Tin mới

Con đường hoàn lương, xuất gia, hoàn tục của người đàn ông hiến tạng cứu người

Thứ tư, 28/05/2014, 09:55 (GMT+7)

Khi còn trẻ, anh nổi tiếng là kẻ ăn chơi, “phá gia chi tử”. Ít ai ngờ con người ấy lại có thể quy y nơi cửa Phật và luôn khát khao được cứu giúp những người có hoàn cảnh không may mắn.

Khi còn trẻ, anh nổi tiếng là kẻ ăn chơi, “phá gia chi tử”. Ít ai ngờ con người ấy lại có thể quy y nơi cửa Phật và luôn khát khao được cứu giúp những người có hoàn cảnh không may mắn.

Hoàn lương trở thành người xuất gia

Đó là câu chuyện của anh Phạm Văn Thọ, 36 tuổi, ở thôn Việt Hùng, xã Đức Thắng- Hiệp Hòa- Bắc Giang.

Khác hẳn với vẻ bề ngoài có phần già dặn và dữ dằn, anh Thọ nói chuyện rất thân thiện và cởi mở. Anh ngại ngùng khi chia sẻ về con đường xuất gia của mình: “Đó như là một cái duyên trời định sẵn vậy. Nếu như không có cửa Phật, chắc chắn sẽ không có tôi ngày hôm nay”.

Anh Thọ là người con trai duy nhất trong gia đình có năm chị em gái. Nhà đông con, bố lại là thương binh hạng nặng nên mối lo cơm áo - gạo tiền đều đổ dồn lên đôi vai gầy của người mẹ tảo tần. Cuộc sống sớm hôm vất vả, mẹ anh đau ốm triền miên và qua đời khi anh mới lên 6. Hai năm sau, bố anh mất, để lại sáu chị em còm cõi trong đói nghèo. Học hết cấp một, anh Thọ được gửi vào học tại trường nội trú Hoàng Đằng Miên - ngôi trường dành cho những đứa trẻ con thương binh, liệt sĩ ở Bắc Ninh.

Sau khi lần lượt các chị gái lập gia đình, đồng nghĩa với việc chẳng còn ai để dựa dẫm, nương tựa, lên cấp 3, anh Thọ bắt đầu sa đà vào những thói hư, tật xấu, ngập chìm trong rượu chè, thuốc lá, lô đề, gây gổ đánh nhau có tiếng ở trường. Năm lớp 11, theo đám bạn xấu, anh bỏ học giữa chừng. Chưa dừng lại ở đó, thói quen ăn chơi chác táng khiến anh phải bán cả ngôi nhà cha mẹ để lại để có tiền tiêu xài. Thời gian sau, anh học lái xe rồi lang bạt vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để kiếm sống.

Một mình lang thang, bơ vơ nơi đất khách quê người, không nhà cửa, không nghề nghiệp, cái đói, cái khát cứ bám riêt, quấn lấy anh. May mắn, anh được nhận vào làm thuê, chăm sóc vườn cà phê cho tu viện An Lạc. Suốt một năm trời sống và làm việc trong tu viện, được nghe các nhà sư tụng kinh, giảng giải đạo Phật, được sống những tháng ngày bình an, vô lo, vô nghĩ, anh mới thấm thía những tháng ngày hoài phí trong đời. Một phần vì nhận thức được những sai lầm của mình, một phần vì muốn theo Phật chuộc lại lỗi lầm, rèn rũa bản thân cũng như thức tỉnh chính mình, anh quyết định xin xuất gia với pháp danh Thích Đạo Tín.

Anh Thọ bên 2 người con kháu khỉnh, đáng yêu.

Chuyện anh vào chùa, gia đình ai cũng phản đối bởi cả dòng họ chỉ có anh là con trai độc nhất. Đến giờ, sau rất nhiều những biến cố thăng trầm của cuộc sống, anh chưa bao giờ hối hận về quyết định đó. Anh tâm sự: “Sống ở trên đời để làm người tốt, làm những việc có ích cho xã hội mới khó. Thời gian ấy, nếu hoàn tục tôi sợ mình sẽ lại sa đọa, những cám dỗ của cuộc sống sẽ kéo mình vào vòng mê muội lúc nào không hay.. Khi ấy, tôi cũng không suy nghĩ được quá nhiều, chỉ biết điều trước mắt là phải thức tỉnh và làm lại cuộc đời”.

