Tin mới

Clip bà mẹ đánh con "hung ác nhất đồng bằng Nam bộ": Hành vi tung clip có vi phạm luật?

Thứ năm, 06/08/2015, 19:09 (GMT+7)

“Việc ghi hình, chụp ảnh người khác giữa các công dân chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người có hình ảnh. Với người chưa thành niên thì việc sử dụng hình ảnh của họ phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

“Việc ghi hình, chụp ảnh người khác giữa các công dân chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người có hình ảnh. Với người chưa thành niên thì việc sử dụng hình ảnh của họ phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội chia sẻ nhiều clip mẹ đánh con gây phẫn nộ dư luận.

Mới đây nhất, ngày 5/8, Cộng đồng mạng dậy sóng với clip mẹ đánh con dài gần 4 phút với tiêu đề "bà mẹ đánh con hung ác nhất đồng bằng Nam Bộ".

Trong đoạn clip là một bà mẹ đánh con (khoảng 4-5 tuổi) một cách không thương tiếc. Đầu tiên, bà mẹ trong đoạn clip bắt con mình ngồi lên giường và yêu cầu con mình nằm sấp xuống để đưa ra hình phạt nhiều lần nhưng cô con gái không nghe lời, liên tục khóc, đồng thời đưa ánh mắt cầu cứu đến người quay clip nhưng không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào.

Clip được chia sẻ trên mạng xã hội gây phẫn nộ dư luận

Người mẹ trong đoạn clip đã đánh tới tấp con mình và còn dùng cán chổi để đánh đập cháu bé. Cháu bé khóc thét lên trong sợ hãi và đau đớn làm nhiều người thương cảm.

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác minh được sự việc diễn ra tại tỉnh nào thuộc đồng bằng Nam Bộ.

Ngay sau khi đoạn clip đăng tải, rất nhiều người đã chia sẻ và tỏ ra phẫn nộ trước sự hung ác của người mẹ này.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cũng lên án gay gắt người quay clip trên bởi cư dân mạng đặt dấu hỏi rằng tại sao người quay clip không can ngăn hoặc che chở cháu bé mà lại có thể thản nhiên đứng nhìn và quay clip như vậy.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, việc quay clip rõ hình ảnh đứa trẻ là một hành động không nên vì chúng còn quá nhỏ sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống sau này.

Bà mẹ dùng cán chổi đánh con không thương tiếc - Ảnh: Cắt từ clip

Trả lời về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Theo quy định pháp luật thì hình ảnh là một trong những quyền nhân thân được pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ khi có hành vi xâm phạm.

Cụ thể Điều 31 Bộ luật dân sự hiện hành quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

 Như vậy, có thể thấy việc ghi hình, chụp ảnh người khác giữa các công dân chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người có hình ảnh. Với người chưa thành niên thì việc sử dụng hình ảnh của họ phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp”.

“Trong trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác không nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ, chỉ sử dụng với mục đích tốt đẹp là vì lợi ích công cộng, lợi ích chung như: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, lên án hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm người khác... thì pháp luật cho phép. Còn nếu ghi hình người khác để đưa lên mạng internet hoặc các trang mạng xã hội nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác, làm lộ bí mật đời tư người khác thì hành vi này sẽ bị xử lý theo pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự” – luật sư Cường nói.

Luật sư Cường cho biết thêm, nếu người nào bị người khác đưa thông tin, hình ảnh của mình lên các trang mạng xã hội, mạng internet mà không được người có hình ảnh đồng ý thì có thể căn cứ vào quy định tại Điều 25 Bộ luật dân sự nêu trên để tự mình hoặc yêu cầu tòa án buộc người đó cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại.

Hành vi đưa thông tin lên mạng viễn thông trái quy định pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 174/2003/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Luật sư Đặng Văn Cường

Hành vi đánh đập con là trái với đạo đực xã hội, đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, quyền trẻ em là một trong những nhóm quyền cơ bản, thiêng liêng của quyền con người. Là giá trị cao quý của nhân loại. Với tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em vẫn luôn là mối quan tâm và là trách nhiệm chính của gia đình, nhà trường và của toàn xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay hơn bao giờ hết vấn đề bảo vệ quyền trẻ em lại đặt ra cần thiết đến thế. Trẻ em gửi nhà trẻ - bị bạo hành ngược đãi ở nhà trẻ; trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội – bị ngược đãi tại chính các trung tâm này. Và có lẽ, đau lòng hơn là các em bị chính cha mẹ mình ngược đãi, đánh đập. Mà ví dụ điển hình là vụ clip “bà mẹ đánh con ác nhất đồng bằng Nam Bộ” kể trên.

"Có thể nói rằng, hành vi của bà mẹ trong clip nói trên là đáng lên án, phê phán. Hành vi đánh đập con của bà mẹ này là trái với đạo đực xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật" - luật sư Cường nói.

Luật sư cho biết thêm, quyền trẻ em ở nước ta, được ghi nhận, bảo vệ từ Hiến pháp và các luật chuyên ngành. Các quyền cơ bản của trẻ em, quyền được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục được quy định cụ thể trong Luật bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004;  Nghị định 71/2011/NĐ – CP hướng dẫn Luật bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Căn cứ theo quy định tại Chương 2, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định “Trẻ em có quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng” (Điều 12); Quyền được “tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự” (Điều 14). Bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến một trong các quyền đã được quy định tại Luật này đều là hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Theo đó, khoản 6, Điều 7, Chương 1, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định Hành vi vi phạm quyền trẻ em trong đó có “Hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ em”. Điều 8, Chương 1, Nghị định 71/2011/NĐ – CP hướng dẫn hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ em là một trong các hành vi:

“1. Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.

2. Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

3. Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần

….”

Khi thực hiện hành vi vi phạm quyền trẻ em, tùy vào tính chất, mức độ, và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính (áp dụng hình phạt tiền từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng), hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 151, Bộ luật hình sự.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news