Tin mới

Chuyện "kinh thiên động địa" ở Hội đồng nhân quyền LHQ: Động cơ của Mỹ là gì?

Thứ sáu, 22/06/2018, 21:12 (GMT+7)

Trong thời gian 10 năm hoạt động đầu tiên (2006 đến 2016), hội đồng nhân quyền thông qua 135 nghị quyết thì 68 nghị quyết trong số đó có nội dung phê phán Israel.

Trong thời gian 10 năm hoạt động đầu tiên (2006 đến 2016), hội đồng nhân quyền thông qua 135 nghị quyết thì 68 nghị quyết trong số đó có nội dung phê phán Israel.

Chuyện

Quyết định tất yếu của Mỹ

Quyết định của Mỹ rút khỏi Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) không gây bất ngờ bởi từ năm ngoái Mỹ đã đề cập đến việc này.

Nó thậm chí còn lô gic và không thể khác từ khi chính quyền mới ở Mỹ để cho khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" chi phối định hướng Chính sách đối ngoại.

Hội đồng nhân quyền của LHQ có 47 thành viên được bầu cho nhiệm kỳ 3 năm, cơ cấu thành viên được phân bổ tỷ lệ theo khu vực địa lý, tức là các thành viên LHQ ở cùng khu vực địa lý tự cùng nhau lựa chọn đại diện cho họ trong hội đồng.

Như thế cũng còn có nghĩa là Mỹ không thể cản được những thành viên LHQ ở khu vực địa lý khác mà Mỹ không thân thiện trở thành thành viên của hội đồng. Hội đồng nhân quyền của LHQ được thành lập năm 2006.

Từ đó đến nay, chưa có thành viên nào tự rút khỏi hội đồng. Năm 2011, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã biểu quyết khai trừ Libya. Vì thế, việc Mỹ quyết định rút khỏi hội đồng là chuyện "kinh thiên động địa" đối với hội đồng.

Mỹ biện minh cho quyết định nói trên bằng lập luận cho rằng trong hoạt động từ khi được thành lập đến nay, hội đồng này quá thù địch Israel và nhẹ tay với những thành viên LHQ mà Mỹ cho rằng có nhiều vi phạm nhân quyền.

Từ góc độ số liệu thống kê thì điều này không đến nỗi sai. Theo tổ chức phi chính phủ UN Watch, trong thời gian 10 năm hoạt động đầu tiên (2006 đến 2016), hội đồng này thông qua 135 nghị quyết thì 68 trong số đó có nội dung phê phán Israel.

Chỉ có điều là ở đây Mỹ phớt lờ thực tế là Israel bị phê phán trong hội đồng không phải vô cớ mà vì những vi phạm nhân quyền thật sự trên thực tế. Trong HĐBA LHQ cho tới nay, Mỹ đã phủ quyết không biết bao nhiêu dự thảo nghị quyết với nội dung phê phán Israel.

Ở đây, không phải Mỹ không nhận thấy những vi phạm nhân quyền của Israel mà mục đích của Mỹ là bảo vệ và che chắn cho Israel bằng mọi giá cũng như "ganh tỵ" là Israel bị phê trách nhiều trong khi một số nước khác bị hội đồng phê trách ít hơn.

Nguyên do thực sự

Israel chỉ là cái cớ. Thực chất, quyết sách này cho thấy quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ là không coi trọng và tôn trọng các thể chế đa phương trên thế giới, là chủ trương hạn chế sự tham gia và đóng góp tài chính của Mỹ cho hoạt động của các tổ chức, thể chế đa phương quốc tế, là định hướng chính sách nước Mỹ biệt lập với thế giới.

Vì "Nước Mỹ trước hết" mà chính phủ sẵn sàng chấp nhận "Nước Mỹ một mình".

Chuyện kinh thiên động địa ở Hội đồng nhân quyền LHQ: Động cơ của Mỹ là gì? - Ảnh 2.

Vì "Nước Mỹ trước hết" mà chính phủ sẵn sàng chấp nhận "Nước Mỹ một mình". Ảnh: Jabin Botsford/ Getty Images

Trong gần 500 ngày cầm quyền ở Mỹ đến nay, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Paris của LHQ về bảo vệ khí hậu trái đất; rút Mỹ khỏi tổ chức UNESCO; giảm bớt đóng góp tài chính của Mỹ cho các hoạt động chung của LHQ như thực thi các sứ mệnh gìn giữ hoà bình hay quỹ trợ giúp người Palestin (UNRWA); rút Mỹ khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) được HDBA LHQ phê chuẩn.

Chính quyền mới ở Mỹ luôn không giấu diếm gì quan điểm thái độ coi thường LHQ và các tổ chức, thể chế quốc tế đa phương khác.

Điều này cũng có thể thấy được tại hội nghị cấp cao của nhóm G7 mà Mỹ là thành viên mới đây ở Canada.

Bản thân ông Trump đã có quan điểm như thế. Hai cộng sự thân cận của ông Trump là cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và đại sứ Mỹ tại LHQ Nikky Haley là hai người chẳng khác gì thù địch với Hội đồng nhân quyền của LHQ.

Bởi vậy, việc Mỹ rút khỏi hội đồng này chỉ còn là vấn đề thời gian. Đáng chú ý là Mỹ quyết định rút khỏi hội đồng vào đúng thời điểm chính quyền của ông Trump bị phê phán nặng nề và lên án mạnh mẽ về chính sách đối với người nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ, cụ thể là việc tách trẻ em với bố mẹ đối với diện người này.

Biện pháp chính sách này bị dư luận thế giới, chính phủ nhiều nước và cả LHQ coi là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bị phê phán và lên án.

Nó xác nhận một cách không chính thức rằng không phải lý do nhân quyền mà mục đích chính trị mới có tác động quyết định nhất đối với việc Mỹ rút khỏi hội đồng.

Mỹ tự tách biệt thêm với thế giới và bị cô lập thêm trên thế giới. Cho đến thời điểm hiện tại chỉ thấy có phía Israel ủng hộ Mỹ.

Quyết định ấy làm cho vai trò và ảnh hưởng của Mỹ chỉ có thể suy giảm chứ không thể tăng được thêm..

Không có Mỹ, hội đồng này vẫn tiếp tục hoạt động theo đúng tôn chỉ của nó và việc Mỹ rút khỏi hội đồng không làm cho hội đồng này bị tê liệt.

Hoạt động của hội đồng vẫn được gần như tất cả các thành viên LHQ hậu thuẫn kể cả khi không phải là thành viên của hội đồng. Điển hình nhất là Nga.

Từ năm 2016, Nga không còn là thành viên của hội đồng nữa nhưng Nga vẫn tiếp tục đóng góp tích cực và tham gia một cách xây dựng vào mọi hoạt động của hội đồng.

Dù vậy, việc Mỹ rút khỏi hội đồng vẫn là nguyên cớ và dịp để hội đồng này nhìn lại chính nó và làm những gì cần phải làm nhằm mục đích hoạt động hiệu quả thiết thực hơn trong tương lai.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đại sứ Trần Đức Mậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news