Tin mới

Chuyên gia lý giải việc Hà Nội và TP.HCM đứng đầu danh sách ô nhiễm không khí

Thứ năm, 26/09/2019, 20:41 (GMT+7)

Theo lý giải của các chuyên gia, Hà Nội và TP.HCM bị ô nhiễm nghiêm trọng là do lượng lớn khí thải, bụi thoát ra từ hoạt động sản xuất, giao thông và xây dựng.

Khoảng 10h, ngày 26/9, trang Airvisual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 187 và 172, dẫn đầu danh sách các thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới. Xếp thứ 3 là thành phố Jakarta của Indonesia, quốc gia đang có cháy rừng.

Nói về việc này, trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, bà Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ) nhận định ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM đã đến mức báo động.

Điều này gây hại đến sức khỏe người dân, nhất là người có tiền sử bệnh hô hấp, tim mạch. AQI từ 100 trở lên đã ảnh hưởng đến sức khỏe, nên khi AQI gần ngưỡng 200 thì mức độ gây hại sẽ cao hơn. Nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5 và PM10 có kích thước rất nhỏ, đi sâu vào cuống phổi, gây ra các bệnh về hô hấp.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho rằng, nguyên nhân khiến Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm không khí là do quá tải dân số. Cụ thể, các hoạt động giao thông, sản xuất và xây dựng diễn ra nhộn nhịp đã thải lượng khói bụi lớn lên bầu trời.

"Ô nhiễm không khí tại các đô thị là ô nhiễm tại chỗ chứ không bị tác động từ bên ngoài”, bà Lan phân tích.

Sương mù quang hóa vẫn bao phủ TP.HCM sáng 26/9. Ảnh: Zing.vn

Cùng ngày, trao đổi với PV VOV, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho rằng do thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm nhiều, gây ra hiện tượng sương mù bao bọc toàn TP.

Theo nhận định của Chi cục, không khí Hà Nội sẽ vẫn duy trì ở mức kém trong thời gian tới và phải chờ khi nào có các đợt Không khí lạnh, gió mùa đông bắc thì chất lượng mới được cải thiện.

Theo dự báo của đơn vị, khoảng 10 ngày nữa chất lượng không khí sẽ được cải thiện.

Trước đó, ngày 25/9, trên Tuổi Trẻ cho hay, Trung Tâm quan trắc Tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường) có kết quả báo cáo chất lượng không khí tại TP.HCM trong tháng 9, đặc biệt từ ngày 19 đến 23/9 xảy ra hiện tượng "bầu trời mù mịt".

Về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các chất gây ô nhiễm, theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - môi trường, do hoạt động hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thành phố luôn nhiều mây, không có nắng. Cùng với nền nhiệt độ thấp có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào tạo ra lớp mù.

Ngoài ra, do trời không có nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.

Bên cạnh đó, Trung tâm Quan trắc tài nguyên - môi trường bác nguyên nhân ô nhiễm không khí tại TP.HCM do ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news