Tin mới

Có nên cấm kinh doanh đa cấp?

Thứ năm, 27/08/2015, 00:00 (GMT+7)

"Mặc dù loại hình bán hàng đa cấp ở Việt Nam hiện nay có những biến tướng song việc đưa ra quy định cấm phát triển loại hình kinh doanh đa cấp cần phải cân nhắc trên cơ sở nguyên tắc tự do kinh doanh và cơ chế thị trường..." - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

"Mặc dù loại hình bán hàng đa cấp ở Việt Nam hiện nay có những biến tướng thành hành vi "lừa đảo", song việc đưa ra quy định cấm phát triển loại hình kinh doanh đa cấp cần phải cân nhắc trên cơ sở nguyên tắc tự do kinh doanh và cơ chế thị trường..." - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Mới đây, VTV đã phản ánh hàng loạt sai phạm của công ty Liên Kết Việt. Công ty này đã có dấu hiệu cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ nhiều người tham gia. Thậm chí công ty còn làm giả bằng khen của Thủ tướng treo tại trụ sở công ty hay lập lờ chuyện công ty thuộc Bộ Quốc Phòng…

Từ khi biết thông tin Liên kết Việt không phải là công ty của Bộ Quốc phòng như lời tự quảng cáo, những người trót tham gia hệ thống bán hàng đa cấp này chưa được một ngày ngủ yên bởi họ đã nộp hàng trăm triệu đồng chỉ vì lầm tưởng đây là một công ty uy tín của Bộ Quốc phòng.

[mecloud] jwXJU1pkJZ[/mecloud]

Bản chất của đa cấp không hề xấu, nó là hình thức bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Người dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, loại hình kinh doanh này bị biến tướng gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Với những hành vi lợi dụng kinh doanh bán hàng đa cấp để “lừa đảo” hay thu lợi bất chính dư luận đang đặt ra câu hỏi có chế tài xử phạt nào trong lĩnh vực này hoặc có chăng nên cấm loại hình này?

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội và luật sư Giang Hồng Thanh – văn phòng luật sư Giang Thanh.

Kinh doanh đa cấp ở Việt Nam có nhiều biến tướng

Với việc lợi dụng kinh doanh bán hàng đa cấp để “lừa đảo” hay thu lợi bất chính vậy đã có chế tài xử phạt nào trong lĩnh vực này chưa thưa luật sư?

Luật sư Đặng Văn Cường: đối với những hành vi vi phạm về kinh doanh đa cấp mà chưa đủ căn cứ khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hành chính.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thì: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp

Hiện nay, ở nước ta, lợi dụng loại hình kinh doanh đa cấp, thiếu những quy định pháp luật để quản lý chặt chẽ loại hình này, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bộ phận dân nghèo, người lao động mà các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng loại hình kinh doanh này để thực hiện hành vi lừa đảo.

Luật sư Giang Hồng Thanh: Cá nhân, tổ chức có Hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013, chẳng hạn như hành vi Không đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bán hàng đa cấp, pháp luật về bán hàng đa cấp cho người tham gia sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, hoặc hành vi không xuất trình thẻ tham gia bán hàng đa cấp trước khi giới thiệu hàng hóa hoặc tiếp thị bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, còn hành vi cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp để người khác tham gia bán hàng đa cấp hay cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, Công dụng của hàng hóa để người khác tham gia bán hàng đa cấp bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng…

Những người dân xếp hàng chật kín trong căn phòng nhỏ để đòi nợ công ty Liên Kết Việt- (Ảnh cắt từ clip).

Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới loại kinh doanh đa cấp được phép hoạt động, tuy nhiên ở nước ta lại xảy ra nhiều vụ lùm xùm gây bức xúc trong dư luận, ý kiến của luật sư về vấn đề này?

Luật sư Đặng Văn Cường: Ở nước ta một số Công ty phát triển theo mô hình đa cấp song họ không quan tâm đầu tư cho sản phẩm của mình mà mục đích chủ yếu lại là đánh vào lòng tham của đa số người dân lao động…

Lợi nhuận thu về của các Công ty này hầu như không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo người tham gia bán hàng đa cấp. Đây chính là điểm khác nhất giữa bán hàng đa cấp ở Việt Nam so với các quốc gia khác. Bán hàng hay kinh doanh ở bất cứ đâu thì lợi nhuận cũng đều phải từ sản phẩm bán được. Tuy nhiên, nhiều công ty ở Việt Nam thì chỉ cần có nhiều người tham gia mạng lưới đa cấp là được. Khi mới tham gia thì họ sẽ bắt nộp tiền ký quỹ và các loại lệ phí tham gia. Đây chính là thu nhập nuôi sống các công ty đa cấp chứ không phải doanh số bán hàng. Nếu muốn có tiền hoa hồng thì phải bằng mọi cách lôi kéo được những người khác cùng tham gia với mình để tạo thành cả hệ thống đa cấp.

