Tin mới

ĐBQH: Cần quy định trách nhiệm tiếp cận bí mật nhà nước khi đã nghỉ hưu

Thứ tư, 22/11/2017, 14:34 (GMT+7)

Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ bí mật nhà nước, theo đại biểu Quốc hội Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm, điều kiện với người được tiếp cận bí mật nhà nước trong thời gian làm nhiệm vụ cũng như khi thôi làm nhiệm vụ và đã nghỉ hưu.

Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ bí mật nhà nước, theo đại biểu Quốc hội Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm, điều kiện với người được tiếp cận bí mật nhà nước trong thời gian làm nhiệm vụ cũng như khi thôi làm nhiệm vụ và đã nghỉ hưu.

Đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay 22/11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Theo các đại biểu, cần thiết ban hành Luật để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời để tiếp cận thông tin theo đúng quy định.

Đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc - hội nhận định các quy định của dự thảo luật Bảo vệ bí mật Nhà nước là phải đáp ứng đồng thời hai yêu cầu. Yêu cầu thứ nhất là đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điều thứ hai là đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, của đại biểu Quốc hội, của báo chí và đảm bảo hiệu quả phòng chống tham nhũng.

"Để đảm bảo được các yêu cầu này là khó, nhưng dù khó vẫn phải làm. Và làm như thế này để đảm bảo cân đối giữa bảo vệ bí mật và công khai minh bạch. Giữa quyền tiếp cận thông tin và yêu cầu đảm bảo bí mật", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Theo bà Nga, có 2 xu hướng liên quan tới công tác bảo mật. Xu hướng thứ nhất trong thực trạng bí mật Nhà nước bị lộ. Ngay cả trên môi trường mạng, có những văn bản mật của cơ quan quan trọng được chụp đưa lên. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi ích của Nhà nước, của quốc gia.

Ngược lại có tình trạng lạm dụng luật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật. Danh mục mật chậm rà soát, sửa đổi. Có những danh mục mật từ năm 2000-2004 tới nay chúng ta vẫn dùng. Trong khi hệ thống luật, việc công khai minh bạch, sửa đổi rất nhiều.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp quy định về bảo mật không rõ ràng đã đẩy một số người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp.

Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các điều liên quan tới phân loại, danh mục, điều cấm trong dự thảo luật là chưa thực sự rõ ràng, minh bạch. Ngay cả khái niệm có thể “gây nguy hại tới lợi ích, quốc gia, dân tộc” thì khái niệm “lơi ích, quốc gia, dân tộc” đã rất rộng và khái niệm “gây nguy hại” cũng chưa có tiêu chí phân biệt rõ.

Trong khi đó, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) khẳng định, bí mật nhà nước là tài sản quốc gia. Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm, điều kiện với người được giao nhiệm vụ biên soạn dự thảo luật và người được tiếp cận bí mật nhà nước trong thời gian làm nhiệm vụ cũng như khi thôi làm nhiệm vụ và đã nghỉ hưu. Đồng thời phải có biện pháp xử lý người làm lộ bí mật nhà nước.

Đại biểu Quân cũng cho rằng, quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước cấp độ tuyệt mật là 30 năm ở lĩnh vực quốc phòng an ninh là ngắn vì trong ngành này có những tài liệu đặc biệt quan trọng, nếu bị lộ lọt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia. Do đó, cần tăng thời gian bảo vệ bí mật nhà nước với lĩnh vực quốc phòng an ninh.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) bày tỏ sự băn khoăn về quy định về thẩm quyền cấp chính quyền địa phương trong việc xác định độ mật và công bố độ mật của một số tài liệu, đặc biệt là tài liệu liên quan phát triển kinh tế, an sinh xã hội như trong dự thảo luật.
 
Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, hiện trong các luật chuyên ngành đã có điều khoản riêng và liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng đều có quy định công bố công khai. Vì vậy, dự thảo luật cần bổ sung là những nội dung đã được luật chuyên ngành quy định là phải công khai thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Bên cạnh đó, việc sao chụp bí mật nhà nước chỉ nên giao cho người đứng đầu cơ quan tổ chức thực hiện. 
 
Theo các đại biểu, dự thảo luật cần bổ sung thêm đối tượng cán bộ, công chức và mọi công dân có nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6 dự thảo luât), nên bổ sung thêm quy định là cấm phát ngôn có nội dung bí mật nhà nước vì thực tế có việc bị lọt thông tin, bí mật nhà nước qua phát ngôn của các cá nhân, cán bộ, công chức.
 
Đức Hòa (tổng hợp)
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news