Câu chuyện hiến thận cứu người và hạnh phúc bình dị

Những tháng ngày sống ở chùa, giáo lý chân – thiện - mĩ của nhà Phật đã làm thay đổi hoàn toàn con người anh. Anh chia sẻ: “Cuộc sống thực tế có quá nhiều bon chen, ai cũng muốn tranh giành cái tốt, cái đẹp về mình. Nhưng ở nơi cửa Phật lại khác, con người sống với nhau rất thật thà và tình nghĩa”.

Những lời dăn dạy nơi cửa chùa là động lực khiến anh làm nhiều việc có ích trong đời. Năm 2004, khi tình cờ xem chương trình về việc hiến nội tạng cứu người, anh trăn trở, suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định đem một phần cơ thể mình để cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn.

Anh viết đơn gửi đến khắp các bệnh viện lớn nhỏ mong muốn được hiến nội tạng và viết cả di chúc khi qua đời xin được hiến xác cho việc nghiên cứu và học tập của sinh viên ngành y. Sau rất nhiều lần làm xét nghiệm để hiến tặng gan nhưng không thành do chỉ số giữa anh và người cần ghép không tương thích, phải tới 4 năm sau, lần đầu tiên anh mới có cơ hội hoàn thành ý nguyện của mình. Được các bác sĩ thông báo, anh vui mừng xuống Bệnh viện Nhi Trung ương để tiến hành ghép thận. Anh vui mừng nói về khoảng thời gian đó: “ Đối với mỗi con người, sự sống là quý giá nhất. Chỉ bớt đi một phần thân thể của mình mà cứu sống được cả một con người, đó là cái đức quá lớn của người tu hành”.

Cho đến giờ, rất nhiều người vẫn nói việc làm của anh là bởi muốn được nổi tiếng, có người lại bảo anh bán thận để lấy tiền phục vụ những ham muốn tầm thường trong đời. Gạt bỏ ngoài tai những lời nói không hay đó, anh vẫn luôn cố gắng để làm những việc tốt đẹp nhất và không hổ thẹn với lòng mình cũng như những lời dăn dạy của đạo Phật. Anh tâm sự: “Xã hội ngày nay quá coi trọng vật chất, tình cảm con người bị mai một dần chỉ vì đồng tiền. Tôi chỉ hy vọng việc làm của mình giống như tiếng chuông thức tỉnh mọi người sống tình nghĩa và yêu thương nhau nhiều hơn”.

Sau khi hoàn thành tâm nguyện hiến nội tạng, năm 2007, anh Thọ quyết định hoàn tục. Có một chút ngại ngùng, bẽn lẽn, anh chia sẻ: “ Ban đầu tôi chỉ định đi tu ba năm, nhưng thực tế trong suốt 10 năm qua, cuộc sống nơi cửa Phật đã dạy cho tôi rất nhiều đạo lý ở đời. Mọi người trong gia đình vẫn luôn mong tôi trở về để có người nối dõi tông đường, hương khói cho bố mẹ. Điều quan trọng hơn thế là có lẽ tôi chưa qua được duyên nghiệp nên tu không tới”.

Năm 2009, anh lấy vợ và sinh được hai người con, một trai, một gái. Hàng ngày, anh ở nhà trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà, chăm sóc con. Nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào đồng lương làm công nhân tại công ty điện tử Samsung của vợ. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh vẫn luôn tự hào với những gì mình có được ngày hôm nay, luôn cho rằng mình là người có phúc: “Không phải cứ lắm tiền, nhiều của mới là hạnh phúc. Với tôi, con cái ngoan ngoãn, khỏe mạnh, cuộc sống vợ chồng yên ấm là quá đủ rồi. Tự bằng lòng với những gì mình có sẽ không nảy sinh dục vọng, như thế, cuộc sống sẽ hạnh phúc và ý nghĩa hơn nhiều”.

Tâm nguyện của anh là trong vòng 2-3 năm tới, khi con cái chững chạc hơn,  anh sẽ tiếp tục hiến gan cho những bệnh nhi cần được giúp đỡ. Với anh, “kẻ thọ thí mới chính là ân nhân của kẻ bố thí, sống là để cho đi chứ không nên giữ lại của riêng mình”.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news