Bên cạnh đó, nhiều Công ty đa cấp ở Việt Nam hoạt động theo nguyên lý “ép buộc” chứ không phải tự nguyện. Nếu đã trót tham gia vào các mạng lưới đa cấp thì việc rút ra khỏi mạng lưới này cũng rất khó. Đã có nhiều vụ việc một số bạn học sinh, sinh viên bị đánh khi đến đòi lại tiền và trả lại sản phẩm, phải sa vào các tệ nạn để kiếm tiền trả nợ…

Cấm phát triển loại hình kinh doanh đa cấp cần phải cân nhắc

Có ý kiến cho rằng, kinh doanh đa cấp ở Việt Nam có nhiều biến tướng, là mảnh đất màu mỡ cho việc "lừa đảo" khiến cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng vậy có nên cấm loại hình kinh doanh này?

Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay, nước ta cũng đã có một số văn bản pháp luật quy định về kinh doanh đa cấp. Cụ thể, Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp quy định một số hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Mặc dù có những biến tướng nêu trên song việc đưa ra quy định cấm phát triển loại hình kinh doanh đa cấp cần phải cân nhắc trên cơ sở nguyên tắc tự do kinh doanh và cơ chế thị trường.

Vấn đề ở đây là làm sao cho hoạt động kinh doanh này đi đúng hướng, đúng với bản chất thực của nó, tránh việc lợi dụng mô hình kinh doanh này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tránh việc phát sinh những hệ lụy cho xã hội khi các vùng quê bán đất, bán bò, bỏ ruộng để tham gia kinh doanh đa cấp, tham gia hội thảo với những khoản lợi nhuận "trên giấy" để rồi nhiều người đã "tan cửa, nát nhà", ảnh hưởng tới đời sống, xã hội các vùng thôn quê”.

Luật sư Giang Hồng Thanh: Luật Doanh nghiệp của nước CHXHCN Việt Nam quy định, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Cho đến thời điểm này, chưa có văn bản pháp lý nào cấm hoạt động kinh doanh đa cấp. Do vậy việc kinh doanh đa cấp vẫn được coi là hợp pháp ở nước ta.

Luật sư Giang Hồng Thanh - văn phòng luật sư Giang Thanh

Tuy nhiên do loại hình đặc thù của hoạt động kinh doanh này cũng như những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội của nó, Nhà nước ta đã có những quy định dành riêng cho loại hình kinh doanh đa cấp.

Ngày 14/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và 30/7/2014, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 24/2014/TT-BCT hướng dẫn Nghị định nói trên quy định rất chặt chẽ về hoạt động này.

Tại Điều 5 của Nghị định quy định 18 hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp và 5 hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia bán hàng đa cấp.

Thậm chí người bán hàng đa cấp còn phải trải qua chương trình đào tạo cơ bản được Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương xác nhận. Đó là điều mà hầu hết người bán hàng trong các loại hình khác không phải thực hiện.

Làm thế nào để kinh doanh đa cấp đi đúng hướng và không có nhiều biến tướng?

Luật sư Đặng Văn Cường: Để có thể ngăn chặn những biến tướng từ loại hình kinh doanh đa cấp, pháp luật Việt Nam cần phải có những biện pháp quản lý cụ thể, nghiêm ngặt hơn nữa để quản lý hoạt động này. Đồng thời cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phổ biến pháp luật cho những người "dân nghèo", những người ít kiến thức hiểu biết về kinh tế... để họ biết bản chất của hoạt động kinh doanh đa cấp, để họ khỏi lao vào như những con thiêu thân... rồi bị lừa tiền mất, tật mang. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm về kinh doanh đa cấp, tùy theo tính chất, mức độ mà đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính mà cần thiết nên quy định thêm các chế tài hình sự để tạo sức răn đe cho các đối tượng đã và đang có hành vi vi phạm.

Luật sư Giang Hồng Thanh: Có thể thấy Nhà nước ta đã có những chế tài xử lý tương đối mạnh mẽ đối với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, trước những biến tướng của loại hình hoạt động này, các cơ quan chức năng cần thiết phải xử phạt nghiêm minh hơn nữa, vừa để giữ gìn trật tự xã hội, tạo được một môi trường kinh doanh lành mạnh, vừa để đảm bảo cho những doanh nghiệp bán hàng chân chính được góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Xin cảm ơn luật sư !

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news