Tin mới

Blackberry \_ Bóng ma trong nhà hát

Thứ năm, 26/05/2016, 15:21 (GMT+7)

Từng là một trong những hiện tượng công nghệ lừng lẫy, là niềm tự hào của đất nước Canada nhưng giờ đây, Blackberry đang phải vật lộn để duy trì sự tồn tại của chính bộ phận đã làm nên thành công vang dội của mình đó là mảng sản xuất phần cứng. Lí do nào đã khiến Blackberry rơi vào “thảm cảnh” của ngày hôm nay?

 

Từng là một trong những hiện tượng công nghệ lừng lẫy, là niềm tự hào của đất nước Canada nhưng giờ đây, Blackberry đang phải vật lộn để duy trì sự tồn tại của chính bộ phận đã làm nên thành công vang dội của mình đó là mảng sản xuất phần cứng. Lí do nào đã khiến Blackberry rơi vào “thảm cảnh” của ngày hôm nay?

Blackberry đã tụt giảm thị phần thê thảm

 

Trở về thời điểm những năm từ 2002 đến năm 2009 , không phải Apple, Samsung hay các hãng công nghệ của Trung Quốc, càng không phải những “bô lão” như Nokia, Motorola, Sony Ericsson,… mà chính RIM - Blackberry mới là định nghĩa hoàn hảo cho sự “Smart của một chiếc Phone”. Với khả năng duyệt mail cá nhân, nền tảng doanh nghiệp BES, khả năng bảo mật và kèm theo đó là sự PR miễn phí từ ông chủ nhà trắng Obama khi ấy, Blackberry thực sự đã thống trị phân khúc điện thoại thông minh. Minh chứng rõ ràng nhất cho luận điểm trên chính là thị phần trên 30% của phân khúc Smartphone toàn cầu năm 2009 – dẫn đầu so với các hãng còn lại, thời điểm mà iOS và Android bước đầu xác lập sự thống trị của mình. Nhưng cho đến ngày hôm nay, theo thống kê gần nhất, các máy Blackberry chỉ còn chiếm thị phần chưa đến 0,2%. Và đương nhiên, kèm theo hệ lụy là cổ phiếu mã BBRY giờ đây chỉ còn giá trị tượng trưng (chưa tới 8$/ cổ phiếu). Ta có thể khái quát qua chặng đường 7 năm qua của Blackberry như vậy. Đã có nhiều lí do được các giới mộ điệu và phân tích đưa ra, nhưng nổi bật trong đó là 3 lí do:

 

-        Blackberry không chịu cập nhật xu thế

 

-        Blackberry không sản xuất máy Android sớm hơn

 

-        Chiến lược của hãng lùng bùng

 

Nhưng xét lại, cả 3 lí do trên đều chưa đủ thuyết phục. Chúng ta có thể xét lại như sau:

 

Thứ nhất : Về lí do Blackberry không chịu cập nhật xu thế, đó là một nhận định không khách quan và phiến diện. Đối với phần cứng, Blackberry đã nhìn thấy rất nhanh và tiếp cận với “màn hình cảm ứng điện dung” , minh chứng rõ ràng nhất chính là thế hệ Blackberry Storm đầu tiên ra mắt ngay năm 2008, tức chỉ chưa đầy 1 năm khi thế hệ iPhone đầu tiên được giới thiệu. Blackberry đã nhìn ra xu thế trong tương lai: Cảm ứng điện dung. Đây là điều mà Blackberry đã đúng đắn hơn tất cả các hãng còn lại thời điểm đó khi mà các hãng như Nokia hay HTC hồi ấy cũng bắt đầu kế hoạch cho những sản phẩm sử dụng màn hình cảm ứng của mình, nhưng là màn hình cảm ứng điện trở. Tuy cùng là màn hình cảm ứng, nhưng cảm ứng điện dung và cảm ứng điện trở là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn và cuối cùng thì công nghệ cảm ứng điện dung đã hoàn toàn loại bỏ được công nghệ còn lại về cảm ứng. Về thiết kế phần cứng, khó có ai không thừa nhận rằng những chiếc máy Blackberry có thiết kế rất đặc trưng, cao cấp và sang trọng . Và cuối cùng, về hệ điều hành, Blackberry đã tùy biến hệ điều hành của mình cho phù hợp với các thao tác trên màn hình cảm ứng, và họ đã làm điều này khá tốt, những ai dùng máy Storm 9500 thế hệ đầu thời điểm đó đều không có vấn đề gì phàn nàn về giao diện hay hệ điều hành.Nhắc qua một chút về chiếc Storm 9500, có thể có nhiều người tỏ ra “buồn cười” về cảm ứng chạm-nhấn của thiết bị này. Nhưng đó là một sáng kiến hoàn toàn đầy tính trí tuệ của Blackberry, vì sao? Một trong những điều làm nên sự thành công của Blackberry chính là Bàn phím cứng, và đặc trưng của bàn phím cứng là khi sử dụng phải “nhấn”, và đó là một trong những đặc trưng cơ bản của Blackberry. Họ đã muốn đưa cảm giác tuyệt vời này lên những màn hình cảm ứng, đó là lí do vì sao các thiết bị cảm ứng thế hệ đầu của Blackberry thuộc lại chạm-nhấn. Đến đây, có lẽ chúng ta khó có thể đổ lỗi cho thất bại của Blackberry do không chịu cập nhật xu thế mới.

