Tin mới

Chuyện ly kỳ ở nơi muốn lấy vợ người phải bốc mộ cho chồng cũ

Thứ tư, 26/03/2014, 16:43 (GMT+7)

Đến nay, người ta vẫn truyền nhau câu chuyện về người đàn\nông vì muốn lấy góa phụ đã phải chịu bốc mộ cho chồng cũ của người đàn bà trong\nbúa rìu dư luận...

Đến nay, người ta vẫn truyền nhau câu chuyện về người đàn ông vì muốn lấy góa phụ đã phải chịu bốc mộ cho chồng cũ của người đàn bà trong búa rìu dư luận...

Những câu chuyện về cuộc sống hôn nhân, gia đình ở ngôi làng Bướm của vùng đất Bảo Lâm thật nhiều ly kỳ.

Muốn lấy vợ người phải bốc mộ cho chồng cũ!?

Tới làng "Bướm", theo cách gọi của người dân xã Bảo Lâm (TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), không khó để được nghe những câu chuyện có thật mà như mơ.

Theo lời ông Trần Quốc Hội (50 tuổi, TP. Bảo Lộc) thì khi hỏi thăm đến làng "Bướm" hay làng có "Đường cụt", bao giờ khách lạ cũng sẽ được người dân hỏi lại: "Có phải là người quen của ai lâu ngày ghé lại không... Chứ làng này người ta đến ở rồi bỏ đi có thấy ai quay về đây lập nghiệp đâu?!". Điều này quả không sai khi chúng tôi dừng xe trước địa phận làng “Bướm” và trò chuyện cùng bà chủ quán nước Nguyễn Thị Linh (71 tuổi).

Khi nghe tôi hỏi tin đồn về lời thách đố từng xảy ra ở làng: "Muốn lấy vợ của người đàn ông đã chết, anh ta buộc phải bốc mộ người chồng cũ của người góa bụa là có thật hay không?". Tôi chưa dứt câu hỏi, bà Linh đã đáp ngay: "Cô có tin không? Tôi nói cho cô biết là hoàn toàn có thật đấy...!". Bà Linh cho biết chính bà là dì họ của anh Nguyễn Tuấn Kh. (SN 1960), người đàn ông chịu bốc mộ, rửa xương cho chồng của người góa phụ.

Bà Linh kể lại: "Ngày đó, ở đây có cô gái Trần Thị D. (SN 1965, quê Thanh Hóa) vào làm kinh tế mới. Nghe nói, D. là người ở huyện vùng núi xứ Thanh nên nhan sắc hơn người. Chẳng bao lâu vào vùng đất hoang sơ này, D. lấy chồng tên Nguyễn Văn C. (SN 1960), anh ta là con trai thứ trong một gia đình giàu có ở Quảng Ngãi vào nhập cư. Thế nhưng, sau khi lấy nhau sinh được 3 người con, anh C. bỗng gặp tai họa do bị người anh họ lỡ tay bắn chết.

Chuyện ly kỳ ở nơi muốn lấy vợ người phải bốc mộ cho chồng cũ
Bà Nguyễn Thị Linh đang kể lại câu chuyện của vợ chồng chị D. - Ảnh: H.Trần.

Sau khi để tang chồng 3 năm, chị D. xin bố mẹ chồng cho phép về quê để sinh sống, phần khác muốn được tái giá để có người gánh vác việc gia đình. Mặc dù là gái 3 con song trông người góa phụ lúc nào cũng tươi tắn, khỏe khoắn. Thời gian đó, trong xã có rất nhiều cán bộ biên phòng về đóng quân làm kinh tế mới ngỏ ý muốn gây dựng gia đình với D. Nhưng  gia đình nhà chồng D. rất khắt khe trong việc cho con dâu tái giá, vì sợ xảy ra cảnh cha dượng mâu thuẫn với con riêng của vợ.

Do vậy, bố mẹ chồng chị D. nhất quyết không cho con dâu lấy chồng mới. Họ ra điều kiện ai muốn lấy chị D. thì phải tự tay "bốc mộ, rửa xương" cho con trai họ đã chết mới bằng lòng. "Cứ tưởng sự thách thức ngạo mạn của bố mẹ chồng sẽ khiến chẳng ai dám nhận lời làm cái việc nghịch đời như vậy. Nhưng thằng Kh. khi ấy là bộ đội xuất quân lại nhận lời làm để được lấy D. Sau việc thằng Kh. bốc mộ rửa xương cho C. thì cả làng bàn tán ngược xuôi...", bà Linh thở dài cho biết.

Hoàn thành việc “thách cưới" của bố mẹ chồng chị D., anh Kh. tiếp tục bị ép phải "chôn mộ chồng cũ trước nhà" để lo hương khói. Việc làm này đi ngược hoàn toàn với sự cấm kỵ về phong tục người xưa. Làm như vậy, nghĩa là nỗi đau luôn hiện hữu trước mắt cặp vợ chồng mới. Vì thế nên anh Kh. và chị D. phải cúi lạy rất lâu trước mặt bố mẹ chồng cũ để xin được chôn tiểu của chồng cũ sau nhà. Chuyện  anh Kh. lấy được vợ nhờ phục tùng điều kiện của bố mẹ chồng góa phụ đã trở thành chủ đề được bàn luận nhiều ngày với người dân nơi đây. Có người khen ngợi, có kẻ nói anh Kh. điên rồ, "trai "tơ" lấy góa phụ mà phải chịu nhục"...

