Tin mới

Công ty đa cấp Liên Kết Việt sẽ bị xử lý như thế nào?

Thứ năm, 25/02/2016, 20:29 (GMT+7)

Theo luật sư Cường, về trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động lừa đảo xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt thì có thể thấy, các đối tượng có liên quan sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

Theo luật sư Cường, về trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động lừa đảo xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt thì có thể thấy, các đối tượng có liên quan sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

Ngày 25/2, để làm rõ trách nhiệm pháp lý của công ty cổ phần Liên Kết Việt chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng van phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Cường cho biết: Có thể nói rằng hiện nay, các chiêu trò lừa đảo núp bóng kinh doanh đa cấp đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Kinh doanh đa cấp là một hình thức kinh doanh hợp pháp, tuy nhiên ở nước ta thường biến tướng thành công cụ, mảnh đất màu mỡ để thực hiện thủ đoạn lừa đảo của nhiều đối tượng.

Việc xử lý các hình thức lừa đảo này cũng rất khó khăn, phức tạp bởi người dân không muốn tố cáo, sợ tố cáo sẽ không đòi được tiền, phần nữa là do những thủ đoạn tinh vi, các mối quan hệ.. của các đối tượng cầm đầu.

Bị can Lê Xuân Giang (mặc quân phục) tại một cuộc hội thảo của Liên kết Việt

Về trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động lừa đảo xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt thì có thể thấy, các đối tượng có liên quan sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo quy định tại Điều 139 BLHS thì với số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của những người bị hại có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì hình phạt là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Với số tiền chiếm đoạt gần 2000 tỉ như vụ án này thì những kẻ chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực gần như đã nắm chắc mức án cao nhất là tù chung thân. Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ do tòa án quyết định trong quá trình thực hiện tủ tục xét xử vụ án này. Các đối tượng bị khởi tố trong vụ án này sẽ được xác định là đồng phạm và cùng bị truy tố về một tội danh - Tội ;lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.. Khi quyết định hình phạt cụ thể thì tòa án sẽ cá biệt hóa vai trò của các đồng phạm.

Kẻ chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực sẽ phải nhận mức án cao nhất, còn đối với những đối tượng tham gia với vai trò giúp sức, xúi giục sẽ bị nhận mức án thấp hơn.

Theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 thì pháp nhân thương mại có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên với các quy định của pháp luật hiện nay, bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 thì chưa có chế tài hình sự đối với pháp nhân. Vì vậy, trong vụ án này chỉ xử lý hình sự với các cá nhân tham gia thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không xử lý hình sự với pháp nhân thương mại.

Về trách nhiệm dân sự thì sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự này, theo đó những đối tượng lừa đảo sẽ có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho những người bị hại.

Nếu các đối tượng lừa đảo trên không tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì tòa án sẽ quyết định và tuyên trong bản án. Các bị cáo sẽ liên đới chịu trách nhiệm với tổng số thiệt hại của những người bị hại.

Những tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, hóa giá để trả lại cho người bị hại. Tuy nhiên, với thông tin của vụ án nêu trên thì phần lớn số tiền lừa đảo được đã bị "bốc hơi"... nên cơ hội lấy lại tiền của những người bị hại sẽ không cao.

Trong lúc này, cơ quan điều tra cần xác minh tài sản của các đối tượng phạm tội để kê biên, phong tòa tài sản để đảm bảo thi hành án, đồng thời truy xét việc sử dụng tiền, tẩu tán tài sản của các đối tượng lừa đảo để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của những người bị hại trong phạm vi pháp luật cho phép.

Như tin đã đưa, ngày 19/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt), Nguyễn Thị Thủy - Phó tổng giám đốc Công ty Liên kết Việt cùng 5 đồng phạm khác. Các bị can đã bị cơ quan điều tra bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lê Xuân Giang được xác định là người đứng đầu, lập ra Công ty Liên kết Việt, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP.

Quá trình xác minh, cơ quan công an làm rõ Công ty Liên kết Việt được thành lập từ năm 2010, đến năm 2014 được Bộ Công thương cấp phép kinh doanh đa cấp. Các mặt hàng kinh doanh của công ty Liên kết Việt khá nghèo nàn, chỉ một số máy làm sạch, máy chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng và được thực hiện kinh doanh dưới hình thức bán hàng đa cấp nhằm lừa đảo người tiêu dùng.

Cơ quan công an ước tính đã có khoảng 45.000 người tham gia nộp khoảng 1.900 tỉ đồng vào mạng lưới đa cấp của Công ty Liên kết Việt. Tuy nhiên, đến thời điểm bắt giữ Lê Xuân Giang, số dư trong tài khoản của công ty này chỉ còn 45 tỉ đồng. Đáng chú ý, cơ quan chức năng phát hiện các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe có dấu hiệu làm nhái các sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, nhiều loại giấy tờ bằng khen do Bộ Quốc phòng tặng công ty này cũng được xác định là giả mạo.

Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news