Tin mới

Cục Người có công trả lời việc phong tặng liệt sĩ với 2 “hiệp sĩ đường phố” tử nạn

Thứ hai, 14/05/2018, 20:26 (GMT+7)

Cục Người có công chính thức lên tiếng vụ phong tặng liệt sĩ cho 2 "hiệp sĩ đường phố" tử nạn trong lúc bắt trộm ở quận Tân Bình, TP.HCM.

Cục Người có công chính thức lên tiếng vụ phong tặng liệt sĩ cho 2 "hiệp sĩ đường phố" tử nạn trong lúc bắt trộm ở quận Tân Bình, TP.HCM.

Liên quan đến vụ 2 hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) đã bị tử vong khi đuổi bắt một nhóm đối tượng trộm xe SH tại TP HCM vào tối ngày 13/5, trao đổi với PV Dân Trí, ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, để đảm bảo đúng quy trình, chiều 14/5, Cục đã đề nghị Sở LĐ-TB&XH khẩn trương thu thập thông tin từ phía các cơ quan chức năng liên quan để hoàn thiện, củng cố hồ sơ xem xét, qua đó tham mưu với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH việc trình lên Chính phủ.

Về quan điểm cá nhân, ông Đào Ngọc Lợi cho rằng các hành động nghĩa hiệp vì cộng đồng, hy sinh cả tính mạng vì chính nghĩa là điều rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng, tôn vinh trong xã hội.

“Tuy nhiên để có những căn cứ đầy đủ để kết luận, cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ vụ việc và sẽ sớm có kết luận tới công chúng trong thời gian sớm nhất” - ông Đào Ngọc Lợi cho biết.

Hiện trường xảy ra vụ "hiệp sĩ đường phố" bị tấn công. Ảnh TNO

Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, trao đổi với PV VOV, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, UBND thành phố, nơi xảy ra vụ việc phải đứng ra làm đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho các cá nhân trên.

Được biết, theo khoản e, và khoản đ, Điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công quy định cụ thể, liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp sau đây: "Đấu tranh chống tội phạm; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”.

Theo ông Kiên, Điều 11, Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng và theo điều 17, Nghị định 31/2013 thì những trường hợp người dân xả thân cứu người, truy bắt tội phạm đều có thể được công nhận là liệt sĩ.

Cũng thông tin thêm, ông Kiên cho biết, trước đó, Cục Người có công đã xử lý, công nhận cho nhiều trường hợp là liệt sĩ thời bình. Đa phần trong số này là chiến sĩ, công an, bộ đội hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, số ít là người dân hy sinh trong lúc cứu người hay truy bắt tội phạm.

Chính vì vậy, xét theo các quy định thì trường hợp 2 hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) bị đâm tử vong trong lúc bắt trộm cướp là có hành động dũng cảm cứu tài sản của nhân dân, đủ điều kiện được công nhận là liệt sĩ.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, chỉ khi có đầy đủ hồ sơ của các cấp thẩm quyền, Bộ LĐ-TB-XH mới có thể đề nghị truy tặng liệt sĩ cho các hiệp sĩ.

Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 13/5, nhóm "hiệp sĩ đường phố" quận Tân Bình, TP.HCM gồm 5 người đang di chuyển trên đường Cách mạng tháng Tám thì phát hiện 2 thanh niên đi xe máy chuẩn bị trộm xe SH ở một cửa hàng trên đường Cách mạng tháng Tám (quận 3, TP.HCM).

Nhóm "hiệp sĩ" hô hoán thì bị 2 thanh niên trên và đồng bọn đi phía sau dùng hung khí tấn công.Vụ việc khiến 2 "hiệp sĩ" tên Thôi và Nam tử vong, 3 "hiệp sĩ" còn lại bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, gồm anh Hoàng bị đâm vào vùng bụng, anh Quý bị chém đứt động mạch chủ ở tay, anh Huy bị đâm bên hông sườn.

Đến chiều 14/5, nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Công an quận 3 phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an TP.HCM đã bắt được 1 nghi can liên quan đến việc kể trên.  

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news