Tin mới

Đàn tế nghìn năm: Tháng 11, có phương án bảo tồn chính thức

Thứ năm, 30/10/2014, 14:46 (GMT+7)

Liên quan đến việc đàn tế phát lộ trong quá trình thi công Nhà Quốc hội, dự kiến, phương án bảo tồn chính thức sẽ được xác định trong tháng 11 tới.

Liên quan đến việc đàn tế phát lộ trong quá trình thi công Nhà Quốc hội, dự kiến, phương án bảo tồn chính thức sẽ được xác định trong tháng 11 tới.

Như đã đưa tin từ trước, tại công trình tòa Nhà Quốc hội, đầu năm 2014, trong khi khai quật khảo cổ học tại khu vực hầm ngầm để xe và đường ngầm từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao qua đường Bắc Sơn sang nhà Quốc hội, Viện Khảo cổ học đã phát hiện một di tích đặc biệt với hình thù rất lạ với chất liệu chủ yếu bằng gỗ và đá.

Lập tức, các nhà khảo cổ học, sử học uy tín nhất trong cả nước được mời tới. Song, việc xác định gặp khó khăn bởi đây là lần đầu tiên họ được tiếp cận một di tích có hình thù như vậy.

Mặt bằng di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt thời Lý, tại hố G7-G8 được minh họa bằng người đứng, tượng trưng cho các vị trí cột gỗ. Ảnh: Báo Tri thức trực tuyến.

Đặt vị trí phát lộ lên tấm bản đồ Hồng Đức, các nhà khoa học bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của di tích đặc biệt này. Nó nằm cùng trục, cùng phương vị Bắc - Nam với kiến trúc Bát Giác ở phía Bắc tạo thành một trục trung tâm trong tổng thể cụm kiến trúc đặc biệt thời Lý thuộc di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long ở phía tây của điện Kính Thiên.

Theo GS Phan Huy Lê, Đàn Tế Trời được xây dựng vào đời nhà Lý, có trước cả Đàn Xã Tắc (được xây dựng năm 1048), với kiến trúc vô cùng đặc biệt và được coi là "kỳ lạ" (từ dùng của GS Phan Huy Lê –PV) gồm 2 vòng tròn đồng tâm chưa từng thấy ở nước nào trên thế giới, ngay cả ở Trung Quốc, Đông Á – những nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam.

Các nhà khảo cổ học cho rằng, di tích này là kiến trúc không thể tách rời trong cấu trúc tổng thể của các vương đô cổ phương Đông. Dù còn những ý kiến khác nhau về tên gọi, chức năng nhưng các nhà khoa học đều công nhận “đây là di tích tâm linh đặc biệt quan trọng”.

Đầu tháng 7 vừa rồi, Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo quốc tế nhằm đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn, nghiên cứu di tích này. Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều công nhận đây là kiến trúc tâm linh để tế lễ nhằm khẳng định tính chính đáng của vương triều được trao thiên mệnh.

Nguồn tin từ báo Tiền phong cho hay, trong báo cáo của Viện Khảo cổ VN, bước đầu đưa phương án bảo tồn. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN chỉ đạo Viện Khảo cổ tư liệu hóa bằng phương án scan 3D.

Theo đề xuất, ở giai đoạn 1, di tích được lấp cát và lấp đất bảo tồn theo quy trình khoa học. Ở giai đoạn 2, các chuyên gia đề nghị phục dựng nguyên trạng của di tích ở trên mặt đất theo phương pháp của Nhật Bản. Sau đó, kết nối di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt này với kiến trúc Bát Giác, tạo thành chỉnh thể kiến trúc Hoàng cung thời Lý.

Theo tin tức từ báo Hà Nội mới, ngày 29/10, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN) cho biết, dự kiến phương án bảo tồn chính thức đàn tế phát lộ trong quá trình thi công Nhà Quốc hội sẽ được xác định trong tháng 11 tới.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news