Tin mới

Đại biểu HĐND: Xử phạt vi phạm giao thông chưa đủ mạnh, phải cưỡng chế lao động công ích

Thứ hai, 11/12/2017, 10:00 (GMT+7)

Trước đề xuất của đại biểu HĐND TP Đà Nẵng bắt buộc lao động công ích đối với người tái vi phạm ATGT nhiều lần đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Trước đề xuất của đại biểu HĐND TP Đà Nẵng bắt buộc lao động công ích đối với người tái vi phạm ATGT nhiều lần đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Theo thông tin trước đó trên Tuổi Trẻ và báo Giao thông đăng tải, tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX (2016 – 2021) ngày 6/12, đại biểu Huỳnh Minh Chức, Đà Nẵng kiến nghị người vi phạm giao thông quá 3 lần phải lao động công ích.

Đại biểu Huỳnh Minh Chức phát biểu tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX (2016 – 2021)

Theo đạo biểu Huỳnh Minh Chức, Đà Nẵng dù được mệnh danh là “thành phố đáng sống” nhưng mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ Tai nạn giao thông.

Đứng trước tình trạng số người vi phạm trật tự an toàn giao thông tăng, đại biểu Chức đặt câu hỏi: “Có phải ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số tài xế xe tải, container còn coi thường pháp luật, luật giao thông chưa đi vào cuộc sống hay chế tài xử phạt vi phạm giao thông chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe giáo dục?"

Theo ông Chức, thành phố cần có những giải pháp căn cơ hơn trong công tác quản lý trật tự ATGT như tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông. Trước mắt tập trung vào 60.000 phương tiện vi phạm trong năm qua, phân loại bao nhiêu trường hợp tái phạm 3 lần trở lên thì phải được học tập, ký cam kết không vi phạm, hoặc tập trung lao động bắt buộc, cưỡng bức lao động công ích để giáo dục, răn đe. Xử lý chủ doanh nghiệp nếu lái xe vi phạm nghiêm trọng TTATGT, đẩy mạnh quản lý xe ben, xe tải....

CSGT Đà Nẵng kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận chuyển của lái xe khách trên địa bàn

Những người ủng hộ cho rằng, việc này là rất cần thiết để đánh vào ý thức, lòng tự trọng của người dân để từ đó kéo giảm vi phạm, ATGT cũng đảm bảo hơn. Còn người phản đối chủ yếu lấy lý do việc này trái luật và muốn làm được cần nhiều thủ tục rắc rối, có thể phải tăng thêm nhiều nhân sự thực thi, giám sát.

Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không mới và còn nhiều bất cập. Năm 2011, khi dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định buộc lao động phục vụ cộng đồng cũng đã được Bộ Tư pháp đưa vào. Theo dự thảo này, thời gian buộc lao động phục vụ cộng đồng tối đa đến 30 giờ và người bị xử phạt không được trả công đối với công việc thực hiện. Dự thảo luật cũng quy định rõ biện pháp này chỉ áp dụng đối với vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và ATGT. Biện pháp này không áp dụng đối với người dưới 15 tuổi, trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì lý do gì, quy định này không được đưa vào luật.

Việc xử phạt lao động công ích chưa có quy định trong luật nên khó có thể áp dụng được ngay. Tuy nhiên, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, hoàn toàn có thể thể chế hóa vào các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu chưa có trong luật, hoàn toàn có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung. 

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news