Blackberry đã cập nhật xu thế cảm ứng rất sớm

 

Thứ hai: Do Blackberry không chịu sản xuất máy Android từ sớm hơn. Điều này có thể xảy ra nếu con người tìm ra cách để làm chủ được dạng thức “NẾU”. Thời điểm năm 2008-2009 nếu Blackberry chuyển qua sử dụng Android thì đó là 1 sự “Ngu xuẩn” chứ không phải “không có định hướng đúng đắn về giá trị của Android”. Đó là thời kì khai sinh của Android, trong lúc ấy Blackberry là ai? Là một “ông trùm” trong làng di động thông minh. Khi ấy, một trong những thứ giá trị nhất của họ mà họ phải nắm giữ cho mình chính là việc giữ được “cái tôi” , giữ được sự tự hào và kiêu hãnh của chính họ.

 

Tuy nhiên, cuối cùng cũng phải thừa nhận rằng, sự kiêu hãnh đó của họ đã thành công trong việc làm hài lòng các “tín đồ” của họ nhưng không giúp họ tìm được thêm những tín đồ mới. Cho đến năm 2012 khi nhận thấy hệ điều hành BBOS đã già cỗi, nhưng Blackberry vẫn tiếp tục thể hiện sự “nam tính” của mình bằng cách tự tạo cho mình một hệ điều hành mới trên nền tảng QNX đó là hệ điều hành BB10. Nhưng điều đó dường như là không đủ cho Blackberry hiện tại và họ đã từ bỏ sự kiêu hãnh của mình và chuyển qua Android. Một góc nhìn khác, Blackberry chuyển qua Android năm 2015 là hoàn toàn đúng thời điểm, không sớm và cũng không muôn. Đây là góc nhìn trên khía cạnh trí tuệ của kinh doanh: Nếu Blackberry chuyển qua Android sớm hơn, điều đó là không hợp lí do họ có niềm tin rất lớn vào BB10 và có thể khẳng định đây là một hệ điều hành rất tốt, tất cả các chuyên gia thời điểm đó đều ca tụng về kiến trúc Modulle của hệ điều hành này là vô cùng thông minh, tiền thân của BB10 là QNX đã thể hiện sức mạnh của nó trong các nhà máy điện nguyên tử, trong hệ thống xe đua,… Nên không thể yêu cầu Blackberry chuyển qua Androi khi trong tay họ đang có 1 “lá bài tẩy” uy lực như vậy. Tiếp theo có thể kể đến hệ điều hành Android những phiên bản đầu tiên gặp quá nhiều vấn đề và lép vế hoàn toàn so với iOS, khi ấy, sử dụng Android sẽ là sự mạo hiểm, mở ra cơ hội cho các công ty “đàn em” như Samsung hay Motorola do những công này vốn đã “không có gì để mất” , còn Blackberry vẫn mang trong mình quá nhiều tiềm lực. Cho đến năm 2015, khi hệ điều hành BB10 không thu hút được người dùng, nguyên nhân sâu xa là không thu hút được cộng đồng lập trình viên ứng dụng di động thì chuyển qua một chiến lược mới là hợp lí, và cho đến thế hệ Android thứ 5 vừa rồi, Android mới thực sự trở thành một hệ điều hành “tiệm cận iOS”. Đến đây, có thể nói Blackberry chuyển qua Android năm 2015 là phù hợp với cách làm của một công ty có trí tuệ, họ không muốn “đánh bạc” như các hãng điện thoại Hàn Quốc do họ có nhiều thứ để mất. Và đương nhiên, khi họ quay sang với Android thì các công ty còn lại đã “trúng bạc”, đến lúc này thì “mọi chuyện đã rồi”.