Làng của những phụ nữ không chồng

Bà Linh kể tiếp: "Chính vì vậy, sau khi nên duyên được vài năm, hai vợ chồng D. lấy lý do ra thành phố làm ăn để bán ngôi nhà. Còn ngôi mộ anh chồng cũ được dịch chuyển ra xa sau vườn của ngôi nhà để chủ mới không bị ám ảnh".

Dứt câu chuyện về anh Kh., chị D., bà Linh quay lại lý giải về cái tên làng có con "Đường cụt", ngôi làng "Bướm" (ám chỉ nhiều đàn bà - PV): "Gọi tên như vậy là bởi vì ngôi làng này nằm trên một con đường dài ngoằn ngoèo đi vào núi rừng và cụt ở các thung lũng, như số phận ngắn duyên đứt đoạn của nhiều phụ nữ trong vùng".

Được biết, trong làng có nhiều gia đình ly hôn, rồi vợ chồng bỏ nhau ly biệt. Hàng năm, có thêm nhiều cô gái và phụ nữ lỡ thì từ các tỉnh phía Bắc về đây làm mướn mưu sinh. Tuy nhiên, cứ ngụ cư được vài năm họ lại rời làng ra đi. Còn nếu ở lại thì có gia đình, rồi người đàn ông lại đi biệt tích bỏ lại những người phụ nữ và con trẻ.

Theo tìm hiểu từ nhiều người dân nơi đây, làng "Bướm" chủ yếu là dân nhập cư từ đủ các tỉnh về đây. Vì lẽ đó, làng có nhiều bản sắc, quan điểm văn hóa sống khác nhau. Vì lẽ đó nên, làng cũng gắn với nhiều những câu chuyện dường như không tưởng với người dân nơi đây như: Có những mối tình sâu sắc đến độ "không tưởng" của chị D. và anh Kh. hay một ông lão quyết ly hôn vợ ở tuổi 72, một anh chàng hàng xóm công khai Ngoại tình với vợ bạn thân và rất nhiều các cô gái trẻ tận vùng núi phía Bắc ở Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn dạt về xóm núi tìm kiếm mảnh tình vắt vai.

Nhưng rồi, những người đàn ông không bao giờ ở lâu với họ. Chỉ còn phụ nữ và trẻ con côi cút trong những căn nhà bên sườn núi. "Người dân chúng tôi ở đây tin rằng, mảnh đất với con đường cụt dẫn vào rừng này không dành cho đàn ông và những cuộc sống gia đình hạnh phúc, vì thế chỉ thấy đám phụ nữ tìm về đây mưu sinh rồi ở lại. Trong làng có nhiều chuyện tình oan trái, nhiều gia đình tan vỡ, bất hạnh vì chuyện tình cảm. Nhiều cặp vợ chồng rời làng đi làm ăn thì chẳng quay về nữa", bà Linh kể bằng giọng buồn buồn.

"Ở đây người ta lấy nhau cũng dễ dàng lắm, chỉ cần ưng là về ở với nhau ngay. Nhưng không lâu sau cái ưng đó lại lập tức chuyển sang chán chường, chia tay. Gần đây, chính quyền xã, chị em phụ nữ  đang phát triển mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa, lối sống văn minh phù hợp với phong tục người Việt để đẩy lùi những chuyện oan trái cho các gia đình. Hiện nay, nhận thức của người dân đang ngày một tốt hơn, sống có chuẩn mực hơn. Đây cũng là những biến chuyển mới của làng với mong muốn ngôi làng “Bướm” sẽ có thêm nhiều đàn ông, nhiều gia đình sống hạnh phúc bên nhau", ông Hoàng Minh Triển, trưởng thôn chia sẻ.

Luật không có quy định

Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn luật sư TP.HCM, chia sẻ: “Trong Luật hôn nhân và gia đình không có quy định nào về việc người phụ nữ có chồng chết muốn tái hôn buộc anh chồng mới phải cải táng cho người chồng cũ. Đối với mặt đạo đức, phong tục người Việt, việc bắt buộc hay thách thức của nhà chồng cũ chị D. hoàn toàn không hợp đạo lý, đó là một hành động dồn ép con dâu và chồng mới vào thế đường cùng không còn lựa chọn khác. Còn nếu, việc anh chồng mới tự nguyện cải táng bốc mộ chồng cũ của vợ thì thật sự đây là một việc làm xuất phát từ lòng nghĩa, đáng khâm phục. Tuy nhiên, ở xã hội chúng ta rất hiếm trường hợp như vậy”.

Phấn đấu xây dựng làng văn hóa

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nhịp, cán bộ phụ nữ xã Bảo Lâm cho biết: "Tên làng "Bướm" là theo cách gọi của người dân tự đặt chứ còn tên địa chính gọi là thôn 7.

Hàng chục năm nay, nhiều gia đình trong làng không có đàn ông bởi tình trạng ly hôn quá nhiều. Ngoài ra, có nhiều hộ gia đình sống trong cảnh rạn nứt, nhiều cặp vợ chồng lấy nhau không tìm hiểu kỹ dẫn đến chuyện ly tan. Hiện cán bộ xã đang tích cực vận động, tuyên truyền bà con tổ chức, sắp xếp lại lối sống có văn hóa, gia đình văn hóa nhằm xóa bỏ những giai thoại không hay về làng. Đồng thời, phấn đấu xây dựng làng văn hóa theo những khu phố văn hóa, làng văn hóa của người Việt hiện nay ở các vùng trong cả nước".

Nguồn: Đời sống pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: ly kỳ