Tin mới

Cú hat-trick ngoại giao ngoạn mục của Putin tại G-20

Chủ nhật, 22/11/2015, 11:50 (GMT+7)

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014, Tổng thống Nga Putin chẳng khác nào một miếng bánh trên bàn nghị sự để các nước phương Tây xâu xé. Một năm trôi qua, Putin đã tạo nên cú bật đầy ngoạn mục, khiến địa thế nước Nga hoàn toàn thay đổi.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014, Tổng thống Nga Putin chẳng khác nào một miếng bánh trên bàn nghị sự để các nước phương Tây xâu xé. Một năm trôi qua, Putin đã tạo nên cú bật đầy ngoạn mục, khiến địa thế nước Nga hoàn toàn thay đổi.

G20 năm 2015 – thời thế nước Nga đã khác

Còn nhớ, tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 năm 2014, ông Putin đến tham dự trong bối cảnh phải chịu nhiều sức ép và chỉ trích từ các nước phương Tây do việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, cuộc xung đột Ukraine và thảm kịch máy bay MH17 bị bắn rơi. Trong nước, Nga bị Mỹ và các đồng minh phương Tây của họ bao vây cấm vận về kinh tế, đồng rúp mất giá. Nước Nga khi đó phải chật vật chống chọi với vô vàn khó khăn, thách thức.

Tại G20 năm 2014, Tổng thống Mỹ Obama nói rằng Putin bị quốc tế cô lập. Thủ tướng Anh David Cameron nói không tin tưởng nhà lãnh đạo Nga. Thủ tướng Canada khi đó là Stephen Harper còn thẳng thừng nói với Tổng thống Nga rằng "hãy ra khỏi Ukraine".

Tổng thống Nga Putin phải chịu nhiều sức ép tại họi nghị G20 năm 2014. Ảnh: Reuters

Người ta cũng không quên được cái bắt tay lạnh lùng của Thủ tướng Australia Tony Abbott với ông Putin, sự lạnh nhạt của lãnh đạo các nước khi Putin xuất hiện, cuộc gặp nặng nề và căng thẳng của Obama với Putin tại G20. Đáng nói hơn nữa, khi chụp ảnh chung cùng các nhà lãnh đạo khác, ông Putin - Tổng thống của một trong ba quốc gia có ảnh hưởng chính trị nhất thế giới bị xếp đứng ở ngoài cùng bên trái.

Những sức ép nặng nề đó khiến nhà lãnh đạo Nga đã rời hội nghị G20 sớm trong tâm trạng tức giận.

Thế nhưng, một năm trôi qua, vị thế của Putin và nước Nga đã khác. Tại G20 năm 2015 được tổ chức tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga được nhìn thấy ngồi trò chuyện sôi nổi, thân thiện cùng Tổng thống Mỹ Obama và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice. Ông cũng có cuộc đàm phán với Thủ tướng Anh Cameron và một số nhà lãnh đạo khác. Putin không còn là nhà lãnh đạo bị "tẩy chay" và là "miếng bánh" để xâu xé nữa, ông trở thành người mà tất cả mọi người đều muốn gặp.

Lý do cho việc này không có gì là bí ẩn. Những cuộc tấn công tàn nhẫn của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cuộc khủng hoảng người tị nạn, cuộc nội chiến không hồi kết ở Syria khiến các nhà lãnh đạo phương Tây, đứng đầu là Tổng thống Obama, dù không thoải mái cũng phải nhận ra rằng: Họ cần Nga.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama trò chuyện sôi nổi tại hội nghị G20 năm nay. Ảnh: AP

Phát biểu sau cuộc khủng bố đẫm máu tại paris hôm 13/11, Tổng thống Pháp Hollande Francois đã kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế mới để chống IS.

"Chúng ta cần có hành động cụ thể đối với tình hình Syria. Chúng ta cần sự hợp sức của tất cả các nước để tiêu diệt IS, bao gồm cả Nga. Không thể cùng lúc có hai liên minh cùng tồn tại ở Syria".

Thủ tướng Anh Cameron cũng kêu gọi Putin tập trung sức mạnh quân đội Nga vào các mục tiêu IS và cho biết Anh sẵn sàng chấp nhận một khung hiệp ước hòa bình và chuyển đổi thể chế chính trị tại Syria.

Nhà Trắng cũng nói rằng Tổng thống Obama và Tổng thống Putin đã nhất trí về sự cần thiết cho một "cuộc chuyển đổi chính trị vì Syria và do Syria dẫn dắt, việc này sẽ bắt đầu bằng các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, giữa phe đối lập Syria và chính phủ, bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn".

