Tin mới

Chuyện thần kỳ cả gia đình tâm thần lần lượt tỉnh táo trở lại

Thứ năm, 13/03/2014, 14:04 (GMT+7)

Những nỗ lực của người mẹ già đã được đền đáp, không biết nhờ khấn vái hay thuốc thang mà bệnh tình của hai người con bà là Phúc và Phương có chiều hướng thuyên giảm.

Những nỗ lực của người mẹ già đã được đền đáp, không biết nhờ khấn vái hay thuốc thang mà bệnh tình của hai người con bà là Phúc và Phương có chiều hướng thuyên giảm.

Số phận bất hạnh làm dâu gia đình “điên di truyền”

Đối với người địa phương, không ai không biết đây là gia đình mang tiếng “bị chứng bệnh tâm thần di truyền qua nhiều đời”. Gia đình có 7 người con thì có đến 4 người bị bệnh điên. Nhưng cũng thật lạ lùng ở chỗ, không ai có thể lí giải được chuyện những thành viên mắc bệnh tâm thần trong nhà bà Muôn nhờ đâu mà lần lượt khỏi bệnh. Họ lập gia đình, biết làm ăn và giúp đỡ gia đình khiến cả TP.Huế xôn xao bàn tán suốt thời gian gần đây.

Bà Muôn cho biết, mình sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc xã Thủy Phương (thị xã Hương Thủy). Được người thân mai mối lên thành phố để lấy chồng với hy vọng cuộc sống được đổi thay, bà Muôn quen biết người chồng trước đây chưa đầy một tháng, đã gật đầu đồng ý tiến tới hôn nhân.

Chuyện thần kỳ cả gia đình tâm thần lần lượt tỉnh táo trở lại-1

Bà Muôn và một người con bị tâm thần

Lập gia đình không lâu, bà Muôn thấy chồng mình có biểu hiện lạ, thường mất ngủ, lại hay nói nhảm. Sau khi đứa con đầu lòng của hai vợ chồng chào đời, bà Muôn thấy chồng mình càng biểu hiện rõ hơn những triệu chứng của bệnh tâm thần. Người vợ trẻ rầu rĩ khóc  lóc, định bỏ về nhà bố mẹ ruột nhưng “xuất giá tòng phu”, lại vì con nên nhắm mắt ở lại nuôi chồng, nuôi con.

Thời gian trôi qua, bệnh tình chồng bà Muôn, ông chồng Hồ Ngọc Lơi cứ “lúc say lúc tỉnh”. Sợ nhất là thói quen vào ban đêm, khi cả nhà đã ngủ, ông lại thức dậy đun nước, đun cho đến lúc nào nước cạn khô mới thôi. Người đàn ông bệnh tật tuy vậy nhưng cũng rất tốt bụng, ông thường xuyên giúp đỡ tiểu thương chợ An Cựu lượm rác, phụ giúp dọn hàng hóa. Trong cuộc sống gia đình, bà Muôn vẫn được chồng khi tỉnh táo quan tâm, thương yêu, bà kể: “Vợ chồng tui có tất cả 7 đứa con, lúc đứa con trai út ra đời gần 20 năm trước cũng là lúc bệnh tình ông ấy nặng hơn. Ông thường bỏ nhà đi hoang khắp nơi. Cùng thời gian này, hai con gái của tôi là Hồ Thị Thanh Phương (SN1986) cũng đã lâm bệnh trầm trọng và Hồ Thị Kim Anh (SN 1987) có dấu hiệu của bệnh tâm thần nhẹ”.

Đến ngày 14/4/2012, chồng bà Muôn không nói không rằng, tự đạp xe xích lô của một người làm nghề đạp xe thồ ở chợ An Cựu chở vị khách đang có thai đi nhà thờ khiến cả khu chợ náo loạn tìm xe. Tuy nhiên chính ông Lơi lại tự đem xe về trả khiến ai nấy đều bất ngờ. Về nhà, ông Lơi còn cho chủ xe 10 nghìn đồng, còn 10 nghìn ông mua thức ăn cho 2 đứa con gái cùng cảnh điên. Trưa hôm sau, người ta phát hiện xác ông trên mặt hồ nước tại công viên Tôn Đức Thắng, cách nhà gần 1km. Cơ quan chức năng kết luận ông chết do tự tử.

Quá khứ gia đình có nhiều người điên hơn người tỉnh

Người chồng qua đời, bờ vai người vợ góa thêm chồng chất nỗi đau. Hôm đưa tang ông, một bên là quan tài chồng, một bên là 2 đứa con điên, mỗi đứa một góc nhà. Những đứa con bà Muôn nhìn quan tài cười khúc khích, lúc hét lên ghê rợn, càng làm cho ngôi nhà nhuốm màu thê lương, tang tóc.

