Tin mới

Đào được đá khủng 30 tấn: Mức phạt vô lý, chủ vườn có thể khởi kiện

Thứ năm, 23/04/2015, 10:30 (GMT+7)

Luật sư Hiền khẳng định, chưa giám định giá trị tài sản của khối đá thì chưa thể đưa ra bất cứ đề xuất xử phạt đối với chủ vườn và những người liên quan.

Luật sư Hiền khẳng định, chưa giám định giá trị tài sản của khối đá thì chưa thể đưa ra bất cứ đề xuất xử phạt đối với chủ vườn và những người liên quan.

Liên quan đến tảng đá canxedon (chalcedone) nặng gần 30 tấn được khai thác tại vườn cà phê của ông Nguyễn Chí Thanh, cả người chủ vườn đào được tảng đá lẫn người điều khiển máy xúc đưa hòn đá lên khỏi mặt đất (là ông Trương Quốc Hảo) đều đang “kêu trời” vì nguy cơ phải nộp phạt 1.1 tỷ đồng.

Người trong cuộc lên tiếng phản đối mức phạt và cho rằng đây là số tiền phạt quá lớn trong khi các ông vô tình đào hồ nên thấy hòn đá chứ không hề có chủ đích múc hồ để lấy đá đem bán. Trong khi đó, chính quyền khẳng định hai ông đã có hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Và căn cứ Nghị định 142/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản), theo điểm d khoản 3 Điều 37 Nghị định 142/2013, mức phạt đối với mỗi người là 550 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo phân tích của Luật sư Đỗ Văn Hiền – Công ty Luật Đỗ Thành Nam (Hà Nội), các cơ quan có thẩm quyền chưa lập hội đồng định giá, chưa xác định được tính chất, giá trị của khối đá đó đã vội đệ trình hình thức xử phạt là vô cùng thiếu sót. Theo luật sư Hiền, nhất định phải có biên bản giám định tảng đá của cơ quan hoặc hội đồng có thẩm quyền chuyên môn cao về khoáng sản, xác định tảng đá bị tạm giữ là đá quý, bán quý hay đá thông thường mới có căn cứ ra quyết định xử lý phù hợp.

Chủ vườn và người điều khiến máy múc không chấp nhận mức phạt 1,1 tỷ đồng

liên quan đến hòn đá khủng

Nếu trường hợp không có giám định của cơ quan có thẩm quyền, việc tranh cãi có thể xảy ra vì người bị xử phạt không chấp nhận mức phạt, lúc đó, ông Thanh và ông Hảo hoàn toàn có thể khởi kiện.

Luật sư Hiền phân tích, mục đích của ông Thanh và ông Hảo là đào hồ để lấy nước tưới chứ không phải là để đi tìm khoáng sản. Vậy nên, ngay từ đầu đã quy cho hành vi này là “khai thác khoáng sản” là không đúng và vì vậy, nói họ “khai thác khoáng sản không phép” thì càng sai.

Khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản định nghĩa rất rõ: “khai thác khoáng sản” là “hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan”. Trong khi đó, diễn biến của vụ việc từ lúc phát hiện hòn đá đến nay cho thấy, ông Thanh và ông Hảo chỉ tình cờ đào được hòn đá trong lúc đào hồ chứa nước, hoàn toàn không tổ chức xây dựng cơ bản mỏ, khai đào nhằm thu hồi khoáng sản.

 

“Nếu việc đào tảng đá của ông Thanh bị quy kết vào tội “khai thác khoáng sản trái phép” thì có lẽ từ nay, bất cứ ai đào ao, đào giếng, đào hồ… cũng đều phải xin thêm một giấy phép khai thác khoáng sản. Vì nếu vô tình phát hiện một loại khoáng sản trong quá trình đào thì họ đều bị khép vào tội khai thác khoáng sản không phép” – Luật sư Hiền dẫn chứng.

Ngoài mức phạt được đề xuất đối với chủ vườn và chủ máy múc, thì luật sư nhận định, mức phạt đối với người tài xế điều khiển xe kéo vận chuyển tảng đá cũng bị cho là vô lý. Luật sư Hiền cho hay, việc chuyên chở hòn đá chỉ là hành vi vận chuyển hàng thuê, không liên quan gì đến việc kinh doanh vì tài xế không phải là chủ thể kinh doanh. Vì vậy, không thể quy kết hành vi của tài xế vào tội kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hơn nữa, cơ quan chức năng chưa giám định giá trị của hòn đá mà đã đưa ra mức phạt 35 triệu đồng đối với người tài xế thì đây là một kết luận quá vội vàng.

Còn theo nhận định của GS. TS địa chất Phan Trường Thị (hiện là Viện trưởng Viện Đá quý – vàng và Trang sức Việt), khối đá khủng mà ông Thanh đào được thực chất không có nhiều giá trị về mặt kinh tế. Nếu tính theo giá thị trường mua bán Canxedon hiện nay thì khối đá trên chỉ vào khoảng 50 đến 60 triệu đồng.

Trước đó, hồi tháng 2, ông Nguyễn Chí Thanh (ở thôn Tân Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) trong quá trình đào hồ lấy nước tưới cà phê gặp tảng đá lớn dưới đất sâu nên thuê 3 xe múc về khai thác. Một số người biết chuyện đã đến trả giá mua hòn đá với giá 60 triệu đồng. Do cần phải gấp rút đào hố để lấy nước tưới cà phê, nên ông Thanh đã đồng ý bán.

Đến giữa tháng 2, khi xe đầu kéo đang vận chuyển tảng đá này trên QL14 qua địa bàn H.Đắk Mil thì bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Đắk Nông, đã phát hiện, bắt giữ.

Bước đầu xác định, tảng đá bị tạm giữ là đá canxedon, dài 4 m, rộng 3,5 m, cao 1,3 m, ước khoảng 18 m3, nặng từ 27 - 28 tấn.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news