Tin mới

Gặp gỡ cô chủ 8X xinh đẹp có giấc mơ mang tiếng Việt ra thế giới

Thứ hai, 07/09/2015, 13:50 (GMT+7)

Sở hữu 2 tấm bằng đại học, quản lý một khách sạn lớn Hà Nội, chị Lê Thị Hồng Liên quyết định từ bỏ tất cả để lập ra trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Sở hữu 2 tấm bằng đại học, quản lý một khách sạn lớn Hà Nội và tham gia một loạt các dự án nước ngoài như Mystery Shopper, Abroad Project... Chị Lê Thị Hồng Liên quyết định từ bỏ tất cả để lập ra trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, thực hiện giấc mơ mang Tiếng Việt ra thế giới của chính mình.

Trong căn phòng dạy học của chị ở trung tâm Vietlesson (số nhà 26/34, đường Âu Cơ, Hà Nội), những học viên đến đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới cậm cụi, bập bõm tập nói, tập viết những từ  tiếng Việt. Những âm thanh ngọng ngịu xen lẫn tiếng cười cứ nối tiếp nhau phát ra từ những người bạn ngoại quốc này. 

Chị Lê Thị Hồng Liên, chủ trung tâm Vietlesson. Ảnh: NVCC

Vietlesson là một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Trung tâm này do chị Lê Thị Hồng Liên (sinh năm 1984), một cô gái gốc Quảng Trị lập ra và đang trong quá trình xây dựng, phát triển cơ sở vật chất để phục vụ cho những học trò đặc biệt của mình. 

Tuy là con gái nhưng chị Liên cũng không chịu thua kém đấng mày râu. Cô gái có ngoại hình bé nhỏ này sở hữu đến 2 tấm bằng cử nhân đại học, một của chuyên ngành lịch sử thế giới (2008) của Đại Học Khoa Học và tấm bằng còn lại là cử nhân ngành luật (2012) Đại Học Huế.

Cộng thêm khả năng giao tiếp bằng tiếng anh trơn tru, chị Liên đã nhận được rất nhiều lời mời làm việc từ các công ty và dự án nước ngoài. Đặc biệt, chị cũng từng làm việc cho Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam. Nhưng sau một thời gian “vùng vẫy” và đạt được những thành quả trong công việc của mình, chị đã đưa ra một quyết định táo bạo đó là nghỉ việc để lập ra trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Một giờ học của chị Liên và các học viên

Khi được hỏi tại sao chị lại mở ra trung tâm dạy tiếng Việt chứ không phải là trung tâm dạy tiếng Anh đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ và phát huy khả năng ngôn ngữ của mình, chị Liên chia sẻ: “Điều đầu tiên thôi thúc tôi lập ra trung tâm này đó là tôi rất thích dạy tiếng Việt. Mở một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là ước mơ mà tôi ấp ủ bấy lâu. Bên cạnh đó, tôi dành rất nhiều thời gian để thời gian nghiên cứu cũng như biên soạn một giáo trình dạy tiếng Việt của riêng mình. Kết hợp với những kinh nghiệm trong nhiều năm giảng dạy cho người người nước ngoài, tất cả đã thôi thúc tôi mở ra trung tâm này”. 

Thời gian đầu, khi mới mở trung tâm, chị Liên gặp rất nhiều khó khăn, cản trở công việc. Nhưng sau một thời gian cố gắng khắc phục mọi khó khăn, kiên trì với ước mơ của mình, trung tâm Vietlesson của chị dần dần ổn định. Hiện nay, tổng số học viên đang theo học lên đến 40 người, tất cả đều là những người nước ngoài thành đạt có nguyện vọng làm việc và học tập lâu dài ở Việt nam.

Có được những thành công bước đầu như hiện tại, chị Liên phải tự soạn cho mình một giáo án riêng, không “đụng hàng” với bất cứ chương trình giáo án nào. Kết hợp với vốn tiếng anh của mình, trung tâm của chị dần dần thu hút các học viên nước ngoài. Những học trò của chị sau 4 tháng  theo học đã có thể phát âm rõ chữ và giao tiếp cơ bản với người Việt Nam. 

Theo chị Liên, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài khó hơn người Việt nam học tiếng anh rất nhiều. Nhất là tiếng Việt là ngôn ngữ có dấu khiến cho các học viên của chị phát âm không chuẩn, nhiều từ các học viên phải nói đi, nói lại hàng chục lần là điều rất bình thường. Thế nhưng học đọc, học nói vẫn chưa phải là điều khó nhất mà ngữ pháp tiếng Việt mới là cơn “ác mộng” của họ. Với người Việt nam, nắm chắc và sử dụng đúng ngữ pháp khó một thì với bạn người nước ngoài khó gấp 10 lần. Không phải tự nhiên mà có câu nói "phong ba, bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam".

Morgane (20 tuổi) một cô gái đến từ Pháp chia sẻ: “Tôi học ngữ pháp tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha rất dễ dàng. Nhưng khi học đến ngữ pháp tiếng Việt cũng gần 6 tháng rồi nhưng tôi vẫn chưa nắm được cách sử dụng từ cho đúng ngữ pháp”. 

Bên cạnh đó, chị Liên cũng đang lo lắng về “sự trong sáng của tiếng Việt", hay nói cách khác là cái hồn của tiếng Việt. Bởi hiện nay, giới trẻ đang vay, mượn rất nhiều ngôn từ của tiếng Anh và những ngôn ngữ khác để dùng trong thực tế, làm ảnh hưởng lớn tới tiếng Việt. Đây cũng là một trong những khó khăn khi mà các học viên của chị Liên khi giao tiếp với mọi người xung quanh, không hiểu những tiếng “lóng” mà giới trẻ sử dụng trong hiện tại. 

Không khí buổi học rất vui nhộn nhưng rất hiệu quả. Ảnh: Nhân Văn

Trong thời gian sắp tới, chị Liên dự định mở rộng quy mô của trung tâm dạy tiếng Việt của mình, biến nó trở thành một nơi giao lưu của các bạn sinh viên nước ngoài cũng như sinh viên Việt Nam, giúp cho các sinh viên trong nước có cơ hội thực hành tiếng Anh cũng như các bạn nước ngoài có điều kiện trau dồi vốn tiếng Việt của mình.

Đó là một đoạn đường dài và khó khăn nhưng chị Liên luôn tin tưởng rằng mình và những cộng sự sẽ thực hiện được. Đồng thời, chị cũng hi vọng,  qua những bài học tiếng Việt của chị, những học viên theo học sẽ hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa và con người Việt Nam và giấc mơ mang tiếng Việt ra thế giới của chị sẽ trở thành sự thật trong tương lai không xa.

Nhân Văn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news