Bà Muôn nhớ lại, đứa con gái Hồ Thị Thanh Phương vốn là cô bé hiền lành, học giỏi, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó phải nghỉ học từ năm lớp 2. Năm 13 tuổi, cô gái có dấu hiệu phát bệnh. Tuy vậy, hàng ngày Phương vẫn cần mẫn bán bánh mì, giúp việc tại quán ăn ở chợ An Cựu. Năm 19 tuổi, Phương trót dại mang thai sau mối tình vụng trộm với thanh niên gần nhà. Bất hạnh hơn, bố đứa bé sau đó phải vào tù vì tội trộm cắp tài sản nên Phương đành chấp nhận phận gái “không chồng mà vẫn có chửa”, đơn thân nuôi con.

Lúc đứa bé được 5 tháng tuổi, ông bà nội xin đưa hai mẹ con Phương về chăm sóc. Về nhà chồng được vài ngày, Phương phát bệnh tâm thần, bỏ con bỏ nhà đi lang thang. Có lần, cô gái nhảy từ tầng hai của nhà xuống đất nhưng may mắn chỉ bị trầy xước nhẹ. Cũng do bệnh tật, nhiều lần Phương tìm đến sông An Cựu trước mặt nhà tự tử nhưng được can ngăn kịp thời. Chua xót hơn, người chồng không cưới của Phương sau khi mãn hạn tù cũng trở nên “tưng tửng”, suốt ngày cười nói nhảm. Thế là bà Muôn lại phải tần tảo nuôi thêm đứa con rể bệnh tật.

Ở góc giường ngủ nhà bà Muôn còn có thêm phận người đáng thương. Con trai bà, anh Hồ Ngọc Phúc (SN 1988) bị xích hai chân cũng bởi do mắc bệnh tâm thần, thường quậy phá. Trước đó, Phúc là thợ sửa xe máy, cửa hàng nằm ngay trung tâm chợ An Cựu. Bà Muôn trải lòng, từ lúc hay tin cha chết ở hồ nước trong công viên, Phúc từ bình thường đột ngột xuất hiện những triệu chứng bệnh lý y hệt cha mình. Đúng ngày cúng lễ 49 ngày mất của cha, Phúc lên cơn điên dữ dội, đập phá hết đồ đạc trong nhà. Điểm trùng hợp khác lạ nữa, Phúc cũng nhiều lần tìm ra khúc sông trước nhà tự tử bất thành giống như chị gái mình.

Nheo mắt ngước nhìn những đứa con mắc bệnh, bà Muôn nói lòng thắt đau. Bà thổ lộ bản thân mình đang mắc bệnh gai cột sống nhưng phải cố xin vào rửa chén bát ở các nhà hàng kiếm ít tiền nuôi các con. Niềm hy vọng duy nhất của bà Muôn là hai đứa con út Hồ Thị Kim Ánh (SN 1994) và Hồ Ngọc Thắng (SN 2000) đang còn tuổi ăn học. Thường ngày, bà Muôn thức dậy từ 2h sáng, giặt giũ quần áo cho các con đến sáng rồi đi làm luôn. Trong căn nhà tuềnh toàng, ẩm thấp, nồng mùi xú khí càng làm bầu không khí ngột ngạt, u ám hơn. Đã lâu lắm rồi, người đàn bà ấy không có nổi giấc ngủ ngon.

Con gái cả bà Muôn là chị Hồ Thị Lộc (SN 1980) vốn lanh lợi, xinh đẹp nhưng vì gia đình nên nay vẫn chưa chồng. Nhiều chàng trai theo đuổi nhưng chị Lộc quyết không lập gia đình, dành thời gian chăm các em và mẹ già. Từ ngày các em bị điên loạn, chị Lộc thi thoảng phải ra chợ mua thêm còng, xích sắt về xích các em. “Mỗi đứa xích ở một góc nhà để chúng không đánh đấm nhau. Nói thì người ta bảo mình mê tín, nhưng có lẽ kiếp trước gia đình tôi đã mắc tội gì đó nên giờ mới bị quả báo như vậy”, chị Lộc ngậm ngùi tâm sự.

Kì lạ những người điên bỗng dưng khỏi bệnh

Lí giải theo mặt tâm linh, bà Muôn cho hay, khi chồng mình qua đời, có người đoán mò dưới nền nhà sót lại hài cốt và chính những “vong hồn” này đã quấy phá khiến con cái bà Muôn lần lượt mang bệnh. Bán tín bán nghi, bà cho đào nhà lên lên, không thấy hài cốt nhưng phát hiện hai cái om (giống như cái chum nhỏ - PV), bên trong chiếc om là những sợi vải nhỏ được cho là áo quần người đã khuất sót lại. Sau đó, gia đình bà Muôn đã tổ chức an táng, chôn cất hai chiếc om nghi đựng hài cốt tử tế.

Bà Muôn cho biết thêm, tâm lí chung của gia đình là có bệnh thì vái tứ phương. Bên cạnh việc khấn vái “người âm”, bà Muôn gom góp tiền bạc, bỏ công tìm thầy thuốc chữa trị cho các con. Bà được một thầy thuốc nổi tiếng chữa bệnh điện ở TP.Huế nhận lời giúp đỡ. Vị thầy thuốc này dùng khá nhiều phương pháp như cho uống rễ cây, cho người bệnh nghe kinh phật. Và cuối cùng những nỗ lực của người mẹ già đã được đền đáp bước đầu, không biết nhờ khấn vái hay thuốc thang mà bệnh tình của hai người con bà là Phúc và Phương có chiều hướng thuyên giảm.