Blackberry quay sang với Android khi BB10 đã thất bại

 

Lí do cuối cùng: Chiến lược của hãng lùng bùng. Có lẽ, đa phần chúng ta đều không làm trong tập đoàn Blackberry nên không thể hiểu được chiến lược của hãng một cách đúng đắn nhất, ta chỉ nhìn nhận thông qua truyền thông. Nhưng có thể tin rằng để lọt vào được bộ phận hoạch định chiến lược cho tập đoàn này, không có chỗ cho những “tay mơ”. Nên chuyện đánh giá về chiến lược của hãng với những người không phải chuyên gia thì mang nặng tính phiến diện và có phần hời hợt.

 

Như ta đã thấy, cả 3 lí do trên đều không mang tính thuyết phục cao hoặc đúng đắn theo những góc nhìn nhất định. Vậy đâu là lí do cho sự lụi bại của Blackberry? Nguyên nhân trực tiếp nhất và dễ nhận thấy nhất chính là : iPhone.

 

Chính là iPhone, vì đó là chiếc điện thoại với chất lượng của mình đã thay đổi cả thế giới.

 

Chính là iPhone, vì đó là hoàn thiện của sự khai phá Công nghệ mới: cảm ứng và hệ ứng dụng.

 

Chính là iPhone, vì đó là hình mẫu để quy chiếu cho mọi chiếc điện thoại hiện tại.

 

Chính là iPhone, vì đó là chiếc điện thoại làm “cảm hứng” trực tiếp cho sự phát triển của Android, gián tiếp đè bẹp các hệ điều hành mới như BB10.

iPhone mới thực sự là nguyên nhân cho sự suy tàn của Blackberry

 

Đến đây, chúng ta có thể thấy Blackberry không phải suy tàn do những nguyên nhân nội tại của chính hãng như hàng ngày chúng ta vẫn hay mổ sẻ. Nguyên nhân ở đây, một cách hóm hỉnh nặng sự duy tâm có thể nói: Do Steve Job là một thiên tài, đó là định mệnh. Dù là Blackberry hay Nokia với thế lực của mình đến đâu đi nữa, thì họ cũng không thể chống lại định mệnh.

 

Vậy tương lai của Blackberry và hệ điều hành BB10 của họ sẽ đi về đâu? John Chen đã từng nói “Chúng tôi chỉ sản xuất các thiết bị chạy Android khi chúng tôi tìm được cách bảo mật nó” , và chiếc Priv, thiết bị đầu tiên của Blackberry chạy Android đã ra đời. Và mới đây, ông lại bảo “chúng tôi chỉ từ bỏ BB10 khi chúng tôi làm cho Android bảo mật hơn nó”. Viễn cảnh thì chắc mỗi chúng ta cũng tự có đánh giá. Trong lịch sử, mỗi đế chế, vương chiều, mỗi tập đoàn, mỗi công ty đều có lúc thăng lúc trầm. Vị trí dẫn đầu thì luôn thuộc về những kẻ xuất sắc nhất. Tiếc rằng, trong thị trường hiện tại Blackberry không xứng đáng với ngôi vị như họ từng đạt được do các đối thủ của họ quá mạnh. Nếu trong tương lai, Blackberry từ bỏ mảng sản xuất phần cứng và khách hàng cá nhân của họ để chuyển sang các lĩnh vực đang mang lại lợi nhuận cho họ như dịch vụ phần mềm, doanh nghiệp, chính phủ,… thì cũng là điều hết sức thản nhiên và thông minh. Có chăng, sự tiếc nuối chỉ còn đọng lại trong mỗi tín đồ trung thành của “Dâu Đen”.

 

Cuộc sống cũng như những vở kịch trong nhà hát Broadway, hôm nay là show diễn của bạn, nhưng ngày mai, ai khẳng định bạn sẽ không là “Bóng ma trong nhà hát”? Nhưng có thể khẳng định ngay lúc này: Blackberry đang là một bóng ma vật vờ trong thị trường Smartphone hiện tại. Nếu không có một tinh thần và trí tuệ như Steve Job sớm xuất hiện để “cứu rỗi” bóng ma nhạt nhòa này, chắc chắn Blackberry sẽ có chỗ đứng vững chãi trong kí ức và duy chỉ trong kí ức của người dùng hiện tại.

                                                                                                                            B.B

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news