Tin mới

Cô dâu Việt có giá bằng 1/4 cô dâu Trung Quốc

Thứ ba, 19/08/2014, 10:32 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Mặc dù chỉ là một cuộc hôn nhân "giao thương" nhưng các cô dâu Việt ở một làng nghèo Trung Quốc vẫn cảm thấy hạnh phúc.

(Tinmoi.vn) Mặc dù chỉ là một cuộc hôn nhân "giao thương" nhưng các cô dâu Việt ở một làng nghèo Trung Quốc vẫn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là một số rất nhỏ may mắn của nạn buôn bán người qua Trung Quốc.

Chuyện của Nguyen Thi Hang, 30 tuổi là một câu chuyện cảm động, đến làm dâu một gia đình Trung Quốc tại làng Weijian ở Linqi, tỉnh Hà Nam từ tháng 11/2013. Hang kể bố mẹ là người thúc đẩy đám cưới giữa cô với người chồng kém 8 tuổi. Hai buổi hôn lễ nhỏ lần lượt diễn ra ở quê Hang và tại Linqi.

Nguyen Thi Hang nói cô may mắn sống trong gia đình tử tế ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

“Họ (gia đình chồng) đã gửi nhà tôi một khoản tiền, nhưng tôi không dám hỏi bố mẹ về vấn đề này”, cô Hang nói. Hang là một trong số ít những phụ nữ Việt sống trong gdia đình chồng tử tế, dù ban đầu cô rất vất vả để giao tiếp với những người mua hàng tại tiệm tạp hóa của gia đình chồng.  

Chồng của Hang là công nhân xây dựng nên thường vắng nhà để đi làm xa. Bố chồng cô, ông Liu Shuanggen, tỏ ra tự hào về thành viên mới trong gia đình. “Phụ nữ Việt Nam cũng như chúng tôi thôi. Họ làm mọi việc và rất chăm chỉ”, ông Liu nói với AFP.

Vu Thi Hong Thuy, 21 tuổi, đã gặp chồng cô trong hoàn cảnh anh sang Việt Nam sinh sống rồi chuyển về Trung Quốc định cư.

Cô dâu Vu Thi Hong Thuy sống tại thị trấn Linqi. Ảnh: AFP

"Chúng tôi biết nhau, yêu nhau rồi cưới", cô kể. "Ở Việt Nam chúng tôi phải làm lụng rất vất vả nhưng vẫn chẳng đủ ăn. Ở đây tôi nghĩ cuộc sống tốt hơn vì chỉ cần chồng tôi đi làm".

Không phải cô dâu Việt nào cũng may mắn như Hang và Thuy. Trong một trại tạm lánh ở Việt Nam, hàng chục cô gái cho biết họ bị bạn bè, bạn trai hoặc chính người thân dụ dỗ để bán sang Trung Quốc làm vợ. Một tài xế ở Linqi chỉ về hướng một ngôi nhà nhỏ giữa các đỉnh núi, nói đây là điểm đến của những vụ mua bán phụ nữ.

Nạn nạo phá thai để chọn giới tính thai nhi hàng thập kỷ qua đã khiến tỷ lệ nam nữ hiện nay rơi vào mức 118 trên 100 ở Trung Quốc. Khoảng cách giới tính khiến tiền thách cưới của nhà gái cũng tăng cao. "Gia đình cô dâu thường đòi hỏi một ngôi nhà và một chiếc xe hơi. Anh càng có nhiều tiền thì càng dễ cưới", Wang Yangfang, một người bán hàng, nói. "Ở Việt Nam, người ta yêu cầu ít hơn".

Chi phí trung bình để kết hôn với một phụ nữ Việt Nam là khoảng 20.000 nhân dân tệ (65 triệu đồng), chỉ chưa đầy một phần tư so với lựa chọn cô dâu địa phương, người dân Linqi nói. Hàng chục phụ nữ Việt đã về làm dâu ở khu vực này trong những năm gần đây.

“Một số người chạy trốn sau khi đến đây được vài ngày. Nhưng việc bỏ trốn từ nơi này không dễ, vì đây là vùng đồi núi, người quen sống rất nhiều xung quanh. Nếu cô ấy mất tích, họ sẽ liên lạc với nhau để tìm cách đưa cô về”. Ông Geng Gang, giáo sư xã hội học tại Đại học Chiết Giang, nói không có số liệu chính xác về những phụ nữ là nạn nhân của tình trạng buôn người, “có thể tỷ lệ những vụ hôn nhân cưỡng ép như vậy không lớn”.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc thỉnh thoảng đưa tin về những vụ “cô dâu bỏ trốn” sau khi đám cưới diễn ra không lâu. Nhật báo Trung Quốc cho biết cảnh sát Trung Quốc từng “giải cứu và giúp hồi hương” 1.281 phụ nữ nước ngoài bị bắt cóc chỉ trong năm 2012. Phần lớn nạn nhân đến từ Đông Nam Á. Các chuyên gia nhận định có thể còn hàng ngàn trường hợp mà cơ quan chức năng chưa biết đến do tình hình thực thi pháp luật lỏng lẻo ở nông thôn.

Dã Quỳ (Tổng hợp từ Zing, VNE)




Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news