Tin mới

Chuyện lạ “người rừng” biết nói tiếng Anh, hát nhạc trẻ ở Gia Lai?

Thứ năm, 10/07/2014, 13:55 (GMT+7)

Người rừng” trốn trong mấy ngọn núi đá cách xa làng, thấy người lạ là phóng nhanh vào rừng. Nhiều người dân ở đây hơn cả chục năm nay nhưng chưa bao giờ gặp “người rừng” mà chỉ nghe kể lại! Người bảo người rừng là kẻ điên vì bị ép cưới vợ, người bảo nó không muốn về nhà mà chỉ muốn sống trong hang đá như thuở hồng hoang.

"Người rừng” trốn trong mấy ngọn núi đá cách xa làng, thấy người lạ là phóng nhanh vào rừng. Nhiều người dân ở đây hơn cả chục năm nay nhưng chưa bao giờ gặp “người rừng” mà chỉ nghe kể lại! Người bảo người rừng là kẻ điên vì bị ép cưới vợ, người bảo nó không muốn về nhà mà chỉ muốn sống trong hang đá như thuở hồng hoang.

 

Theo dấu

Đó là những lời kể của những người dân sống ở làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, H. Phú Thiện, Gia Lai) khi nói về “người rừng” đang sống ở ngọn núi cách làng vài cây số. Đứng ở làng có thể thấy những ngọn núi đá sừng sững nhô ra bên kia con sông Ayun mùa này ngập nước.

“Trời nắng đứng ở đây có thể thấy “người rừng” lâu lâu lại leo lên mỏm núi đá phơi nắng, nó đứng nhìn về phía làng trong hàng giờ đồng hồ liền. Chỉ thấy nó mặc mỗi cái quần đùi và tóc nó để đầy sau lưng nhưng gặp được nó khó như tìm con dúi vào mùa khô vậy” - Oi Phơr, người làng Plei Ơi kể. Và “người rừng” không phải ai xa lạ mà chính là một người dân của làng Plei Ơi: Siu Broang (36 tuổi).

Nơi ngọn núi đá “người rừng” hay đứng ngóng về làng Plei Ơi người dân trong làng vẫn thường gọi là ngọn “núi đá cao”. Bởi ngọn núi này còn cao hơn cả ngọn núi đá Chư Tao Yang nơi cất giấu thanh gươm thần của Vua Lửa nằm gần đó. Thế nhưng, chỗ ở của “người rừng” thì vẫn còn ẩn số đối với người dân, bởi trước đây “người rừng” thường lang thang ở khu vực lòng hồ Ayun Hạ nhưng sau đó lại chuyển đến các ngọn núi cách làng Plei Ơi một con sông lớn. “Chúng mày muốn gặp nó phải vượt sông thôi! Mà chúng mày khó tìm được nó lắm, đến tao còn chưa gặp được nó nữa mà” - Oi Phơr nói khi biết chúng tôi quyết tâm tìm “người rừng”.

Gương mặt khá điển trai của “người rừng” Broang

Con sông Ayun đầu mùa mưa dù nước chưa lớn nhưng đủ sâu ngập đầu người, tôi cùng 2 đồng nghiệp khác buộc phải bỏ máy móc lỉnh kỉnh lại bên kia bờ sông nhờ người trông coi và chỉ cầm theo 1 chiếc máy ảnh nhỏ. Bên kia bờ sông là những vách đá dựng đứng nên chúng tôi phải bơi hơn trăm mét mới tìm được bãi đất bồi để lên bờ.

Mặc áo quần ướt sũng, chúng tôi men theo bờ suối tìm cách tiếp cận các ngọn núi đá nghi nơi trú ở của người rừng trong các hang đá. Đi được 50m, những dấu chân trần in dấu trên cát mà chúng tôi nghi của “người rừng” vẫn còn rõ. “Có lẽ người rừng ở gần đâu đây?” - một đồng nghiệp đi cùng nghi vấn.

Chúng tôi tiếp tục lần theo những con đường mòn từ bãi cát dưới sông, băng qua những bụi cây gai leo lên khu vực có nhiều ngọn núi đá. Sau hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi im lặng, đi khẽ từng bước chân qua các núi đá tránh làm “người rừng” hoảng sợ bỏ trốn vào rừng sâu nhưng tuyệt nhiên vẫn chưa thấy bóng dáng “người rừng” đâu.

Tưởng như lời cảnh báo của Oi Phơr là sự thực khi chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy một bóng người nào…thì bất ngờ chúng tôi bắt gặp những chiếc tô, chai nhựa được vứt lăn lóc dưới một ngọn núi đá. Một con đường mòn cắt qua những bụi le dẫn lên núi chứng tỏ hằn những dấu chân người đi. Chúng tôi im lặng nối gót nhau và giữa khe núi hẹp thành một hang núi nhỏ một mái tóc dài rối xù hiện ra giữa đống chăn, áo quần cũ nhàu. 

