Tin mới

Đại biểu Quốc hội trăn trở khi "biển Đông vẫn chưa ngừng gợn sóng"

Thứ hai, 28/03/2016, 20:39 (GMT+7)

Tại cuộc thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các đại biểu tiếp tục nêu những trăn trở liên quan đến tình hình biển Đông.

Tại cuộc thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các đại biểu tiếp tục nêu những trăn trở liên quan đến tình hình biển Đông.

Ngày 28/3, Quốc hội thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Vấn đề Biển Đông một lần nữa nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Theo đó, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng đây nhiệm kỳ mà đất nước có nhiều thời cơ, nhất là tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi, tạo nên nguồn lực to lớn và lòng yêu nước vô tận của nhân dân. Nhưng những thách thức trong nhiệm kỳ cũng là rất nặng nề.

"Đó là công cuộc đổi mới lần thứ nhất được khởi sướng từ năm 1986 của Đảng ta đến nay đã không còn dư địa. Những vấn đề bức xúc khi bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông là thử thách bản lĩnh của đại biểu Quốc hội và cả Quốc hội", ông nói.

Trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, Quốc hội đã làm được rất nhiều việc, có những công việc rất tốt mặc dù trong báo cáo này không thấy khen ai và cũng chẳng thấy chê ai.

Nhưng những bức tranh tổng kết nhiệm kỳ có xung đột khâu với một miền Tây Nam Bộ vốn trù phú vì hiền hòa đang lùi dần vào dĩ vãng, một Tây Nguyên khô khát giữa tháng 3, một hệ thống chính trị cồng kềnh đến không chịu nổi với tham nhũng và quan liêu, với ngân khố nợ nần, với thanh niên Việt Nam hình như ngày càng còi cọc và Biển Đông vẫn chưa ngừng gợn sóng.

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn

 Cùng lo ngại đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng những ngày vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang thăm Việt Nam, có thống nhất với Việt Nam sẽ không làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông. Thế nhưng từ đầu năm họ đã mang pháo, tên lửa đất đối không, mới đây là mang tên lửa đất đối hạm ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là điều hết sức lo lắng.

Tương tự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng còn nhiều băn khoăn khi nhiều vấn đề Biển Đông chưa được làm rõ. “Cử tri cho rằng, chúng ta chưa có những phản ứng đúng với tình hình biển Đông. Tôi đề nghị Quốc hội khóa XIV lưu ý vấn đề này”, đại biểu Nghĩa gửi gắm tâm tư.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, hoạt động ngoại giao thiết thực với người dân làm sao đi biển không bị ai đàn áp, làm sao biển Đông không gợn sóng.

ĐBQH Dương Trung Quốc phát biểu tại hội trường.

 Trong lĩnh vực này, “người dân vẫn chưa hài lòng. Nhiều phản ứng của Quốc hội tôi cho là chậm”, ông Quốc nhận xét.

Theo ông Quốc, “Tiếng nói Quốc hội rất quan trọng, không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà còn mong mốn hòa bình. Quốc hội cần quan tâm hơn nữa, có tiếng nói kịp thời phản ứng hơn nữa”.

Trong một diễn biến liên quan, cục Hải sự Trung Quốc hôm nay (28/3) thông báo đặt giàn khoan Hải Dương 943 tại vị trí 17-47.5 độ vĩ bắc, 108-46.0 độ kinh đông, từ ngày 25/3 đến 31/7.

Hải Dương Thạch Du 943 là giàn khoan tự nâng, có thể làm việc ở độ sâu 122 m và khoan sâu đến 10.000 m, do Tập đoàn đóng tàu công nghiệp nặng Đại Liên đóng và vừa được bàn giao từ tháng 1 năm nay.

Trả lời Zing.vn, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, nhận định các cơ quan chức năng của chính phủ cần theo dõi chặt chẽ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 943 để có phản ứng thích hợp và kịp thời. 

Ông Trần Công Trục cho rằng nếu vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 943 nằm trong vùng chồng lấn chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ thì đó là hành vi vi phạm Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) cũng như vi phạm thỏa thuận giữa hai nước.

Năm 2014, Trung Quốc từng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Tình Nguyên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news