Tiếp đó, bà Muôn đưa các con đến bệnh viện tâm thần xin thuốc, sau 3 năm kiên trì điều trị, cô gái tên Phương đã tỉnh táo trở lại. Riêng Phúc chỉ sau 2 tháng đã khoẻ mạnh, tỉnh táo như người bình thường. “Ai bảo gì tôi làm đó, thuốc nam cũng có, thuốc tây cũng dùng. Có người bảo do tâm linh, tôi cũng làm lễ khấn tạ đàng hoàng. Có lẽ ông trời thương tình nên cho các con tôi lành lặn trở lại”, bà Muôn hạnh phúc chia sẻ.

Chuyện thần kỳ cả gia đình tâm thần lần lượt tỉnh táo trở lại
Hai người con từng bị tâm thần trong gia đình giờ đã tỉnh táo trở lại

Chứng kiến cảnh những đứa con bà Muôn bỗng dưng mang bệnh rồi gần đây lần lượt tỉnh táo, người dân địa phương lại trầm trồ bàn tán về “hiện tượng lạ”. Bà Lài, tiểu thương tại chợ An Cựu trố mắt nói: “Cả gia đình ấy bị điên ai cũng biết. Thế nhưng mấy tháng nay, người ta quá bất ngờ khi thấy những đứa con trong gia đình bà Muôn tỉnh táo trở lại, ai cũng mừng cho bà Muôn”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Phương, cô gái mắc bệnh lý tâm thần ngày nào, giờ đã lập gia đình hạnh phúc. Nở nụ cười thân thiện, Phương cho hay từng nghe họ hàng kể nhiều về quá khứ của mình. Mọi chuyện với chị cứ như cơn ác mộng: “Tôi hoàn toàn không biết những gì đã xảy ra với mình, bây giờ bệnh tình của tôi đã khỏi, tôi có cháu nhỏ kháu khỉnh lắm. Bây giờ phải cố gắng làm việc đỡ đần mẹ già”. Còn anh Hồ Ngọc Phúc hiện cũng trở lại hành nghề sửa chữa xe máy ở TP.Thanh Hoá. Anh cho hay sắp tới sẽ mở lại cửa tiệm ở quê nhà. “Chị Kim Anh vừa mới lấy chồng ở gần nhà, cuộc sống cũng tạm ổn. Chị Lộc sau bao năm hy sinh cho chúng tôi cũng đang chuẩn bị lập gia đình”, Phúc hồ hởi chia sẻ. Ngồi kế bên em trai, chị Lộc tủm tỉm cười: “Giữa năm nay em được đi lấy chồng, anh ấy 40 tuổi, đẹp trai, làm thợ vàng”. Còn 2 người con út của bà Muôn, một đang chuẩn bị làm công nhân may ở công ty sợi gần nhà và một đang học lớp 8.

Căn nhà vốn rỗng tuếch, chẳng có gì đáng giá ngoài mấy sợi xích của bà Muôn nay đã được tu sửa đàng hoàng. Và mãi sau hơn 30 năm, gương mặt người đàn bà khắc khổ ấy nay đã rạng nở nụ cười. “Chưa bao giờ tôi thấy vui khoẻ, sảng khoái như bây giờ. Các em nó đã biết nghe lời, biết làm lụng kiếm tiền nuôi gia đình. Nhìn thấy các con hăng say làm việc, cho dù có chết tôi cũng đã mãn nguyện”, bà Muôn oà khóc.

Bác sĩ Châu Văn Hậu (53 tuổi, Trưởng phòng tổ chức Bệnh viện tâm thần tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi điều trị bệnh cho các con của bà Muôn): “20 năm làm trong bệnh viện tâm thần, tôi đã chứng kiến khá nhiều hoàn cảnh gia đình cả cha, các con đều tâm thần. Họ chữa trị cũng có thuyên giảm, hoặc chỉ một, hai người khỏi; tuy nhiên gia đình lành bệnh hoàn toàn như gia đình của bà Muôn là một kỳ tích hiếm thấy.

Bệnh viện chúng tôi rất chú ý đến y đức của thầy thuốc. Ngoài chữa bệnh bằng thuốc men, phải đồng thời tiến hành các phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý, vật lý trị liệu và thể dục thể thao. Đặc biệt, chúng tôi còn chú trọng các phương pháp lao động tái thích ứng xã hội như cho bệnh nhân dán bao bì, trồng cây, nhổ cỏ để quên đi bệnh tật, quên đi những ý nghĩ đen tối; đồng thời làm cho người bệnh vui vẻ phấn chấn hơn vì họ cảm thấy vẫn còn có ích cho xã hội.

Theo tôi yếu tố quan trọng nhất để chữa lành hẳn bệnh tâm thần phải là sự quan tâm của gia đình, quan điểm nhân đạo cao cả, người bệnh tâm thần cần được đối xử, chữa chạy tích cực như các bệnh khác”.

Nguồn: Xa Lộ Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news