Những chiếc tô, hộp nhựa được tìm thấy gần nơi “người rừng” ở

Chuyện lạ về “người rừng”

Trái hẳn với ý nghĩ của chúng tôi về một “người rừng” mang bản năng hoang dã nhưng “người rừng” chúng tôi gặp chỉ tỏ ra run rẩy, hơi hoảng sợ. Mấy lần nhổm dậy định tung người chạy ra ngoài, nhưng chỉ có lối độc đạo phía trước đã có chúng tôi đứng nên “người rừng” cuốn tấm chăn kín người rồi bò sâu vào phía trong. Đó là một thanh niên người Gia Lai khỏe mạnh, trên người mặc độc chiếc quần đùi và râu tóc dài phủ gần kín khuôn mặt.

Khi anh bạn đồng nghiệp cất tiếng chào của người Gia Lai, “người rừng” bỗng thốt ra một tràng tiếng Gia Lai. Thi thoảng “người rừng” cất tiếng cười to sau những tràng nói không đầu không cuối khiến đôi lúc chúng tôi giật mình. Khi chúng tôi cất tiếng hỏi: “Broang, sao mày không về làng? Mày nhớ nhà, nhớ bố, mẹ, nhớ vợ, nhớ con không?” thì đôi mắt Broang như đượm buồn rồi tiếp tục cất tiếng cười vô hồn. Trong câu chuyện với người rừng Broang thì đáp lại những câu hỏi chỉ là những câu trả lời vô nghĩa, không đầu không cuối và đủ thứ tiếng Kinh, tiếng Gia rai và đôi lúc những từ tiếng phát âm như tiếng Anh, tiếng La-tinh.

Quay về xã Ayun Hạ, ông Phạm Tiến Luận - Trưởng CAX Ayun Hạ cho biết, chuyện người rừng Broang thì mình biết rồi. Đã tổ chức anh, em vào vận động đưa Broang về nhưng nó không chịu về. Khi chúng tôi đặt câu hỏi liệu “người rừng” Siu Broang có bị tâm thần hay không thì ông Luận cho hay: “Mình gặp nó thì nó nói chuyện bình thường mà nhưng đôi lúc nó nói nhiều từ lạ lắm, phát âm như tiếng Anh, tiếng Pháp. Gặp mấy anh nó không chịu nói chuyện đâu, chỉ nói tiếng Gia Lai nó mới nói chuyện thôi”.

Điều ngạc nhiên nữa đến với chúng tôi, dù sống cách xa làng Plei Ơi, sống khép kín từ chối mọi thứ văn hóa nhưng chuyện gì quan trọng trong làng “người rừng” đều biết. “Một hôm anh, em tổ chức vào tìm gặp để vận động Broang về nhưng nó không chịu về, ngồi nói chuyện một lúc thì nó bảo trong làng có người mới chết đó! Mình cũng không biết mà hỏi người làng đi cùng cũng không biết. Đến khi về lại mới biết trong làng có người vừa mới mất thật!” - ông Luận kể lại.

“Chiều khoảng 15 giờ thì dân làng thấy thằng Broang về ngồi bên mộ vua Lửa đời thứ 13 Siu Nhót, thấy lạ nên tôi cùng dân làng đi ra thì thằng Broang nó ngồi bên mộ nói: Ngày mai huyện làm thủ tục chuyển gươm thần đi đó. Trong khi đó mình làm ở xã mà có biết đâu. Hỏi ra hôm đó là ngày định tổ chức chuyển gươm của huyện nhưng sau đó hoãn lại”, ông Rơmah Thuyn – Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ vừa là người làng Plei Ơi kể lại.

“Thằng Broang nó giận bố, mẹ nó vì ép nó cưới vợ là người nó không ưng cái bụng. Thế nên, cưới vợ xong có được một đứa con thì nó bỏ đi lang thang vào rừng, sống như con thú. Nó không muốn về nhà đâu, dù dân làng, anh, chị em nó cũng như chính quyền lên động viên nó nhiều lắm. Giờ chỉ có em nó, cháu nó bới cơm nó mới ăn thôi” - anh Rơmah Thuyn kể.

Mang câu chuyện của “người rừng” Broang bỏ làng, bỏ vợ, con sống như con thú hoang trong rừng hỏi khắp làng Plei Ơi nhưng không ai giải thích nổi. Chính chúng tôi cũng vậy, câu hỏi vì sao một người thanh niên khỏe mạnh sống một mình trong hang núi, từ chối mọi thứ văn minh khác, không qua một lớp học nào nhưng có thể phát âm vài từ tiếng Anh và hát những bài hát nhạc trẻ về tình yêu cứ ám ảnh mãi.

Theo Báo Công an Đà Nẵng

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news