàu cá đã phát hiện ra chiếc thuyền thúng và quay mũi vớt 11 ngư dân lên tàu lúc 13h30 ngày 11/7. “Khi đó chúng tôi mừng đến phát khóc. Có đến 10 người ngất xỉu phần vì đói lạnh, phần vì vui mừng. Chúng tôi được vớt lên và được cho ăn cháo loãng nên hồi tỉnh dần”, ông Tám hãi hùng kể. 11 ngư dân bị nạn sau đó được tàu 641 – Vùng 4 Hải quân tiếp nhận và đưa về đảo Song Tử Tây (thuộc huyện Trường Sa, Khánh Hòa) chăm sóc sức khỏe.
Ông Đỗ Văn Thu, thuyền trưởng tàu cá bị nạn kể, trong cơn đói lạnh giữa biển khơi, ông và các thuyền viên đã hứng nước mưa để uống. Chính những giọt nước mưa quý hiếm đã giúp 11 ngư dân kéo dài thời gian cầm cự, nhất là những người bám thúng lâu dưới biển. “Thời điểm khó khăn nhất, anh em chúng tôi chỉ biết động viên nhau để gắng sức cầm cự”, ông Thu bàng hoàng.
Tại lễ bàn giao trưa 15/7 tại Đồn Biên Phòng Cam Ranh (TP Cam Ranh), Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã động viên 11 ngư dân sớm ổn định sức khỏe, tiếp tục vươn khơi, bám biển. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news