Cú hat-trick ngoại giao ngoạn mục của ông Putin

Theo đánh giá của The Guardian, những động thái trên của phương Tây đều dẫn đến một cú hat-trick ngoại giao cho ông Putin.

Trước hết, ông đã làm cho phương tây phải công nhận rằng, lực lượng quân sự Nga có vai trò chính đáng và quan trọng ở Syria và đổi lấy lời hứa về việc hợp tác với liên minh do Mỹ dẫn đầu. Điều này đánh dấu một sự đảo ngược hoàn toàn so với nhận định ban đầu của Mỹ rằng sự can thiệp của Moscow tại Syria là "không được chào đón" và sẽ phải "cam chịu thất bại".

Điều này là một sự hỗ trợ cần thiết đối với chính trị trong nước cho ông Putin sau khi Nga chính thức tuyên bố máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Metrojet bị rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập là do khủng bố đánh bom, thảm kịch có số người thiệt mạng gấp đôi cuộc khủng bố Paris.

Một kỹ thuật viên Nga kiểm tra chiến đấu cơ tham gia diệt IS Sukhoi Su-30 tại căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở tỉnh Latakia, Syria.

Hôm 17/11, ông Putin nói rằng các chiến đấu cơ Nga sẽ tăng cường hoạt động ở Syria, và ông đã nhanh chóng giữ lời hứa. Tên lửa hành trình và máy bay ném bom tầm xa của Nga liên tục dội mưa bom bão đạn xuống các mục tiêu IS, gây thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất đối với nhóm khủng bố này.

Thứ hai, Obama và Cameron đã buộc phải thừa nhận rằng Tổng thống Syria Assad có thể tiếp tục tại vị, ít nhất là trong thời gian 18 tháng khi một thỏa thuận hòa bình được Liên Hợp Quốc giám sát.

Cho đến gần đây, các nhà lãnh đạo phương Tây và Arab vẫn yêu cầu ông Assad phải từ bỏ vị trí Tổng thống ngay lập tức. Thủ tướng Anh Cameron cũng đảm bảo rằng những lợi ích chiến lược của Nga tại Syria, bao gồm cả căn cứ không quân và hải quân của Nga ở Địa Trung Hải, sẽ được công nhận tính hợp pháp và bảo vệ. Đây chính là một chìa khóa quan trọng cho ông Putin.

Thứ ba, ông Putin dường như đã thành công trong việc đạt được sự công nhận về tình hình thực tế ở Ukraine. Cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine đã giảm xuống sau thỏa thuận Minsk. Nga vẫn giữ quyền kiểm soát vững chắc đối với Crimea, và bất chấp các phản đối trước đây của phương Tây, vị thế của vùng đất này đã dần trở thành một thực tế trong chính trường thế giới.

Sự can thiệp quân sự ở Syria đã khiến Putin và nước Nga có cú "lội ngược dòng" ngoạn mục. Ảnh: Getty Image

Các quan chức nói rằng ông Obama đã nêu vấn đề Ukraine với Putin trong hội nghị G20, nhưng câu chuyện sáp nhập Crimea không được thảo luận. Điều này đồng nghĩa với việc Crimea vĩnh viễn không trở về với Ukraine.

Tuy nhiên, theo The Guardian, sẽ là sai lầm nếu vội đánh giá rằng Putin đã phục hồi hoàn toàn. Nga vẫn đang phải chịu những lệnh trừng phạt, phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng về kinh tế do Giá dầu thấp. Putin vẫn còn là một mối hoài nghi đối với các nhà lãnh đạo phương tây vì họ lo lắng về những bước đi tiếp theo của ông chủ Điện Kremlin tại khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, những người Mỹ luôn tự mãn rằng Putin là một chiến lược gia yếu kém giờ đây sẽ phải nhìn nhận lại. Sự can thiệp ở Syria không những không khiến Putin suy yếu mà còn đưa Nga trở về vị trí "đầu bảng". Putin không còn là một món ăn trên thực đơn để người ta xâu xé, mà đã trở thành người cầm trịch trong bữa tiệc ngoại giao giữa các cường quốc.

Xem thêm video người đàn ông bí ẩn nghe lén Obama và Putin hội đàm:

[mecloud]IGAFdt0OlZ[/mecloud]

Lê Huyền (The Guardian)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news