Tin mới

Cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam: Bộ VH,TT&DL cũng lúng túng

Thứ sáu, 22/09/2017, 09:52 (GMT+7)

Sáng 21/9, Thứ trưởng bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã thay mặt lãnh đạo Bộ phát biểu trong cuộc họp với báo chí. Ông cho biết, chủ trương cổ phần hóa hãng Phim từ năm 2006, tuy nhiên, gặp nhiều khó khăn và lúng túng. 

Sáng 21/9, Thứ trưởng bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã thay mặt lãnh đạo Bộ phát biểu trong cuộc họp với báo chí. Ông cho biết, chủ trương cổ phần hóa hãng Phim từ năm 2006, tuy nhiên, gặp nhiều khó khăn và lúng túng. 

Sáng 21/9, thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi làm việc với báo chí về vấn đề cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam đang gây bức xúc dư luận những ngày qua.

Liên quan đến những vấn đề gây ý kiến trái chiều thời gian qua, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Ngày 20/9, lãnh đạo Bộ đã mời Ban quản trị mới của hãng Phim lên làm việc. Sau gần 3 tháng cổ phần thì cũng chưa kết luận được đường hướng phát triển của hãng Phim, nhưng sau những ồn ào vừa qua, nhà đầu tư chiến lược đã nhận khuyết điểm trong sự việc mấy ngày qua với anh em nghệ sĩ.

Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu hãng Phim thực hiện tốt quy chế làm việc, xây dựng kế hoạch, vị trí làm việc, người nào có chuyên môn gì thì làm chuyên môn ấy, sắp xếp phòng ban, tu sửa cơ sở vật chất. Đặc biệt, không được cho thuê nhà xưởng vào những mục đích kinh doanh. Trước mắt là trả lương tháng 7,8,9 như các tháng trước khi cổ phần. Sau đó, phải tính toán lại bảng lương cho anh em nghệ sĩ theo luật pháp quy định và nhà đầu tư chiến lược đã đồng ý việc này". 

Thứ trưởng bộ VH,TT&DL phát biểu trong sáng 21/9.

“Việc cổ phần hoá là việc chủ trương của Bộ từ năm 2006, có khoảng 33 doanh nghiệp có việc chuyển đổi lên cổ phần và trong đó có hãng Phim truyện Việt Nam. Chúng tôi thấy việc cổ phần ở hãng Phim rất phức tạp, vì liên quan đến di sản văn hoá của quốc gia. Vì thế, Bộ cũng lúng túng khi làm công tác cổ phần hoá.

Hiện tại, hãng Phim đã cổ phần hoá được gần 3 tháng, đã hoàn thành thủ tục đăng ký cổ phần hoá rồi nhưng theo luật định, 1 năm sau, việc cổ phần hoá mới được công nhận chính thức. Về việc sử dụng “đất vàng” của hãng Phim, Bộ cũng có ý kiến: Đất của hãng Phim không phải muốn làm gì thì làm, nhà đầu tư muốn làm gì thì cũng phải xin ý kiến cục Công sản (bộ Tài chính), nếu nhà đầu tư không làm đúng cam kết thì phải yêu cầu thu hồi hoặc đưa ra toà. Theo đó, bộ VH,TT&DL sẽ chỉ đạo người đại diện để giám sát thường xuyên” - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chia sẻ.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng chia sẻ thêm, hãng Phim nợ trong suốt 20 năm, trong đó tiền thuê đất lên đến 21 tỷ đồng. Hãng Phim có nhiều mảnh đất tại Hoàng Hoa Thám, Đông Anh, Thụy Khuê (Hà Nội) hay TP.HCM, tuy nhiên, tất cả đều là đất thuê. Do đó, nhà đầu tư phải lập tức trả số nợ, nếu không, cơ quan chức năng sẽ thu hồi các giấy tờ.

Việc cổ phần hoá ở hãng Phim truyện VN đang gây ý kiến trái chiều.

Trước đó, chiều 20/9, tại trụ sở bộ VH,TT&DL Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo công ty Cổ phần và phát triển Phim truyện Việt Nam và ban lãnh đạo hãng Phim truyện Việt Nam.

Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ với vấn đề tại cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam các bên phải công khai, minh bạch.

Lãnh đạo Bộ yêu cầu Ban chỉ đạo cổ phần hoá và công ty Cổ phần và phát triển Phim truyện Việt Nam cần tích cực sắp xếp bộ máy, Chính sách, công tác cán bộ, tiền lương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải có cách điều hành, quản trị một đơn vị nghệ thuật phù hợp, có các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn; đưa ra các lộ trình sản xuất tốt với mục đích có việc làm cho anh em. Đặc biệt, ban chỉ đạo cổ phần hóa và công ty phải tiếp tục công khai hoá những vấn đề dư luận đặt ra.

Lạc Thành

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news