Tin mới

Có nên công khai danh tính người mua dâm?

Thứ tư, 03/06/2015, 09:48 (GMT+7)

Sau nhiều vụ đường dây mua bán dâm với giá hàng chục nghìn USD bị cảnh sát bóc gỡ, mới đây nhất là vụ Á khôi của một cuộc thi sắc đẹp bán dâm 20 nghìn USD, dư luận đang đặt ra câu hỏilLiệu có nên công khai danh tính người mua dâm để tăng tính răn đe?

Sau nhiều vụ đường dây mua bán dâm với giá hàng chục nghìn USD bị cảnh sát bóc gỡ, mới đây nhất là vụ Á khôi của một cuộc thi sắc đẹp bán dâm 20 nghìn USD, dư luận đang đặt ra câu hỏilLiệu có nên công khai danh tính người mua dâm để tăng tính răn đe?

Thông tin trên báo Giao thông, PV ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH đang công tác trong lực lượng công an, bên lề kỳ họp thứ 9.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết: "Về đề xuất công khai danh tính của người mua dâm, có lẽ cũng cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, kỹ càng. Tôi đồng tình việc công khai, nhưng vì đây là những vấn đề hết sức tế nhị, nên đi kèm phải có quy định chặt chẽ. Tôi nghĩ việc hợp thức hóa mại dâm, coi mại dâm là một nghề cũng nên tiếp tục được nghiên cứu một cách nghiêm túc, vì chúng ta đã cấm trong nhiều năm nhưng thực tế lại không thể cấm được.

Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm về việc tăng hình phạt, nếu chúng ta không có hình phạt tương xứng với hành vi của họ thì mức độ giáo dục, răn đe, phòng ngừa cũng chỉ có giới hạn”.

Trong khi đó, thiếu tướng Trịnh Xuyên (Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, thực ra hoạt động mại dâm là vấn đề xã hội, muốn giảm tệ nạn này phải triển khai đồng bộ các biện pháp. Một trong những biện pháp có thể ngăn chặn hiệu quả là phải nhấn mạnh đến việc xử lý.

Thiếu tướng Trịnh Xuyên (Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa) - Ảnh: Báo Giao thông

Xử lý có nhiều hình thức như phạt tiền, phạt tù nhằm răn đe. Nếu đưa ra hình thức phạt “đủ đô” thì tác dụng giáo dục, ngăn chặn sẽ tốt hơn. Phạt tiền chỉ là một hình thức thôi, chưa phải hình thức nghiêm khắc mà còn hình thức phạt tù, luật đã quy định đến mức vi phạm nào thì phạt tiền, đến mức nào thì phạt hình sự, căn cứ vào hành vi vi phạm của từng đối tượng.Về đề xuất công khai danh tính của người mua dâm lại liên quan đến phạm trù đạo đức xã hội nên phải thận trọng cân nhắc trong từng trường hợp.

Loại tội phạm nào cũng đều có những hoạt động hết sức tinh vi, tìm mọi cách che giấu, đối phó với hoạt động của cơ quan điều tra, nên trong quá trình chỉ đạo điều tra các loại tội phạm này phải hết sức quyết liệt và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nhanh chóng điều tra làm rõ các đối tượng, các đường dây để xử lý nghiêm.

Liên quan đến vụ việc, theo báo Tri thức trực tuyến, quá trình điều tra các đường dây môi giới mại dâm giá nhiều nghìn USD, có sự tham gia của người mẫu, á khôi cuộc thi sắc đẹp thời gian qua, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) cho rằng, gái bán dâm và khách mua dâm đều là nạn nhân của những kẻ môi giới chuyên nghiệp.

Những kẻ thường rêu rao có thể điều hoa hậu, người mẫu, ca sĩ... "đi khách" với giá vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn đô. Tuy nhiên, đây chỉ là thủ đoạn đánh bóng tên tuổi, nâng cao đẳng cấp trong giới mại dâm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới những nổi tiếng làm nghề chân chính.

Về những phản hồi của dư luận cho rằng nhà chức trách nên công bố danh tính người mua dâm để ngăn chặn tệ nạn, lãnh đạo Cục C45 cho rằng sẽ cân nhắc việc này.

Gặp khó khi công bố danh tính

Về vấn đề có nên công khai danh tính người mua dâm, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Tp. HN cho hay: “Có thể thấy đây là vấn đề mà từ lâu đã được các cơ quan chức năng đưa ra thảo luận, lấy ý kiến và pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể nào đối việc công khai danh tính người mua dâm”.

 “Khi tiến hành xử lý vi phạm đối với người mua dâm, cơ quan chức năng cần tuân thủ các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính mà pháp luật đã quy định, đó là việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Mục đích của việc đưa ra các chế tài xử phạt đối với người vi phạm là để răn đe, giáo dục họ, giúp họ nhận thức được những sai lầm để sống tốt hơn chứ không phải đẩy họ vào con đường cùng rồi kệ họ muốn sống sao thì sống. Vậy nên cơ quan chức năng không cần thiết phải công khai danh tính người mua dâm cũng như bán dâm, vì điều này có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt đối với đời sống cá nhân, công việc của đương sự cũng như gia đình họ”. Luật sư nói.

Các gái bán dâm bị bắt quả tang

Luật sư Cường cũng cho biết thêm: Theo quy định của pháp luật tại nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi mua dâm sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 22: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm.

Còn theo quy định của Đ.31 Bộ Luật Dân Sự về “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh” thì việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý.

Ở đây dù bị cơ quan điều tra bắt quả tang hành vi mua bán dâm nhưng các đối tượng này vẫn chưa phải là tội phạm và có đầy đủ quyền công dân trong đó có quyền cá nhân đối với hình ảnh, danh tính của mình.

Trong khi đa số chị em ủng hộ đề xuất công khai tên người mua dâm để răn đe thì các đấng mày râu lại lo ngại sẽ có nhiều hệ lụy xấu cho gia đình.

Phương Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news