Tin mới

Đại biểu Quốc hội: Không nên xử Hoàng Công Lương vì nguyên nhân không phải do bác sĩ

Thứ ba, 22/05/2018, 13:58 (GMT+7)

"Tôi cũng đồng quan điểm với người nhà bệnh nhân xin HĐXX không xét xử với bác sĩ Lương, bởi tự họ đã thấy, nguyên nhân không phải do bác sĩ", bà Lan chia sẻ.

"Tôi cũng đồng quan điểm với người nhà bệnh nhân xin HĐXX không xét xử với bác sĩ Lương, bởi tự họ đã thấy, nguyên nhân không phải do bác sĩ", bà Lan chia sẻ.

Trao đổi với PV vào sáng 22/5, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương đang diễn ra nên mọi vấn đề sẽ được tranh luận, xem xét kỹ càng bởi các cơ quan tố tụng, luật sư, bị cáo...

Tuy nhiên, theo dõi phiên xử, không chỉ bà mà tất cả nhân viên y tế đều cảm thấy rất đau lòng, mong sao vụ án được xét xử đúng người, đúng tội.

"Nhìn bác sĩ Hoàng Công Lương đứng giữa tòa, thực sự cá nhân tôi cảm thấy rất đau xót", bà Lan nói.

Bà phân tích, nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình được xác định là do tồn dư lượng hóa chất cao trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO.

Do đó, trách nhiệm thuộc về đơn vị chuyên môn, lãnh đạo công ty và người đứng đầu bệnh viện khi lựa chọn đối tác.

Đại biểu Quốc hội: Không nên xử Hoàng Công Lương vì nguyên nhân không phải do bác sĩ - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan.

"Nhưng tại sao chúng ta lại đổ hết lỗi cho một người bác sĩ trực tiếp làm, cứu chữa bệnh nhân như Hoàng Công Lương.

Phải xác định cho đúng người, đúng tội chứ bác sĩ chỉ làm chuyên môn sao có thể biết được chất lượng nước RO như thế nào, có gì bên trong", bà Lan nêu.

Vị ĐBQH đặt vấn đề, nếu có gì tiêu cực thì ai là người hưởng lợi và nếu có tiêu cực, việc bắt tay, chuyện này chuyện kia thì phải là cấp lãnh đạo, từ cấp lãnh đạo khoa đến Ban giám đốc bệnh viện, Giám đốc công ty trang thiết bị... chứ không phải một bác sĩ dưới khoa.

Bà bày tỏ, trong nghề y các bác sĩ đều mong cứu bệnh nhân nhưng đôi khi lực bất tòng tâm và có việc ngoài ý muốn xảy ra.

Bác sĩ khi chữa bệnh cho bệnh nhân phải được đảm bảo họ chỉ cần quan tâm đến việc chữa bệnh, chứ mỗi sơ sẩy mà sau đó họ không nhận được sự bảo vệ của ngành, không có sự bảo vệ của pháp luật thì không được.

"Nhìn rộng ra, ngành y tế còn thiếu hệ thống pháp lý để bảo vệ cho các bác sĩ, nhân viên y tế và việc này bàn cãi mãi vẫn chưa ra", bà Lan nêu.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong vụ việc của bác sĩ Lương, cá nhân bà chưa thấy rõ vai trò của Bộ Y tế đứng ra bảo vệ bác sĩ mà mới thấy ý kiến của các Hội, ngành.

"Tôi cũng đồng quan điểm với người nhà bệnh nhân xin HĐXX không xét xử với bác sĩ Lương, bởi tự họ đã thấy, nguyên nhân không phải do bác sĩ", bà Lan chia sẻ.

Bà Lan nhìn nhận, khi phiên tòa xét xử mà nguyên Giám đốc BV đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương dù được triệu tập nhưng đi nước ngoài, ủy quyền người đại diện đến là không hợp lý.

"Nếu tôi là ông Trương Quý Dương tôi sẽ không đi đâu mà đứng ra chịu trách nhiệm cho bác sĩ Hoàng Công Lương và nhân viên của mình", bà Lan nhấn mạnh.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện huyết học - Truyền máu Trung Ước cho hay, phiên xét xử bác sĩ Lương đang rất nóng, nhận được nhiều sự quan tâm.

Theo GS Trí, hiện có tình tiết mới khi ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng tại BV Đa khoa Hòa Bình trả lời trước tòa, thời điểm năm 2015, 2016 trong biên bản cuộc họp không có nội dung phân công BS Lương chịu trách nhiệm đơn nguyên Thận nhân tạo.

Sau khi sự cố xảy ra mới viết thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho BS Lương vào biên bản này.

"Bây giờ đang có tình tiết mới như vậy nên không thể không quan tâm và giải quyết thích đáng", GS Trí nói.

Trong phiên tòa xử bác sĩ Hoàng Công Lương vào chiều 21/5, ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng tại BV Đa khoa Hòa Bình lên trả lời câu hỏi luật sư trong vai trò là nhân chứng.

Theo ông Tiến, thời điểm năm 2015, 2016 trong biên bản cuộc họp không có nội dung phân công BS Hoàng Công Lương chịu trách nhiệm đơn nguyên Thận nhân tạo. Sau khi sự cố xảy ra (sự cố nước RO tồn dư hóa chất làm 8 người chết - pv) mới viết thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho BS Lương vào biên bản này.

Ông Công giải thích, lãnh đạo khoa, trường khoa và phó khoa phân công ông Đinh Tiến Công viết thêm nội dung này để hoàn thành thủ tục hành chính.

"Trưởng khoa và Phó khoa phân công tôi làm việc này. Trực tiếp ai chỉ đạo thì tôi không nhớ nhưng phải có sự bàn bạc của Trưởng và Phó khoa. Tôi viết thêm ở mục cuối cùng của biên bản, đoạn phân công nhiệm vụ. Lúc đó chưa có chữ ký của đồng chí nào. Sau khi bổ sung vào thì mới ký sau", ông Đinh Tiến Công nói.

"Về nội dung cuộc họp 2015, sau sự cố, Khoa thường xuyên họp và thống nhất. Tôi được Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu chỉ đạo viết thêm. Năm 2016 thì ghi nội dung phân công không thay đổi so với năm 2015".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news